Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển tải những hình ảnh thực bằng cả tấm lòng

Vân Thảo| 31/10/2019 11:09

(HNMCT) - NSND Nguyễn Thước xuất thân là quay phim, sau đó học và trở thành đạo diễn. Hơn 30 năm làm nghề là hơn 30 năm anh gắn bó với phim tài liệu cho tới khi về hưu. Anh nói, nếu được chọn lại, anh vẫn chọn làm phim tài liệu vì nghề này rất thú vị.

Riêng tôi lại cho rằng, Điện ảnh tài liệu Việt Nam sẽ kém thú vị nếu không có những Đất lạnh, Cuộc gặp gỡ sau 30 năm, Những công dân @, Sự nhọc nhằn của cát, Cỏ xanh im lặng, Chất xám, Thương hiệu, Nếu chỉ còn một ngày để sống… Những tác phẩm đã ghi dấu tên tuổi Nguyễn Thước trong vai trò đạo diễn ở các kỳ Liên hoan phim (LHP) quốc gia và Giải Cánh diều - Hội Điện ảnh Việt Nam.

1. Khó có thể khiến Nguyễn Thước tự ái, hoặc chí ít là thể hiện sự không hài lòng ngay cả khi tôi cố tình hỏi anh một câu hơi “kích động”: “Phim là người và ngược lại, anh lúc nào cũng nhẹ nhàng nên chắc phim anh cũng trầm trầm êm dịu?”, anh chỉ cười đáp lại: “Thì tính tôi là vậy. Tôi đã “chọc” vào những vấn đề lớn và nóng như nông nghiệp - nông thôn Việt Nam, giáo dục, xã hội, thậm chí có những vấn đề tưởng chừng khô khốc như xây dựng thương hiệu Việt Nam… nhưng cách “xoáy” vào vấn đề của tôi không quá gay gắt. Tôi rất hiền, bạn thấy rồi, thành ra cái chát chúa trong phim tôi cũng không giống như của các đồng nghiệp khác”. Có lẽ anh nói đúng, bởi sau khi xem Đất lạnh, Cỏ xanh im lặng, Sự nhọc nhằn của cát… nhiều người đều nhận định phim của Nguyễn Thước có sự sắc bén ở chiều sâu, thấm và ngấm từ đầu cho tới khi màn hình hiện lên hai chữ “Hết phim”.

Nguyễn Thước tốt nghiệp khoa Quay phim Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và bắt đầu công việc cầm máy quay tại Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương. Lần đầu tiên Nguyễn Thước giành giải thưởng Quay phim xuất sắc là tại LHP Việt Nam lần thứ 10 năm 1993 với bộ phim Dòng sông ánh sáng. Tại LHP Việt Nam lần thứ 11 năm 1996, anh tiếp tục giành giải Quay phim xuất sắc với Chìm nổi sông Hương và thêm một lần nữa giành giải thưởng này tại LHP Việt Nam lần thứ 12 với bộ phim Trở lại Ngư Thủy.

Năm 2000, học xong và làm nghề với tư cách đạo diễn phim tài liệu, Nguyễn Thước tiếp tục khẳng định mình với các bộ phim tài liệu giành được các giải thưởng ở LHP Việt Nam và Giải Cánh diều - Hội điện ảnh Việt Nam. Dù rất có “duyên” với giải thưởng nhưng anh lại không coi đó là mục đích làm nghề. Kết thúc những màn xướng tên lên sân khấu nhận giải và chụp hình, người đàn ông có vóc dáng nhỏ nhắn với những bước đi thoăn thoắt lại nhanh nhẹn trở về vị trí của mình - làm phim và giảng dạy.

2. Do đặc thù công việc, tôi thường xuyên gặp NSND Nguyễn Thước ở sân 51 Trần Hưng Đạo - nơi có ngôi nhà chung của những người làm phim là Hội Điện ảnh Việt Nam. Nguyễn Thước rất dễ tính, anh chưa bao giờ từ chối bất cứ lời đề nghị phỏng vấn, xin ý kiến của cánh báo chí, dù anh lúc nào cũng bận bịu. Một trong số các công việc anh đang làm hiện nay là giảng dạy cho sinh viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh.

Tính đến nay Nguyễn Thước đã có đúng 10 năm đứng trên bục giảng, như anh nói chủ yếu là vì “thấy công việc giảng dạy thú vị, một phần nữa là vì tình cảm với trường cũ và rõ ràng tiếp xúc với sinh viên khiến cho mình trẻ ra chứ tiền bồi dưỡng không bõ chạy xe vào tận Mai Dịch”. Ngoài ra, anh còn đi khắp cả nước để tham gia giảng dạy tại các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ làm phim cho hội viên Hội Điện ảnh ở các đài truyền hình.

Làm nghề cả đời, khi được mời làm thầy, Nguyễn Thước có đủ lợi thế và vốn liếng để dễ dàng soạn ra bộ tài liệu phục vụ công tác giảng dạy trong 4 năm dựa trên khung bài giảng mà trường quy định. Nguyễn Thước nói anh tự hào là mình đã thành công trong sự nghiệp trồng người khi có học trò giành giải thưởng LHP quốc tế dành cho sinh viên và giải thưởng trong nước cho phim ngắn. “Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh từng mời tôi vào vinh danh thầy trò được giải quốc tế. Các em sinh viên có lẽ nhìn vào đó mà tin tưởng tôi hơn”.

