Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ chế duyệt phim đã đến lúc cần thay đổi!

Mộc Lan| 07/11/2019 09:10

(HNMCT) - Sau một thời gian dài vận hành, cơ chế duyệt phim cũ đã bộc lộ nhiều bất cập và tỏ ra lỗi thời trước sự thay đổi nhanh chóng của các hoạt động điện ảnh trong và ngoài nước. Chính vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây đã bắt tay nghiên cứu phương án sửa đổi cơ chế thẩm định và cấp phép phổ biến phim - một tín hiệu đáng mừng với các nhà làm phim trong nước.

Phim Ròm chưa được cấp phép nhưng vẫn đi dự Liên hoan phim Quốc tế Busan và giành giải thưởng.

Bộc lộ nhiều bất cập

Đối với phim điện ảnh, hiện nay phim trong nước hay phim nước ngoài, muốn ra rạp thì phải được Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện (do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập) duyệt. Hội đồng này có trách nhiệm thẩm định phim, sau đó tư vấn cho lãnh đạo của Cục Điện ảnh ký quyết định cấp phép hay không cấp phép cho những bộ phim đã được thẩm định. Hội đồng hiện có 11 thành viên gồm những người có chuyên môn điện ảnh, cán bộ của Cục Điện ảnh và một số cơ quan khác...

Ngoài vụ việc để lọt phim Everest Người tuyết bé nhỏ có hình ảnh “đường lưỡi bò” ra rạp, gần đây hội đồng duyệt phim này còn gây xôn xao khi ngập ngừng chưa cấp phép cho phim Ròm. Bộ phim này sau đó bị rơi vào tình thế: Chưa được cấp phép nhưng vẫn dự thi Liên hoan phim Quốc tế Busan và đạt được giải New Currents, tương đương giải Phim hay nhất và là giải quan trọng nhất của liên hoan phim này. Thành công của bộ phim cũng như mức phạt mà nó phải chịu do chưa có phép đã khiến dư luận phải đặt câu hỏi, tại sao các cơ quan quản lý không tạo điều kiện để phim Việt đi dự các liên hoan phim quốc tế?

Mới đây nhất, cộng đồng yêu phim lại xôn xao việc phim kinh dị Thất Sơn tâm linh ra rạp trong tình trạng bị cắt sửa đến mức những người làm phim cũng cảm thấy chán nản với “đứa con tinh thần” của chính mình. Điều này khiến cho câu chuyện kiểm duyệt điện ảnh ở Việt Nam trở nên nóng hơn bao giờ hết. Đây là lần đầu tiên các nhà sản xuất, nhà làm phim lên tiếng rất mạnh mẽ, thay vì “ngậm bồ hòn làm ngọt” như trước kia. Theo bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty BHD: “Cơ chế thẩm định và duyệt phim hiện nay vốn được thiết kế phù hợp với quản lý điện ảnh được nhà nước bao cấp. Còn nền điện ảnh Việt Nam từ lâu đã chuyển sang cơ chế thị trường, nên cơ chế duyệt phim nói trên không còn phù hợp nữa”. Nhà làm phim độc lập Phan Đăng Di nhận định: “Với cơ chế duyệt phim như thế này thì bất kỳ ai trong chúng ta ngồi vào hội đồng duyệt cũng có thể gặp sai sót. Không nên dồn trách nhiệm duyệt phim chiếu rạp của cả nước cho một hội đồng hơn chục con người, mà nên phân quyền này ra”.

Phân quyền cho địa phương được không?

Sau khi dư luận liên tục lên tiếng về việc duyệt phim, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết đang phối hợp với Vụ Pháp chế nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Điện ảnh và các nghị định hướng dẫn. Cụ thể là nghiên cứu sửa đổi cơ chế thẩm định, cấp phép phổ biến phim phù hợp với tình hình thực tiễn, đồng thời làm rõ trách nhiệm, chế tài xử phạt đối với các đơn vị sản xuất, nhập khẩu phim trong trường hợp vi phạm; nghiên cứu phân cấp việc thẩm định, cấp phép phổ biến phim đối với các địa phương đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện và có đề nghị được phân cấp việc thẩm định, cấp phép phổ biến phim.

Điều 38, Luật Điện ảnh quy định: Ngoài Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyền cấp phép phổ biến phim thì UBND tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương cũng có quyền này. Chính phủ sẽ căn cứ vào số lượng phim sản xuất và nhập khẩu của tỉnh, thành này để phân quyền cấp phép cho UBND tỉnh, thành đó. Dù Luật Điện ảnh được thông qua năm 2006 nhưng cho đến nay không có địa phương nào nhận quyền cấp phép phim điện ảnh.

Căn cứ thực tế một năm có hơn 250 phim ra rạp, một tuần Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện phải duyệt từ 2 - 3 buổi, với chi phí bồi dưỡng từ 150.000 - 300.000 đồng/phim, tùy vào thời lượng dài hay ngắn. Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, rất ít người muốn đảm nhận việc này vì công việc vất vả, bồi dưỡng thấp, áp lực rất lớn. Phần lớn người làm chuyên môn điện ảnh tham gia hội đồng đều là người đã nghỉ hưu, còn người trẻ không ai muốn làm vì bận công việc chuyên môn.

Với cơ chế duyệt phim như trên, dễ hiểu vì sao không có địa phương nào muốn “ôm” phần việc này. Để thay đổi điều này, chắc chắn phải có cơ chế trả tiền thù lao một cách phù hợp hơn. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến về việc phân quyền cho tư nhân tham gia duyệt phim. Theo ông Nguyễn Minh Đức, Phó Trưởng phòng Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay chỉ có ngành điện ảnh mới duy trì cơ chế độc quyền kiểm duyệt phim, còn các ngành khác đã phân quyền từ lâu. “Đơn cử như ngành xuất bản, tôi có một cuốn sách, tôi đem đến nhà xuất bản (NXB) này duyệt, nếu tôi thấy không ổn, tôi có thể đem sách đến NXB khác duyệt. Nếu sách có vấn đề mà NXB vẫn duyệt thì NXB này sẽ chịu chế tài. Cơ chế cạnh tranh không chỉ khiến các NXB tăng tính trách nhiệm mà còn giúp tăng năng suất duyệt đầu sách, giúp người làm sách bớt thời gian chờ đợi. Ngành điện ảnh cần tạo cơ chế để cho tư nhân có thể tham gia duyệt phim”, ông Nguyễn Minh Đức nói.

Nhà làm phim Phan Đăng Di cho biết, hiện nay thành phố Hồ Chí Minh là nơi sản xuất phim lớn nhất cả nước, nên có một hội đồng duyệt phim riêng và nên gắn thêm trách nhiệm duyệt phim cho những nhà nhập khẩu phim vì họ chính là người lựa chọn phim từ nguồn, tổ chức dịch phụ đề. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thì nêu quan điểm, thay đổi cơ chế thẩm định và cấp phép phim là việc làm rất cần thiết. Nhưng ngoài việc thay đổi về cơ chế cấp phép thì cũng còn phải thay đổi về tư duy thẩm định phim để phù hợp với xu hướng chung của thế giới, kích thích sáng tạo...

Thực tế cho thấy đã đến lúc cần phải thay đổi cơ chế duyệt phim đã cũ bằng một hình thức phù hợp hơn, có sự phân quyền, ràng buộc trách nhiệm rõ ràng để thúc đẩy sáng tạo, hỗ trợ hoạt động điện ảnh ngày một phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ chế duyệt phim đã đến lúc cần thay đổi!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.