Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần vai trò “nhạc trưởng”

Bảo Khánh| 04/07/2019 20:44

(HNMCT) - Sự liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sẽ tạo động lực mạnh mẽ để phát triển du lịch vùng. Tuy nhiên, để giải bài toán liên kết không đơn giản chỉ cần những cái “bắt tay” giữa các cơ quan quản lý hay ngành Du lịch, mà còn đòi hỏi vai trò của một "nhạc trưởng" - đầu mối liên kết có khả năng tập hợp, định hướng để các địa phương hành động nhằm mang lại kết quả tốt nhất cho toàn vùng.


Nhiều tiềm năng, lợi thế

Không chỉ sở hữu nhiều ưu thế đặc biệt về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (gồm 7 tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc) còn rất giàu có về tài nguyên nhân văn với hệ thống di tích, di sản văn hóa phi vật thể vô cùng phong phú, đa dạng. Đây là điều kiện thuận lợi tạo nên nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc, độc đáo so với các vùng khác trên cả nước.

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Vùng được định hướng tập trung phát triển các dòng sản phẩm du lịch văn hóa gắn với nền văn minh sông Hồng; du lịch lễ hội, tâm linh; du lịch biển - đảo, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng (MICE); du lịch sinh thái nông nghiệp nông thôn và vui chơi giải trí cao cấp...

Lễ hội chùa Hương luôn thu hút lượng lớn khách du lịch.

Có thể thấy, những năm qua, mỗi địa phương trong Vùng đã xây dựng, khai thác các sản phẩm đặc trưng trở thành thế mạnh của mình. Với dòng sản phẩm du lịch biển - đảo, Hải Phòng và Quảng Ninh đã và đang khai thác hiệu quả vẻ đẹp của vịnh Hạ Long, đảo Cát Bà, vịnh Lan Hạ, mang đến cho du khách những trải nghiệm phong phú thông qua các hoạt động như tham quan hang động, tắm biển, nghỉ dưỡng cao cấp bằng tàu trên vịnh, tham quan làng chài...

Nói đến du lịch tâm linh, lễ hội, không thể không nhắc đến những lễ hội có quy mô lớn như Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), Lễ hội Xuân Yên Tử (Quảng Ninh), Hội đền Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), Lễ hội Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Hội Chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng)... Nhắc đến du lịch MICE, khó có địa phương nào cạnh tranh được với Hà Nội bởi lợi thế là Thủ đô - “trái tim” của cả nước, "cửa ngõ" đón khách du lịch trong và ngoài nước, hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hệ thống cơ sở lưu trú cùng nguồn nhân lực chất lượng cao...

Tuy nhiên, có một thực tế đã diễn ra nhiều năm qua, đó là tình trạng “mạnh ai nấy làm”, địa phương nào cũng xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhưng lại thiếu tính quy hoạch với tầm nhìn chiến lược, thiếu tính liên kết dẫn đến tình trạng trùng lặp sản phẩm, phát triển manh mún, nhỏ lẻ. Ông Lưu Đức Kế, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Du lịch Việt chia sẻ: “Hải Phòng và Quảng Ninh là hai địa phương rất mạnh về sản phẩm tham quan bằng tàu và nghỉ đêm trên vịnh. Đây là dòng sản phẩm cao cấp, thu hút đối tượng khách có mức chi tiêu cao. Tuy nhiên, việc thiếu tính liên kết, “ngăn sông cấm chợ” giữa hai địa phương lâu nay đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp. Và người thiệt thòi chính là du khách, bởi lẽ ra họ còn có thể được trải nghiệm nhiều hơn thế”.

Là khu vực đậm đặc di tích có giá trị, mang hơi thở đặc trưng của nền văn minh sông Hồng và là cái nôi của Phật giáo, Nho giáo, các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đều là những địa phương có thế mạnh để phát triển du lịch tâm linh, lễ hội. Nhưng do cả lý do khách quan lẫn chủ quan, dòng sản phẩm này cũng mắc phải hạn chế về sự trùng lặp. Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần HanoiRedtours cho rằng: Đây là hiện tượng phổ biến bởi các địa phương trong Vùng đều có thế mạnh này. Muốn khắc phục, các tỉnh, thành phải làm nổi bật được những giá trị riêng, đặc sắc của mình để không bị lẫn với các địa phương khác. Các tỉnh cần “bắt tay” để liên kết, chọn ra những sản phẩm, điểm đến mang tính đại diện nhưng vẫn có sự thống nhất, hài hòa khi kết hợp với sản phẩm của các địa phương khác. Có như vậy mới tạo ra những sản phẩm có tính liên kết mạnh và bền vững.

Nâng cao vị thế của Thủ đô

Để khắc phục các hạn chế trên, theo các chuyên gia du lịch, cần có một “nhạc trưởng” chịu trách nhiệm “kéo” các địa phương lại gần nhau thông qua các hình thức liên kết như: Trao đổi kinh nghiệm quản lý; đưa ra các cơ chế, chính sách  phối hợp để thu hút nhà đầu tư; hợp tác xúc tiến quảng bá sản phẩm; xây dựng các sản phẩm chung mang tính đặc thù của Vùng; khuyến khích các doanh nghiệp tại các địa phương liên kết sản phẩm, tour tuyến và đưa khách đến...

