Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tết trên những cung đường xa

Mỹ An| 06/02/2019 12:10

(HNM) - Với nghề hướng dẫn viên du lịch, đa phần mọi người mặc định đó là nghề được đi đây đi đó nhiều, được khám phá và tìm hiểu nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Nhưng, nghề hướng dẫn viên có thực sự nhiều màu hồng như vậy vào mỗi dịp Tết đến xuân về?

Ảnh: Đặng Thế Sơn (ngoài cùng bên trái) dẫn đoàn khách thăm Mỹ.


Cái nghiệp nó thế 

“Tám năm nay tôi chưa ăn một cái Tết trọn vẹn cùng gia đình. Bố mẹ chỉ gặp tôi khi đã hết Tết”. Đó là tâm sự của chàng hướng dẫn viên du lịch tự do Bùi Thế Vũ - sẽ tròn 30 tuổi vào năm mới này. Việc đón Tết xa nhà đã trở nên quá quen thuộc với Vũ và các đồng nghiệp, nhất là những người chuyên thị trường outbound (đưa khách Việt Nam ra nước ngoài). Và khi đi du lịch trong dịp Tết đang ngày càng trở thành xu hướng phổ biến trong vài năm gần đây thì những hướng dẫn viên như Vũ càng bận rộn hơn bao giờ hết.

Động lực để những hướng dẫn viên như Vũ làm việc tốt hơn trong những ngày Tết là cùng du khách khám phá những vùng đất mới trong ngày xuân căng tràn hạnh phúc. Và một động lực khác rất thực tế, đó là mức thu nhập cao hơn nhiều lần so với ngày bình thường.

Bùi Thế Vũ chia sẻ: “Với những người trẻ còn độc thân như tôi, thì nghề hướng dẫn viên trong những ngày Tết mang lại cơ hội có mức thu nhập cao hơn. Đây là khoảng thời gian chúng tôi cần tích lũy cả về kinh tế lẫn kinh nghiệm để khẳng định mình. Hơn thế, gia đình tôi cũng không quá nặng nề về những thủ tục trong ngày Tết nên tôi mới có cơ hội đưa các đoàn khách đi xuyên Tết nhiều như vậy. Đó là điều không phải ai muốn cũng làm được”.

Với Vũ, việc sum vầy cùng gia đình trong đêm Giao thừa và sáng mồng Một chưa thể là đủ nhưng cái nghiệp nó thế, không khác được, thêm nữa công việc thuận lợi trong những ngày đầu năm mới sẽ mang đến niềm hy vọng về sự hanh thông và cả những thành công.

Nhớ lại kỷ niệm lần đầu tiên đón những vị khách nước ngoài đến Việt Nam vào đúng dịp Tết Nguyên đán cách đây 7 năm, anh Nguyễn Đức Hiền (Công ty Du lịch Mr Linh’s Adventure) không quên được những tâm trạng, cảm xúc đan xen khi “được” đón Giao thừa một mình ở sân bay. Theo lịch, các vị khách Australia sẽ hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Nội Bài lúc 19h tối Ba mươi Tết. Nhưng 21h, 23h, rồi 0h…, thời khắc Giao thừa đã qua mà chuyến bay chở các vị khách kia vẫn chưa thấy “tăm hơi”. Vậy là lần đầu tiên trong cuộc đời, anh Hiền phải đón Giao thừa mà không có gia đình ở bên.

Anh Hiền nói: “Với một sinh viên mới ra trường còn nhiều bỡ ngỡ, dù đã xác định tinh thần nhưng tôi vẫn thấy buồn, chống chếnh và nhớ bố mẹ. Tôi gọi điện để chúc mừng năm mới và trấn an các cụ không phải lo cho tôi, nhưng đó cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi nhận thấy giá trị của những phút giây sum họp gia đình”...

Và, anh Hiền còn tiếp tục vật vờ một mình ở sân bay vắng lặng tới 3h sáng mồng Một mới đón được khách sau 7 tiếng chờ đợi. Đưa khách về khách sạn nhận phòng, nghỉ ngơi, anh chạy xe một mạch về nhà ở Phố Nối (Hưng Yên), cách trung tâm Hà Nội 40km. Chỉ kịp ngủ vài tiếng, sau đó chúc Tết, ăn với bố mẹ bữa cơm đầu năm, rồi lại tất tả đi xe máy ngược về Hà Nội trong mưa phùn gió bấc để đưa các vị khách về Quảng Ninh. Trong hai ngày khách thăm Vịnh Hạ Long, anh Hiền cùng người lái xe lủi thủi “đón Tết” ở khách sạn, chờ các vị khách quay lại. Đó là một kỷ niệm anh nhớ mãi.

Với anh Đặng Thế Sơn, hướng dẫn viên kỳ cựu của Công ty Cổ phần HanoiRedtours, người đã có 15 năm trong nghề, thì mỗi lần đi xuyên Tết là một lần áy náy với gia đình, vợ con. Nhưng vì yêu nghề, vì sự tín nhiệm của khách hàng… anh lại lên đường bằng tất cả nhiệt huyết của mình. Anh Sơn kể, có những năm, Giao thừa tới gần cũng là lúc anh xách vali đưa khách ra sân bay và bắt đầu đón Tết ở nơi xa. Cái cảm giác ở nhà là xuân, là gia đình, còn mình thì bay trên trời, đón Tết và mang niềm vui đến cho những người lạ khiến anh day dứt vô cùng.

