Theo dõi Báo Hànộimới trên

Học kỹ năng sống: Chỉ là đua đòi nhất thời?

Thanh Châu| 22/09/2011 14:39

Đúc kết của các nhà giáo dục cho biết, để thành đạt trong cuộc sống thì kỹ năng mềm (trí tuệ cảm xúc) chiếm 85%, kỹ năng cứng (trí tuệ logic) chỉ chiếm 15%. Đó là điều lý giải, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã không được nhận vào làm việc vì thiếu kỹ năng sống.


Còn con số thống kê của Viện Nghiên cứu Giáo dục cho thấy 83% học sinh thiếu các kỹ năng mềm, bởi vậy trang bị kỹ năng sống cho giới trẻ ngày càng trở nên bức thiết hơn.

Đua nhau cho con học kỹ năng sống

Trên các diễn đàn dành cho bậc cha mẹ như webtretho, lamchame… những chủ đề về tìm lớp học kỹ năng sống cho con luôn thu hút đông đảo các thảo luận.

Tại đây, nhiều phụ huynh đã thực sự lo lắng khi thấy con mình thiếu những kiến thức sống cơ bản như những câu thư gửi, chào hỏi hay sự quan tâm giữa các thành viên trong gia đình. Thậm chí nhiều gia đình còn hoảng hốt khi tình cờ phát hiện con mình không biết ứng phó trước những tình huống trong cuộc sống, không biết tự bảo vệ mình trước những nguy hiểm, hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ để tránh bị xâm hại thân thể, tai nạn thương tích, hoặc bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo vào tệ nạn...

Ông Trần Văn Hoàn, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vườn ươm Doanh nghiệp Tâm Việt- Hà Nội cho rằng do được sinh ra trong điều kiện kinh tế đầy đủ và được bao bọc thái quá nên trẻ em ngày nay không có cơ hội tự suy nghĩ, tự chăm sóc bản thân... và mất dần những kỹ năng sống cơ bản.

Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy về kỹ năng sống, ông Trần Văn Hoàn thống kê thấy trẻ ở những gia đình thu nhập trung bình lại có kỹ năng sống tốt, biết chia sẻ, quan tâm đến gia đình, người thân, biết tự giác tổ chức cuộc sống cho mình, bảo vệ bản thân trước nguy hiểm và biết cách vượt qua khó khăn.

Ông Hoàn cho biết, nếu trẻ em được phát triển trong môi trường tự nhiên, nhiều cơ hội được tiếp cận, khám phá thế giới xung quanh sẽ dễ dàng vượt qua sự nhút nhát của bản thân, cảm nhận thế giới xung quanh gần gũi và thích nghi với mọi hoàn cảnh.

Một giờ học kỹ năng sống có chủ đề Tôi là ai?


Theo ThS Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao, Trưởng bộ môn Tâm lý, trường Đại học Sài Gòn, TPHCM, xu hướng giáo dục hiện nay quá nặng về dạy kiến thức, ít quan tâm đến việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ. Và mặc dù chương trình kỹ năng sống đã được đưa vào trường học nhưng với thời lượng chưa nhiều, chưa có hệ thống khiến các em không được thực hành dẫn đến tình trạng nhiều trẻ học giỏi, nhưng chỉ biết ăn, ngủ, học và vui chơi còn khả năng tự chủ, kỹ năng giao tiếp rất kém.

ThS Quỳnh Giao cho rằng, kỹ năng sống sẽ được hình thành một cách tự nhiên và hiệu quả trong chính những môi trường hoạt động cụ thể. Do đó, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, gia đình cũng nên lên kế hoạch định hướng thời gian học tập giữa kỹ năng sống và năng khiếu cho các em.

Kỹ năng sống phải dạy từ thực tế

Giao tiếp là hoạt động không thể thiếu đối với mỗi con người. Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ là việc rất quan trọng, điều này ảnh hưởng tới quá trình hình thành nhân cách cho trẻ cho đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, độ tuổi nào thích hợp để dạy trẻ cách giao tiếp cũng như các hoạt động xã hội.

ThS Nguyễn Huy Hoàng – Chủ tịch HĐQT – Đồng sáng lập Tâm Việt Group cho rằng chúng ta học ăn bằng cách ăn, học đi bằng cách đi, học nói bằng cách nói, học viết bằng cách viết... và trẻ em học kỹ năng sống bằng cách sống với các kỹ năng đó. Điều này đồng nghĩa với việc trẻ không chỉ học lý thuyết mà còn phải được trải nghiệm, tập tành thành thạo, giúp trẻ có những bài học thực tế, chứ không chỉ ghi chép các kiến thức.

Các nhà tâm lý giáo dục cho biết, có thể bắt đầu giáo dục kỹ năng sống lứa tuổi mầm non và tiểu học bởi lứa tuổi này đã hình thành những hành vi cá nhân, tính cách và nhân cách. Việc làm quen với các môn học về kỹ năng sống như: Giao tiếp, thuyết trình, giải quyết các vấn đề liên quan đến tệ nạn xã hội, vấn đề môi trường, hoả hoạn, và biết bảo vệ mình trước người lạ để không bị xâm hại, lạm dụng... Những môn học này sẽ giúp các em tự tin, chủ động và biết cách xử lý mọi tình huống trong cuộc sống và quan trọng hơn là khơi gợi những khả năng tư duy sáng tạo, biết phát huy thế mạnh của các em.

Tuy nhiên, quan điểm của TS giáo dục học Trương Thị Kim Oanh, nguyên cán bộ nghiên cứu Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thì học kỹ năng sống để thành công, lý thuyết vẫn phải đi đôi với thực tế. Quan điểm của TS Kim Oanh không nên hiểu kỹ năng sống là vấn đề to tát đưa ra "lên lớp" cho trẻ, mà phải hiểu kỹ năng sống là cách ứng xử trước những tình huống nhỏ nhất trong cuộc sống. Trẻ có thể học kỹ năng sống ngay tại nhà, thầy cô chính là cha mẹ mình, là cách học hay nhất, hiệu quả nhất, vì nó gắn với thực tế, đi liền với cuộc sống của trẻ,

Học kỹ năng sống không đơn giản là các kỹ năng nói chung mà còn là việc tạo ra nhân cách con người. Đó là thái độ sống, giá trị sống căn bản như tạo cho trẻ tính thật thà, dũng cảm, biết cách thương yêu và biết cách vượt lên hoàn cảnh sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Học kỹ năng sống: Chỉ là đua đòi nhất thời?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.