Theo quan điểm của ông Nguyễn Công Hoan, đã là vùng kinh tế thì phải có sự phân công cho từng nhóm địa phương có chung tiềm năng; phải xác định được từng khu vực phát triển gắn với sản phẩm nào cho phù hợp và không bị cạnh tranh lẫn nhau. Chính vì thế, các vùng kinh tế cần có một “nhạc trưởng” có khả năng kêu gọi, tập hợp các địa phương “chung vai sát cánh” trên mọi lĩnh vực, sự kiện. “Nhạc trưởng” ấy có thể phải bỏ nhiều chi phí, công sức hơn và hưởng lợi ít hơn các địa phương khác, nhưng vẫn là “leader” (người dẫn đầu) để định hướng cho các địa phương hành động nhằm mang lại kết quả tốt nhất, bền vững cho toàn vùng. 

Với vai trò là một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất cả nước, những năm qua Hà Nội đã chủ động kết nối nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của các địa phương trong Vùng. Ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: Qua việc thực hiện hiệu quả hoạt động liên kết các địa phương trong cả nước, du lịch Thủ đô đã tạo lập sự liên kết liên ngành, liên vùng; xây dựng tour du lịch nội vùng, nội địa, quốc tế, cụ thể về sản phẩm, dịch vụ gắn với từng thị trường khách du lịch. Việc phối hợp trong quản lý phát triển, kinh doanh du lịch đã được quan tâm thực hiện, gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy thế mạnh ở từng địa phương và trong toàn vùng, bảo đảm du lịch phát triển tương xứng với vị thế là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng; góp phần nâng cao vị thế của Hà Nội với cả nước.

Bên cạnh đó, Sở cũng đã thực hiện có hiệu quả các biên bản ký kết hợp tác du lịch giữa Hà Nội và các địa phương trong việc xây dựng các tuyến du lịch mới kết nối Vùng, hỗ trợ quảng bá du lịch giữa các địa phương, tham gia tích cực các hội nghị, hội thảo chia sẽ thông tin, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về du lịch...

Để phát huy hơn nữa vai trò đầu mối liên kết vùng, ông Trần Đức Hải cho biết, thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng và tổ chức triển khai hoạt động liên kết có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là kết nối ba bên giữa các nhà quản lý, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển (đường không, đường bộ, đường sắt, đường thủy) và các khu, điểm du lịch để tạo thành tour du lịch cụ thể kết nối Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong nước; tăng cường hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến với Thủ đô Hà Nội và các địa phương. Cùng với đó, nhiều chương trình, kế hoạch điều phối liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố cũng sẽ được triển khai như: Chương trình tạo dựng sản phẩm du lịch liên kết; Chương trình điều phối tuyến du lịch từ Hà Nội đến các tỉnh, thành phố liên kết và ngược lại; Chương trình hợp tác quảng bá du lịch, tham gia hội chợ du lịch trong nước và quốc tế; Chương trình đào tạo nguồn nhân lực có tính chất liên thông các tỉnh, thành phố...

Sự hợp tác trên mọi phương diện, lĩnh vực với các địa phương trong Vùng mà thành phố Hà Nội đã và đang triển khai chắc chắn sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch có tính liên kết, đặc trưng, hấp dẫn. Đây sẽ là động lực để đưa Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trở thành vùng dẫn đầu cả nước trong thời gian tới về phát triển du lịch nói riêng và kinh tế nói chung.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch (TAB):

Trong vùng kinh tế trọng điểm, mỗi ngành kinh tế có một đặc điểm riêng. Sự phát triển của ngành Du lịch phụ thuộc khá nhiều vào nhu cầu của du khách và xu hướng của thị trường. Không thể giới hạn ranh giới cụ thể từng vùng du lịch cho du khách bởi du khách đi theo nhu cầu của họ. Các sản phẩm du lịch sẽ liên kết với nhau theo nhu cầu của thị trường, và thị trường sẽ quyết định tour tuyến.

Ông Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội:

Với sự đa dạng trong lĩnh vực ẩm thực, từ hải sản ở vùng biển, các đặc sản, nông sản của vùng nông thôn cho đến ẩm thực đường phố tại các đô thị lớn, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ hoàn toàn có thể đẩy mạnh phát triển chuỗi du lịch ẩm thực ở các địa phương như một sản phẩm đặc sắc, khác biệt của mình. Cũng có thể phát triển dòng sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn kết hợp với mô hình du lịch cộng đồng tại các địa phương không thật sự nổi bật về tài nguyên du lịch như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, hoặc nhân rộng chương trình OCOP (mỗi làng một sản phẩm) đang rất thành công tại Quảng Ninh sang các địa phương khác... 

Việc liên kết sản phẩm giữa các tỉnh trong Vùng phải hướng đến đối tượng khách cụ thể. Cần lưu ý đến thị trường khách ở các vùng khác và khách quốc tế bởi khách từ miền Bắc hoặc trong cùng khu vực sẽ khó thu hút hơn. Các sản phẩm muốn liên kết được phải có yếu tố lạ thì mới có thể hấp dẫn được du khách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần vai trò “nhạc trưởng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.