Nhưng với anh, hạnh phúc là khi được sẻ chia. Sự sẻ chia ấy đến từ người vợ tảo tần, một tay cáng đáng mọi việc trong gia đình để anh yên tâm với nghề. Sự chia sẻ còn đến từ những giây phút đón Tết xa nhà với những người khách trước lạ sau thân, là lúc mọi người quây quần chia nhau miếng bánh chưng xanh thơm hương đỗ hay khoanh giò lụa trắng và cảm nhận hương vị Tết quê nhà ở nơi đất khách… Khi không còn bị ràng buộc bởi những phong tục truyền thống, mỗi người có thể cảm nhận cái Tết theo cách riêng của mình, để rồi càng nhận rõ hơn những giá trị quý báu mà cái Tết cổ truyền mang đến cho dân tộc Việt.

Nghề đã chọn mình


Những năm gần đây, xu hướng đi du lịch vào Tết Nguyên đán đang ngày càng trở nên phổ biến trong mọi tầng lớp, lứa tuổi, đối tượng khách. Nhiều người mong cuộc sống tối giản, ít chịu ảnh hưởng của những phong tục tập quán truyền thống nên đã lựa chọn việc đi du lịch trong những ngày Tết. Có người đi du lịch để thay đổi không khí và tận hưởng kỳ nghỉ dài ngày cùng gia đình. Có người chọn đi dịp Tết để tránh việc nhậu nhẹt, ăn uống… Mỗi người một lý do, nhưng không thể phủ nhận, du lịch trong kỳ nghỉ Tết ngày càng có xu hướng phổ biến rộng rãi và thậm chí là một trào lưu.

Việc đưa khách đi du lịch dịp Tết cũng là cơ hội tốt để các hướng dẫn viên khẳng định “thương hiệu” của mình. Anh Đặng Thế Sơn lý giải, vào dịp Tết, tình trạng khan hiếm hướng dẫn viên là chuyện “thường ngày ở huyện”. Và không phải đoàn khách nào hướng dẫn viên cũng nhận. Với những người giàu kinh nghiệm, có phông kiến thức tốt, thương hiệu của họ sẽ được khẳng định ở các thị trường khó như châu Âu hay một số nước châu Á, Trung Đông có đời sống cao: Nhật Bản, Hàn Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập… Do đó, họ có quyền lựa chọn đoàn khách, thời gian đi.

Tuy nhiên, việc đi với các đoàn khách có mức chi tiêu cao cũng không đơn giản. Bùi Thế Vũ chia sẻ, công việc thông thường của một hướng dẫn viên đã rất nhiều. Khi đưa đoàn khách đông người ra nước ngoài, khối lượng công việc và trách nhiệm của hướng dẫn viên càng lớn hơn. Không chỉ đòi hỏi khả năng bao quát, sắp xếp công việc một cách khoa học, người hướng dẫn viên còn phải khéo léo trong giao tiếp, có khả năng ứng biến linh hoạt, có khả năng lường trước những tình huống sẽ xảy ra và dung hòa được mọi mối quan hệ. Việc tạo nên một không khí thân mật, cởi mở và chân tình giữa các đoàn khách khi đi tour ghép - đối tượng chính của các đoàn outbound là rất cần thiết, bởi nếu không, tour đó có thể bị “phá sản” bất cứ lúc nào.

Nhiều tình huống “dở khóc dở cười” đã từng xảy ra với những đoàn khách đi du lịch nước ngoài mà hướng dẫn viên thiếu kỹ năng, non kinh nghiệm. Do đó, để giữ được thái độ, quan điểm trung gian và cải thiện các mối quan hệ là không đơn giản. Điều này phản ánh trình độ của một hướng dẫn viên và những hướng dẫn viên có thương hiệu luôn được các công ty, khách hàng thân thiết “săn đón”.

Thường xuyên vắng mặt trong những ngày Tết và các dịp lễ quan trọng của gia đình, nhưng anh Đặng Thế Sơn vẫn cảm thấy mình may mắn hơn nhiều người bởi có được một “hậu phương” vững chắc. Mặc dù không làm cùng nghề, nhưng vợ anh luôn thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ với chồng những khó khăn, mệt mỏi của nghề hướng dẫn du lịch. Đó chính là nguồn năng lượng mạnh mẽ để anh vững bước với nghề nghiệp đã chọn, cho dù không phải không có những chông gai, cám dỗ và vất vả.

Vừa xách vali chuẩn bị đưa đoàn khách đi xuyên Tết, anh Sơn vừa cười: “Tôi trở thành “con nợ” của vợ mình bởi nếu không có cô ấy, có lẽ tôi đã không theo được nghề đến lúc này. Tôi cảm thấy may mắn vì nghề đã chọn mình và gắn bó với nghề suốt mười mấy năm qua. Nếu cho tôi chọn lại từ đầu, tôi sẽ vẫn chọn làm hướng dẫn viên du lịch”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết trên những cung đường xa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.