Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sân khấu cho thiếu nhi: Đầu tư có chất lượng

An Nhi| 19/05/2019 07:04

(HNM) - Thời điểm này, các sân khấu trên địa bàn Thủ đô đang rộn ràng ra mắt nhiều chương trình nghệ thuật để chuẩn bị phục vụ các em nhỏ vào dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 và kỳ nghỉ hè sắp tới.

Nhà hát Tuổi trẻ phóng tác truyện cổ tích Sơn Tinh - Thủy Tinh trên sân khấu ca múa nhạc kịch.


Khai thác kho tàng dân gian

Nhà hát Tuổi trẻ - đơn vị nghệ thuật phục vụ đối tượng chính là thanh thiếu nhi, luôn trở thành tâm điểm ngày hè của khán giả nhí. Năm nay, đơn vị tung ra 3 vở diễn đặc sắc. Hai vở “Con chim xanh” và “Giấc mơ nàng tiên cá” đã đến với khán giả trong mùa trước, tuy nhiên được các nghệ sĩ chỉnh sửa, thay đổi một số chi tiết để hấp dẫn hơn. Vở “Sơn Tinh - Thủy Tinh” là tác phẩm ca múa nhạc kịch được xây dựng mới từ kịch bản phóng tác của tác giả Hiếu Phong, do nghệ sĩ trẻ Lý Chí Huy đạo diễn.

Ở “Sơn Tinh - Thủy Tinh”, cốt truyện dân gian quen thuộc với bao thế hệ khán giả Việt Nam được giữ nguyên, nhưng các chi tiết sẽ được chuyển hóa bằng hình thức ca, múa kết hợp cùng kỹ xảo, công nghệ hiện đại. Đạo diễn Lý Chí Huy chia sẻ, vở diễn khai thác về cuộc chiến giữa Sơn Tinh - Thủy Tinh để bật lên tinh thần đoàn kết, truyền thống đắp đê, ngăn lũ của nhân dân ta và truyền đi thông điệp, đừng vì sự ích kỷ của cá nhân mà gây tai họa cho người vô tội.

Cũng khai thác kho tàng dân gian Việt Nam, sân khấu Lệ Ngọc vừa công diễn vở “Tấm Cám” dàn dựng theo phong cách mới - đan xen diễn biến bi hài. Điểm thú vị của “Tấm Cám” khi qua bàn tay đạo diễn người Singapore Chua Soo Pong là nhân vật ông Bụt không xuất hiện, thay vào đó, mỗi khi Tấm gặp khó khăn, hoạn nạn, thì mẹ Tấm lại hiện lên giúp đỡ. “Tôi muốn tô đậm quan niệm của người Việt, là người mẹ lúc nào cũng ở bên con, dù mất đi nhưng vẫn luôn che chở, phù hộ con mình”, đạo diễn cho biết...

Cùng khai thác hình ảnh chú Tễu để dẫn dắt kịch, nhưng bằng môn nghệ thuật đặc sắc của mình, Nhà hát Múa rối Thăng Long và Liên đoàn Xiếc Việt Nam đem đến khán giả những chương trình khác biệt và thú vị. Trong chương trình múa rối tạp kỹ “Các con là tất cả” của Nhà hát Múa rối Thăng Long, chú Tễu đưa các em nhỏ vào thế giới huyền diệu với các nhân vật rồng, lân, trăn tinh, Bạch Tuyết, bảy chú lùn, siêu nhân hấp dẫn. Còn Liên đoàn Xiếc Việt Nam với “Cuộc phiêu lưu của chú Tễu”, khiến người xem mãn nhãn qua các màn trình diễn nhào lộn, đu bay, lắc vòng, đế trụ, xiếc thú…

Ngoài ra, các đơn vị nghệ thuật khác cũng trình làng những chương trình hấp dẫn. Nhà hát Múa rối Việt Nam có chương trình “Miền đất mới của chú bé rừng xanh”, vừa nhiều trò múa rối, vừa chứa đựng thông điệp về bảo vệ môi trường. Vở “Anh hùng Sờn Zách” của Nhà hát Kịch Việt Nam mở ra một thế giới cổ tích lãng mạn - anh hùng cứu mỹ nhân thời hiện đại, trên sân khấu đầy màu sắc. Nhà hát Star Galaxy tiếp tục đưa vở vũ kịch “Peter và chó sói” phục vụ khán giả nhí, trong khi Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cũng thể hiện câu chuyện này, song bằng ngôn ngữ hòa nhạc giao hưởng...

Đầu tư nghiêm túc

Không ít người vẫn cho rằng, làm chương trình cho thiếu nhi đơn giản, chỉ cần nhiều trò náo nhiệt, trang phục, sân khấu đa màu sắc, âm nhạc rộn rã là đủ. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, khi có nhiều phương tiện giải trí hiện đại, hấp dẫn các em nhỏ, thì chương trình sân khấu phải được đầu tư nghiêm túc, thậm chí làm cầu kỳ, sáng tạo, đa diện hơn những chương trình thông thường.

Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết, đối với Nhà hát Múa rối Việt Nam, làm sân khấu cho thiếu nhi luôn đòi hỏi cao và vất vả hơn chương trình cho đại chúng. Theo đó, điều cần chú trọng trước tiên là đề tài, không chỉ cổ tích, dân gian, lịch sử, mà còn đề cập tới những vấn đề của đời sống đương đại, được trẻ em quan tâm.

Bên cạnh hình thức biểu diễn, liều lượng, tạo hình, trang trí sân khấu, diễn xuất..., tác phẩm sân khấu cho thiếu nhi còn cần đầu tư công nghệ hiện đại, như âm thanh nổi, ánh sáng laser, màn hình LED… mới thu hút được trẻ.

Còn Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung, Quyền Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho rằng, phải có tâm huyết và tầm nhìn, thì mới cho ra đời những tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi tốt. Chẳng hạn, trong mùa diễn năm nay, Nhà hát Tuổi trẻ phân rõ đối tượng của 3 vở diễn. Cụ thể, “Con chim xanh” dành cho khán giả trên 10 tuổi, 2 vở còn lại hướng tới đối tượng nhỏ tuổi hơn. “Làm sao xây dựng tác phẩm chỉ gói gọn dưới 1 giờ, mà vừa kích thích giác quan của các em qua diễn xuất, trang phục, sân khấu, vừa tác động để trẻ tham gia câu chuyện kịch, tư duy và giải quyết vấn đề. Đó thật sự là thách thức đối với nghệ sĩ sân khấu”, Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung bày tỏ.

Nghệ sĩ Phú Đôn - người vào vai lãnh chúa Quá Quắt trong vở “Anh hùng Sờn Zách” chia sẻ, diễn viên phải hóa thân thật giỏi, đồng thời có sự tương tác với các em nhỏ, từ đó dạy các em những bài học về lòng dũng cảm, sự yêu thương, đoàn kết, đùm bọc…

Hầu hết các chương trình nghệ thuật đã sẵn sàng phục vụ thiếu nhi Thủ đô trong mùa hè này, với các suất diễn dày đặc. Khán giả có thể dễ dàng đặt vé trực tuyến hoặc qua hotline (đường dây nóng) đăng tải trên website của các đơn vị nghệ thuật. Điều này cũng là một nỗ lực làm mới của sân khấu Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sân khấu cho thiếu nhi: Đầu tư có chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.