Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển du lịch thông minh: Kết nối điểm đến và du khách

Bài và ảnh: Linh Tâm| 31/10/2019 10:39

(HNMCT) - Việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch, tại các điểm đến được ngành Du lịch Thủ đô, các doanh nghiệp cùng các địa phương hưởng ứng mạnh mẽ. Đó là “cây cầu” kết nối điểm đến với du khách một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất.

Người dân và du khách trải nghiệm ứng dụng du lịch thông minh tại Trung tâm thông tin du lịch làng nghề Bát Tràng.

Sự đổi thay tích cực

Tại lễ công nhận làng nghề Bát Tràng (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) là điểm du lịch của thành phố cách đây chưa lâu, đông đảo du khách và người dân đã háo hức trải nghiệm các ứng dụng công nghệ tiên tiến ở Trung tâm thông tin du lịch làng nghề Bát Tràng. Tại đây, du khách có thể truy cập Cổng thông tin điện tử du lịch battrangtour.net hay app (ứng dụng) Du lịch Bát Tràng trên điện thoại thông minh và màn hình số để tìm thông tin một cách dễ dàng. Không những vậy du khách còn có thể “tham quan” các di tích, đình, đền, chùa, xưởng sản xuất hay “tham dự” lễ hội làng Bát Tràng bằng cách sử dụng kính 3D để trải nghiệm thực tế ảo.

Du khách người Belarus, chị Marina Kazuseva (đang giảng dạy tại Trường Đại học Hà Nội) cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Được những người bạn giới thiệu về làng gốm Bát Tràng, tôi rất muốn khám phá ngôi làng cổ này. Tôi đã tự tìm hiểu thông tin thông qua apps Du lịch Bát Tràng bằng tiếng Anh, thăm các di tích thông qua trải nghiệm thực tế ảo... Quả thực, đây là một ngôi làng cổ rất thú vị”. Những thông tin khái quát với những hình ảnh, màu sắc bắt mắt đã mang lại cho chị cái nhìn khái quát về làng nghề. Không dừng ở đó, cổng thông tin điện tử này còn cung cấp cho du khách chi tiết các tour, thông tin du lịch cần thiết, phương án đi lại, sổ tay điện tử và cả bản đồ số 3D... Chỉ mất khoảng 15 phút là du khách đã có những kinh nghiệm tham quan, mua sắm cần thiết sau khi dùng thử các ứng dụng này.

Ông Takashi Koga, 67 tuổi, du khách người Nhật Bản vừa đọc thông tin trên chiếc điện thoại thông minh vừa ngắm nhìn ngôi nhà di sản 87 Mã Mây (quận Hoàn Kiếm). Nhờ tải ứng dụng Phố cổ Hà Nội (Hanoi old quarter) theo hướng dẫn của nhân viên khách sạn nơi ông thuê, ông có thể tự tìm đường đi thăm các di tích theo gợi ý của ứng dụng này. Trước nhà cổ 87 Mã Mây, ông đã thăm Ô Quan Chưởng, đền Bạch Mã, đình Kim Ngân, đền Quan Đế. Ông Takashi cho biết, sau khi thăm các di tích này ông sẽ ghé qua phố Đông Nam dược Lãn Ông và dừng chân ở Tạ Hiện để thưởng thức ẩm thực đường phố. “Với 3 ngôn ngữ được sử dụng, ứng dụng này sẽ phục vụ được những đối tượng khách phổ thông đến đất nước các bạn. Không chỉ cung cấp thông tin về các điểm đến, ứng dụng này cũng chỉ cho tôi các địa chỉ tiện ích khác như nhà hàng, khách sạn, cây ATM, thậm chí cả nhà vệ sinh công cộng... Do đó, tôi hoàn toàn yên tâm khám phá Hà Nội theo cách của mình”.

Những ứng dụng như Du lịch Bát Tràng hay Phố cổ Hà Nội chỉ là 2 trong số nhiều ứng dụng đã được triển khai tại Hà Nội trong thời gian qua, cùng với Hoàng thành Thăng Long, My Hanoi, Hanoi 360 hay các phần mềm thuyết minh tự động tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hoặc trên các xe buýt du lịch 2 tầng của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) và Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam - Hà Nội (Vietnamtourism - Hanoi)...

Xu hướng tất yếu

Phát triển du lịch thông minh dựa trên nền tảng công nghệ số hiện đại đã và đang là xu hướng bùng nổ của du lịch thế giới cũng như Việt Nam. Du lịch thông minh giúp tương tác, kết nối chặt chẽ giữa nhà quản lý, doanh nghiệp và khách du lịch nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động dịch vụ, đồng thời hỗ trợ công tác quản lý đạt hiệu lực, hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Việt Hồng, Phó Trưởng phòng Phát triển thị trường, VNPT Hà Nội (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) cho biết: Từ tháng 6-2017, VNPT Hà Nội phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội xây dựng dự thảo Đề án “Du lịch thông minh thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 - 2011”. Năm 2018, đã hoàn thành đưa vào sử dụng 2 nội dung: Hệ thống quản lý dữ liệu Sở Du lịch Hà Nội và Cổng Thông tin du lịch Hà Nội (Sodulich.hanoi.gov.vn).

Cùng với đó, VNPT Hà Nội đưa vào triển khai các ứng dụng như hệ thống thuyết minh tự động trên điện thoại di động tại di tích Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trong năm 2019, VNPT Hà Nội đã lắp đặt hệ thống wifi công cộng giai đoạn 1 tại 11 khu vực với 200 điểm, 200 trạm phát. Đó là các điểm du lịch trọng điểm như: Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, khu vực chùa Hương (Mỹ Đức), làng gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây)... Đến nay, đã có khoảng 8,2 triệu lượt truy cập, trung bình mỗi tháng có khoảng 400.000 - 500.000 lượt truy cập. “Những con số này bước đầu cho thấy tính hiệu quả của đề án đã mang lại cho ngành Du lịch Thủ đô nói riêng và việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội nói chung”, ông Hồng chia sẻ.

Bên cạnh việc triển khai, hoàn thiện Hệ thống quản lý dữ liệu Sở Du lịch Hà Nội và Cổng Thông tin du lịch Hà Nội cùng các ứng dụng phục vụ du lịch tại các điểm đến, thời gian tới, VNPT Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai việc xây dựng hệ thống wifi công cộng mở rộng ra các điểm: Nhà chờ xe buýt, điểm đến du lịch được thành phố công nhận, các làng nghề trọng điểm phát triển du lịch... Cùng với đó, hệ thống các booth tra cứu thông tin cũng sẽ được triển khai tới các điểm đến du lịch trọng điểm, làng nghề trọng điểm phát triển du lịch, khu vực công cộng... Việc Hà Nội phát triển du lịch thông minh dựa trên ứng dụng nền tảng công nghệ hiện đại đã và đang chứng minh đây là xu hướng của tương lai và là “cây cầu” nối du khách với các điểm đến một cách hiệu quả nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch thông minh: Kết nối điểm đến và du khách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.