Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Gian nan quản lý nhóm lớp tư thục

Thống Nhất| 16/04/2018 06:50

(HNM) - Việc thiếu trường, lớp mầm non không chỉ xảy ra tại địa bàn có khu công nghiệp, mà đã trở thành vấn đề “nóng” đối với người dân ở nhiều nơi của Hà Nội.


Tăng quy mô nhóm trẻ: Vẫn còn nhiều mối lo

Thực tế khảo sát tại một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội vào đầu tháng 4 vừa qua cho thấy, trong khi quy định hiện hành chỉ cho phép các nhóm lớp mầm non tư thục có không quá 50 trẻ, nhưng nhiều cơ sở ở trong tình trạng quá tải, với quy mô lên tới 80 cháu. Thậm chí, một vị lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội còn cho biết, có nhóm lớp trên địa bàn phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) có quy mô lên tới gần 300 trẻ.

Cơ sở vật chất của Trường Mầm non tư thục Tuổi Thần Tiên (huyện Thanh Trì) được đầu tư bài bản, khang trang. Ảnh: Thế Anh


Theo Bộ Giáo dục - Đào tạo, tại một số địa phương, nhất là ở khu công nghiệp, nơi đông dân cư, có nhiều nhóm lớp mầm non tư thục quy mô hơn 100 trẻ và tồn tại khá lâu, góp phần giảm áp lực về chỗ học. Đó là cơ sở để Bộ Giáo dục - Đào tạo quyết định sửa đổi Điều lệ trường mầm non và Quy chế tổ chức hoạt động của trường mầm non tư thục, trong đó có việc cho phép điều chỉnh tăng quy mô nhóm lớp từ 50 trẻ lên 70 trẻ.

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục - Đào tạo) cho rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do các địa phương khó khăn về điều kiện đất đai, cơ sở vật chất và bộ máy để thành lập trường còn hạn chế. Vì vậy, việc tồn tại các nhóm lớp như vậy là cần thiết, nhằm giải quyết nhu cầu gửi con theo giờ giấc linh hoạt, gần khu dân cư của phụ huynh trong điều kiện trường công lập không đủ khả năng đáp ứng.

Chủ trương này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và của chính những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Theo bà Dương Thị Sáu, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Đông Anh, việc cho phép các nhóm lớp tuyển sinh 70 trẻ, thậm chí hơn, nhưng không quá 100 trẻ là có thể chấp nhận. Tuy nhiên, cơ sở phải đáp ứng được hai điều kiện: Cơ sở vật chất và giáo viên.

Ông Lưu Đình Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) cũng đồng tình: Nên điều chỉnh tăng số trẻ/nhóm lớp nhằm tháo gỡ cho địa phương có quy mô trẻ mầm non ngày càng lớn, trong khi quỹ đất hạn hẹp.

Thế nhưng, hầu hết các chủ nhóm lớp khi được hỏi đều bày tỏ sự lo lắng, cho rằng không nên để quy mô một cơ sở "phình" đến vậy. Bà Trần Thị Tươi, chủ nhóm lớp tư thục Tuổi Thơ Xanh (huyện Thanh Trì) chia sẻ: “Hiện chúng tôi mới có 2 lớp, còn 2 phòng học để trống, nhưng dùng để làm phòng chức năng và nơi tổ chức hoạt động chung. Nếu số trẻ tăng quá 50 cháu thì sẽ tách ra, chia làm hai cơ sở để bảo đảm an toàn và chất lượng chăm sóc, dứt khoát không tận dụng phòng đang trống để đón trẻ”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hằng, chủ nhóm lớp tư thục Vườn Xuân Như Anh (huyện Thanh Trì) cho rằng: “Với thực trạng chung hiện nay, mỗi nhóm lớp có quy mô 50 trẻ là hợp lý. Nếu số trẻ nhiều hơn thì không yên tâm, bởi khó kiểm soát được về mọi mặt, trong khi hầu hết trẻ đều ở độ tuổi rất nhỏ (dưới 36 tháng), đòi hỏi sự chăm sóc chu đáo”.

