Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển du lịch sinh thái ở Hà Nội: Tăng trải nghiệm để níu chân du khách

Hà My| 24/10/2019 11:19

(HNMCT) - Du lịch sinh thái đã và đang là hướng phát triển phổ biến của nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội. Với lợi thế về không gian, cảnh quan và những vùng đất đai trù phú của các huyện ngoại thành, Hà Nội hoàn toàn có thể phát triển các khu du lịch sinh thái kết hợp với trải nghiệm văn hóa để thu hút và “níu” chân du khách lưu trú lâu hơn nếu biết cách làm.

Khu du lịch sinh thái Bảo Sơn lại là điểm đến cuối tuần lý tưởng với nhiều trò chơi cho trẻ em.

Đa dạng các mô hình trải nghiệm

Gia đình anh Nguyễn Hữu Tấn (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) vừa trở về sau chuyến dã ngoại cuối tuần tại Khu du lịch sinh thái Bản Rõm (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn). Anh Tấn cho biết, chỉ mất khoảng 1 giờ chạy xe từ trung tâm thành phố, gia đình anh đã đến khu du lịch xinh xắn nằm ẩn mình dưới rừng thông rộng lớn của núi Sóc. Tại đây, các thành viên trong gia đình đã có những giây phút vui chơi thoải mái trong mê cung cỏ, vườn khủng long, thăm vườn rau, vườn thuốc, trang trại chăn nuôi...

“Thích nhất là lũ trẻ nhà tôi được trở về với thiên nhiên, được thỏa sức khám phá và hoạt động không ngừng. Nhìn chúng háo hức tìm hiểu cuộc sống của người nông dân, tự tay chăm sóc, thu hoạch các loại rau, củ; rồi cho gà, lợn, thỏ, dê ăn và uống nước... mình cũng thấy vui theo. Gia đình tôi sẽ duy trì thói quen này để có thêm nhiều giây phút bên nhau, và trẻ con có cơ hội được tìm hiểu thế giới xung quanh nhiều hơn”, anh Tấn chia sẻ.

Bản Rõm chỉ là một trong số hàng trăm mô hình du lịch sinh thái hiện có ở Hà Nội. Ngay trong khu vực nội đô, cách trung tâm Hà Nội không xa, quận Long Biên được biết đến như là “thủ phủ” của du lịch sinh thái. Nơi đây từng là ngoại thành của Hà Nội với những bờ bãi, vườn cây được phù sa sông Hồng bồi đắp, tạo nên một vùng có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, phì nhiêu. Sau quá trình đô thị hóa, Long Biên trở thành quận nội thành nhưng đến nay mô hình du lịch sinh thái tại đây đang phát triển ngày càng mạnh với những cái tên quen thuộc như: Làng văn hóa và ẩm thực Nắng sông Hồng (phường Bồ Đề); Khu du lịch sinh thái Bảo Sơn, Khu du lịch sinh thái Long Thành (phường Ngọc Thụy); Khu du lịch sinh thái Rose Park Đầm Trành (phường Thạch Bàn)...

Một điểm dễ nhận thấy ở các khu sinh thái trong nội đô là diện tích có thể không lớn nhưng mỗi khu đều tạo cho mình những nét đặc trưng riêng. Nếu như Rose Park Đầm Trành thu hút các du khách nữ bằng hàng nghìn gốc hồng đẹp trong khung cảnh lãng mạn như trong truyện cổ tích; Nắng sông Hồng thu hút bằng không gian trải nghiệm văn hóa với sân khấu biểu diễn nghệ thuật múa rối nước, các loại hình âm nhạc dân gian như chèo, chầu văn..., thì Khu du lịch sinh thái Bảo Sơn lại là điểm đến cuối tuần lý tưởng với các trò chơi cho trẻ em và khu cắm trại, câu cá cho người lớn.

Ngoài ra, Long Biên cũng là “thủ phủ” của các trang trại giáo dục dành cho đối tượng học sinh mẫu giáo, tiểu học với các loại hình trải nghiệm như: Tham quan, chơi các trò chơi dân gian, tìm hiểu về các loài động, thực vật, làm bánh... Điển hình nhất của mô hình này phải kể đến trang trại Erahouse (phường Giang Biên) với hàng trăm nghìn lượt học sinh từ các trường trong và ngoài Thủ đô Hà Nội đến tham quan, tìm hiểu mỗi năm.