Không tin tưởng sao được khi cái “chất” riêng của Nguyễn Thước khiến cho anh được các học trò hâm mộ cuồng nhiệt chính là cách truyền đạt: “Tôi luôn kích thích các bạn bộc lộ khả năng mình có cũng như cách thức tìm tòi phát hiện vấn đề của từng cá nhân. Cụ thể, tôi luôn đặt ra các mệnh đề và phản lại mệnh đề đó (phản đề) để các bạn tự tìm ra hướng đi cho mình. Tuy nhiên, nhiều mệnh đề các bạn đặt ra mà bản thân tôi cảm thấy họ nắm chắc rồi thì tôi lại đề nghị họ quên đi để có sáng tạo mới của riêng mình”, anh chia sẻ bí quyết làm thầy.

Bằng trải nghiệm của mình, Nguyễn Thước khẳng định một đạo diễn phim tài liệu xuất thân từ quay phim thường thành công hơn bởi vì công việc của người quay phim tài liệu khá đặc trưng và đặc biệt. Ở chỗ, như anh nói, khi còn là quay phim anh đã rất hiểu đạo diễn do có sự trao đổi từ trước lúc vào bối cảnh: “Tôi luôn hiểu ở phim đó đạo diễn muốn nói điều gì? Đến khi vào bối cảnh, tôi và đạo diễn trao đổi với nhau thật kỹ để hiểu cốt lõi của vấn đề nằm ở đâu, trường đoạn này nói lên điều gì. Trên hiện trường, rất ít khi đạo diễn đứng cùng tôi mà họ thường ngồi đâu đó quan sát. Cho tới khi làm đạo diễn, tôi cũng không bao giờ đứng cùng quay phim của mình mà sẽ ở đâu đó và chỉ xuất hiện khi có điều cần trao đổi. Tôi luôn tin là ê kíp hiểu điều tôi muốn. Đó là lý do tôi nhận ra trong quá trình làm việc người quay phim đã tích tụ được tư chất của người đạo diễn và một người xuất thân là quay phim tài liệu lên làm đạo diễn thường sẽ thành công. Ai cũng thế, không riêng gì tôi”.

Từ bối cảnh đến giảng đường, Nguyễn Thước có cơ hội được giảng cho sinh viên điều anh thích và coi là sở trường. Đó là khi anh được phân công dạy lớp quay phim phần “Công tác đạo diễn dành cho quay phim”. Và với vốn liếng “của nhà trồng được”, anh khẳng định: “Tôi nghĩ là tôi dạy rất hiệu quả vì tôi hiểu được sự giao thoa giữa hai nghề quay phim và đạo diễn”.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thước và ê kíp làm phim tài liệu Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh gửi lại…

3. Ba thập kỷ gắn bó với Điện ảnh tài liệu, gần như phim nào cũng có giải thưởng, thậm chí có phim lập các cú đúp giải Cánh Diều, giải Bông Sen của LHP quốc gia và Giải Báo chí toàn quốc nhưng Nguyễn Thước lại đặc biệt yêu thích bộ phim không được giải gì - Ngày cuối cùng của chiến tranh, mà anh và cố biên kịch Đào Thanh Tùng thực hiện vào năm 2005 nhân kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước. “Đến giờ tôi vẫn rất thích bộ phim này và luôn chiếu cho sinh viên của mình xem. Có nhiều phim về ngày 30-4 nhưng cuối cùng tôi và nhà biên kịch Đào Thanh Tùng đã tìm ra được một câu chuyện. Tôi nghĩ cái thú vị nhất là tôi đã tìm được cách kể khác với tất cả những bộ phim cũng nói về chiến tranh”.

Tôi hỏi: “Chiến tranh, người trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước, giáo dục, nông nghiệp nông thôn, thậm chí cả Đại hội Đảng…, anh thấy mình mạnh nhất ở đề tài gì?”. Một nụ cười rất thật đi kèm với câu trả lời mà tôi tin là cũng thật luôn của Nguyễn Thước: “Thực sự tôi chưa bao giờ biết và định trước mình thích gì cả. Các đạo diễn chúng tôi ở Hãng thường được giao đề tài và khi nhận phim tôi đều chuyển tải những hình ảnh thực bằng tất cả tấm lòng với vấn đề mà tôi làm…”.

Xông pha ở các thể loại và làm phim bằng cả tấm lòng, đó là phong cách Nguyễn Thước. Anh lại còn nhanh nhẹn, thức thời và điều đó khiến tôi liên tưởng tới tên một bộ phim của anh - Những công dân @ - khi cảm nhận rằng NSND Nguyễn Thước chính là một “đạo diễn @” tiêu biểu của Điện ảnh Tài liệu Việt Nam.

NSND Nguyễn Thước sinh năm 1953, tốt nghiệp khoa Quay phim Trường Đại học - Sân khấu điện ảnh năm 1982. Trên cương vị quay phim, anh được biết đến là “tay máy vàng” cho những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh tài liệu nước nhà do cố đạo diễn Lê Mạnh Thích thực hiện như: Chìm nổi sông Hương, Cuộc gặp gỡ sau 30 năm, Trở lại Ngư Thủy... Với vai trò đạo diễn, NSND Nguyễn Thước là tác giả của loạt phim tài liệu gây tiếng vang như: Đất lạnh, Sự nhọc nhằn của cát, Cỏ xanh im lặng, Chất xám, Những công dân @, Nếu chỉ còn một ngày để sống, Từ Thác Bà đến Sơn La, Bản đồ tư duy - một hành trình kết nối...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển tải những hình ảnh thực bằng cả tấm lòng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.