Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ thuật truyền thống: Đòn bẩy phát triển du lịch của Indonesia

Quỳnh Dương| 13/06/2019 11:34

(HNMCT) - Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Indonesia, đã làm rất tốt việc lấy sân khấu biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ phát triển du lịch, thậm chí đó còn là điểm chính trong thiết kế lịch trình của các công ty du lịch, tạo ấn tượng không nhỏ cho đông đảo du khách.

Điệu múa truyền thống Barong của người dân trên đảo Bali.


Một trong những yếu tố dẫn đến thành công này là chính sách lấy người dân làm trọng tâm cho mọi kế hoạch bảo tồn văn hóa truyền thống, đặc biệt là lưu truyền các điệu nhảy, múa và biểu diễn nhạc cụ cho thế hệ tương lai.

Sức hút từ sân khấu nghệ thuật truyền thống

Nhắc tới du lịch Indonesia, không thể không nói đến những điệu múa cổ truyền của người dân đảo Bali đó là Barong. Xuất phát từ một loài linh vật gần giống như sư tử trong huyền thoại của Bali, Barong là vua của các linh hồn, là vị chúa tể của lòng tốt. Nội dung điệu múa Barong thường xoay quanh cuộc chiến giữa Barong và Rangda - nữ hoàng quỷ và cũng là hiện thân của cái xấu. Đến Bali, hầu hết du khách đều dành thời gian thưởng thức màn biểu diễn độc đáo này.

Họ ấn tượng với sự thể hiện chuyên nghiệp của người dân bản địa trong vai quỷ thần, công chúa, chiến binh trên những sân khấu được dàn dựng công phu, sống động và rực rỡ màu sắc hòa vào khung cảnh đẹp tuyệt vời của những ngôi đền cổ linh thiêng. Đây là lý do các buổi trình diễn Barong ngày càng phổ biến ở Bali. Các vũ công tham gia ở đủ mọi lứa tuổi, từ cụ già đến thiếu nhi. Mỗi buổi diễn kéo dài từ 45 phút đến một tiếng, và kết thúc buổi diễn bao giờ cũng có màn chụp hình cho khách du lịch với các diễn viên trong những bộ trang phục cầu kỳ và tinh xảo.

Không chỉ ở Bali, nhiều địa phương khác của Indonesia cũng đang khai thác triệt để sức hút của nghệ thuật truyền thống làm đòn bẩy phát triển du lịch. Sự sáng tạo của chính quyền thành phố Banjarmasin đang trở thành hình mẫu trong việc vừa bảo tồn các di sản văn hóa vừa khai thác các di sản ấy để phát triển du lịch bền vững. Sông được sử dụng là một điểm nhấn trong công tác phát triển du lịch nơi đây.

Ngoài việc duy trì những buổi họp chợ nổi, Phòng Văn hóa và Du lịch thành phố Banjarmasin còn tổ chức và duy trì nhiều lễ hội văn hóa trên sông. Tại lễ hội, du khách không chỉ được thưởng ngoạn hoạt động buôn bán thường nhật của người Banjar trên những chiếc thuyền gỗ jukung mà còn được chiêm ngưỡng những chương trình biểu diễn đặc biệt như: Lễ hội thời trang Banjar, Lễ hội Sinoman Hadrah, trò chơi truyền thống Balogo... Nhờ nhiều hoạt động phong phú, Lễ hội Văn hóa chợ nổi Banjarmasin vì thế ngày càng trở thành điểm đến ưa thích của người dân Indonesia và du khách quốc tế.

Lấy con người làm trọng tâm


Có thể nói việc quan tâm, gìn giữ và phát triển sân khấu nghệ thuật truyền thống đã mang lại thành công không nhỏ cho chiến lược tăng trưởng du lịch của Indonesia. Một trong những yếu tố dẫn đến thành công này là chính sách lấy người dân địa phương làm trọng tâm cho mọi kế hoạch bảo tồn văn hóa truyền thống.

Trước tiên, Indonesia xây dựng chương trình nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân đối với các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Bằng việc đưa nội dung này vào giáo dục từ cấp tiểu học, chính quyền Indonesia dần dần giúp người dân hiểu được lợi ích của việc phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống để phát triển du lịch, qua đó nâng cao đời sống của người dân địa phương. Bên cạnh đó, chính phủ cũng trích ngân sách hằng năm để xây dựng các trung tâm gìn giữ nghệ thuật truyền thống, khuyến khích các địa phương tổ chức lớp học thường xuyên để lưu truyền các điệu nhảy, múa và biểu diễn nhạc cụ cho thế hệ tương lai.

Vì thế mà tại Bali, những người nông dân không chỉ làm công việc đồng áng đơn thuần mà còn có một sứ mệnh khác. Đó là tập luyện và bảo tồn điệu múa Barong cổ truyền. Họ thành lập hẳn một đội múa của làng có tên gọi Jambe Budaya với khoảng 30 thành viên đảm nhiệm nhiều vai trong vở diễn, từ biểu diễn nhạc cụ cho đến hóa thân thành các nhân vật thiện - ác. Ông Agong Putra - người điều hành nhóm múa cho biết, việc múa biểu diễn là do dân làng đảm nhiệm, còn sân khấu là do chính phủ tài trợ xây dựng để thu hút khách du lịch đến đây.

Sau buổi biểu diễn, những thành viên nhóm múa lại ra đồng làm công việc đồng áng. Những thanh niên khỏe mạnh còn có thể trở lại sân khấu vào buổi chiều tối để biểu diễn múa lửa phục vụ du khách. Nhờ nhận thức cộng đồng được nâng cao nên hiện tại, nghệ thuật múa Barong truyền thống đang được lưu truyền và gìn giữ rất tốt trong người bản địa ở Bali. Có những lớp học dạy cho trẻ nhỏ, nối tiếp nhau, và bản thân các vũ công nhí cũng thường được sắp xếp lịch biểu diễn nên có thu nhập ổn định. Cứ nửa năm hoặc một năm, cơ quan văn hóa của Indonesia lại đến thẩm định, đánh giá cụ thể về thực trạng của nghệ thuật truyền thống này.

Không những mạnh tay đầu tư cho giáo dục, nâng cao nhận thức và xây dựng những trung tâm bảo tồn văn hóa, chính phủ Indonesia còn thường xuyên tổ chức những lễ hội, liên hoan nghệ thuật truyền thống nhằm khuyến khích các nghệ sĩ tham gia phát triển loại hình văn hóa này. Mới đây, nhằm góp phần bảo tồn và khôi phục điệu nhảy Bedhayan có nguồn gốc từ đảo Java, Indonesia đã tổ chức thành công “Liên hoan múa truyền thống Bedhayan” với sự góp mặt của 13 nhóm múa trên khắp Indonesia.

Theo ông Ghafur Akbar Putra, chuyên gia văn hóa thuộc Bộ Điều phối phát triển nhân lực và văn hóa Indonesia thì quốc gia này có mức độ đa dạng văn hóa cao. Việc tổ chức các lễ hội, liên hoan là dịp tôn vinh những nghệ sĩ đã có đóng góp lớn cho việc bảo tồn và duy trì văn hóa truyền thống của Indonesia. Ngoài ra, khi các lễ hội được tổ chức hằng năm theo định kỳ, sẽ trở thành hoạt động thu hút khách du lịch rất hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ thuật truyền thống: Đòn bẩy phát triển du lịch của Indonesia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.