Dịch chuyển ra phía Tây Thủ đô, chỉ mất khoảng 1 giờ đồng hồ di chuyển về khu vực núi Ba Vì, du khách có thể dễ dàng lựa chọn các khu du lịch sinh thái nổi tiếng như: Khoang Xanh - Suối Tiên, trang trại Đồng Quê (xã Vân Hòa); Khu du lịch Ao Vua, hồ Tiên Sa, (xã Tản Lĩnh), Khu du lịch Đồng Mô (Sơn Tây), hay hồ Quan Sơn (Mỹ Đức). Ngoài ra, tại các huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thạch Thất... ngày càng xuất hiện nhiều mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp với du lịch, hấp dẫn du khách bởi những vườn cây trĩu quả, gợi nhớ về miệt vườn Tây Nam Bộ giữa lòng Hà Nội... Có thể thấy, tiềm năng phát triển mô hình du lịch sinh thái tại Hà Nội rất lớn. Nếu biết cách khai thác, mô hình này sẽ còn phát triển mạnh hơn trong những năm tới.

Xây dựng sản phẩm

Trong Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030, du lịch sinh thái được xác định là một trong 7 sản phẩm chính của Hà Nội, gồm: Du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí, du lịch MICE, du lịch mua sắm, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch nông nghiệp. Trong đó, du lịch sinh thái tập trung vào các sản phẩm tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu các giá trị cảnh quan, sinh thái tại khu vực Vườn quốc gia Ba Vì, khu danh thắng Hương Sơn, khu vực núi Sóc - hồ Đồng Quan...

Cùng với đó, Hà Nội cũng chú trọng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú gắn với sinh thái dọc theo các vành đai xanh bao gồm: Vành đai xanh hai bờ sông Hồng, vành đai xanh cảnh quan sinh thái, vành đai xanh hai bờ sông Đáy nhằm làm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, đa dạng hóa các loại hình trải nghiệm và kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại Hà Nội.

Tuy nhiên, có một thực tế là các khu du lịch sinh thái ở Hà Nội vẫn đang rơi vào tình trạng hoạt động không đều, có sự trùng lặp, đơn điệu khiến du khách không muốn quay lại. “Nhiều khu du lịch chỉ hoạt động vào những ngày cuối tuần, còn trong tuần gần như không có khách. Với thời gian đón khách ít như vậy, doanh nghiệp khó có khả năng thu lợi nhuận để tái đầu tư và bổ sung thêm các hoạt động hấp dẫn nhằm kéo du khách đến. Đây thực sự là bài toán luẩn quẩn giữa “con gà và quả trứng” với không ít khu du lịch sinh thái trên địa bàn Hà Nội”, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và phát triển du lịch Nụ cười mới (New Smile Tour) nhìn nhận.

Để khắc phục hạn chế này, theo ông Cường, các khu du lịch sinh thái phải luôn tự làm mới mình, tăng cường đầu tư cho các dịch vụ bổ trợ, trải nghiệm mới để thu hút du khách. Cùng với đó, phải chia đối tượng khách theo thị trường, lứa tuổi, nhu cầu hưởng thụ, khám phá... nhằm đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm và phục vụ đông đảo đối tượng khách. Bên cạnh việc tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, các khu du lịch sinh thái có thể nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng mức chi tiêu của du khách bằng việc đầu tư, nâng cấp hệ thống lưu trú, nghỉ dưỡng và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí...

Theo Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, Giám đốc Trang trại Đồng quê (Ba Vì), du khách hiện nay có xu hướng quan tâm tới mô hình du lịch sinh thái, nông nghiệp bởi họ muốn được thưởng thức thực phẩm ngon, sạch trong không gian sinh hoạt mang tính cộng đồng nông nghiệp làng xã. Bởi thế, các doanh nghiệp nên quan tâm đến việc đẩy mạnh các yếu tố trải nghiệm gắn với bản sắc văn hóa của các vùng miền nhằm tạo nên sức hút, đặc biệt là với du khách nước ngoài. Kinh nghiệm này đã được kiểm chứng qua các mô hình điển hình tại Hội An, Nha Trang, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch sinh thái ở Hà Nội: Tăng trải nghiệm để níu chân du khách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.