Hơn ai hết, họ là những người hiểu rõ về thực trạng của cơ sở mình ra sao, mức độ đáp ứng cho việc chăm sóc trẻ như thế nào. Người trong cuộc còn lo lắng thì chắc hẳn phụ huynh sẽ bất an nếu quy mô trông giữ tăng lên.

Khó quản lý các nhóm lớp

Hà Nội hiện có 320 trường mầm non ngoài công lập và gần 2.500 nhóm lớp tư thục. So với năm 2015, số trường mầm non ngoài công lập tăng 50 trường và số nhóm lớp tăng tới gần 800. Tốc độ tăng của các nhóm lớp tư thục ở nhiều địa bàn khá nhanh trong 3 năm qua: Huyện Chương Mỹ hiện có 87 cơ sở; huyện Thanh Trì có 137 cơ sở... Tại huyện Đông Anh, riêng thị trấn Đông Anh có tới 23 cơ sở, xã Kim Chung có 12 cơ sở...

Theo phản ánh của chính quyền các địa phương và ngành Giáo dục - Đào tạo, công tác quản lý đối với các nhóm lớp tư thục rất khó khăn, bởi thường nằm xen kẽ trong nhà dân, cơ sở vật chất chật hẹp, số lượng bấp bênh, thậm chí có cơ sở vừa treo biển hoạt động, khi đến kiểm tra đã đóng cửa. Có cơ sở xin phép hoạt động nơi này, nhưng lại mở cửa đón trẻ nơi khác, trong khi đó lực lượng kiểm tra, giám sát rất mỏng. Mỗi Phòng Giáo dục và Đào tạo thường chỉ có 2-3 biên chế cho bộ phận mầm non, nhưng số cơ sở mầm non ngoài công lập trên địa bàn đã lên tới vài trăm, khó có thể kiểm soát được mọi hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì cho biết, ngành Giáo dục có chủ trương hạn chế sự phát triển của loại hình nhóm lớp tư thục, khuyến khích thành lập trường để bảo đảm quyền lợi cho trẻ, song hầu hết chủ các nhóm lớp đều không muốn phát triển thành trường. Đây là tình trạng chung diễn ra tại nhiều nơi.

Trường Mầm non tư thục Tuổi Thần Tiên (huyện Thanh Trì) là một trong số ít các trường có xuất phát ban đầu là nhóm lớp. Mặc dù có cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ giáo viên ổn định và có trình độ, nhưng cũng phải mất tới gần 2 năm, cùng với sự hỗ trợ từ nhiều phía, cơ sở này mới quyết định “nâng tầm”. Bà Đào Thị Phương Thảo, Hiệu trưởng nhà trường nhận định: Cái “được” của trẻ khi được chăm sóc tại các nhà trường là được tham gia đầy đủ nội dung chương trình giáo dục quy định, được tạo môi trường để phát triển toàn diện, từ đó ngày càng nhận được sự tin tưởng của phụ huynh.

Đi tìm nguyên nhân của việc các nhóm lớp không muốn phát triển thành trường, được biết, để có quyết định thành trường, cơ sở không chỉ cần có phòng học, mà phải đáp ứng các điều kiện bắt buộc về trình độ của giáo viên, nhân viên; phải có các phòng chức năng, phòng hiệu bộ, phòng y tế... Hiệu trưởng nhà trường cũng phải đạt yêu cầu về chuyên môn và năng lực quản lý.

Tuy nhiên, trước nhu cầu gửi trẻ ngày càng lớn, nhiều nhóm lớp được thành lập ngẫu hứng, bắt đầu từ việc ở nhà trông con mình, trông hộ con vài người hàng xóm tại chính phòng ở của gia đình. Điều ấy lý giải tình trạng thoắt ẩn, thoắt hiện của những nhóm lớp gia đình, khiến cho công tác kiểm tra, giám sát ngày càng gian nan.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Gian nan quản lý nhóm lớp tư thục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.