Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nuôi dưỡng ước mơ sáng tạo cho học sinh

Mai Hà| 24/04/2018 06:51

(HNM) - Hoạt động nghiên cứu khoa học trong giới học sinh đã dần trở nên quen thuộc, nhiều nghiên cứu của các em đã được ứng dụng vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực.

Nghiên cứu khoa học giúp học sinh rèn luyện nhiều kỹ năng.


Rào cản về nhận thức

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục - Đào tạo về hoạt động nghiên cứu trong các trường phổ thông, nhìn chung, chất lượng các đề tài nghiên cứu của học sinh chưa mang lại hiệu quả cao, số lượng tham gia chưa đồng đều ở các trường. Nguyên nhân được chỉ ra là năng lực nghiên cứu khoa học của học sinh cũng như năng lực hướng dẫn của giáo viên còn hạn chế. Ngoài ra, kinh phí dành cho hoạt động này rất ít ỏi. Trong khi đó, nhiều người vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường phổ thông. Khi được hỏi, nhiều phụ huynh cho rằng, việc nghiên cứu khoa học là chuyện quá xa vời. Có phụ huynh quan niệm công việc của những nhà khoa học khô khan, khó khăn và tẻ nhạt nên không khuyến khích con em mình theo đuổi việc nghiên cứu. Đa số ý kiến cho rằng với lứa tuổi học sinh, việc học phải được đặt lên hàng đầu, việc nghiên cứu cần tập trung nhiều thời gian và công sức nên sẽ ảnh hưởng không tốt tới kết quả học tập. Những suy nghĩ này đã phần nào hạn chế hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh phổ thông.

Ông Đào Xuân Dương, giáo viên bộ môn vật lý, Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Nếu như sinh viên đại học có nhiều thời gian, không gian hơn để nghiên cứu thì học sinh phổ thông, ngoài việc lo thi đại học còn phải trải qua rất nhiều kỳ thi khác. Do đó, thời gian tự nghiên cứu của các em không nhiều. Bên cạnh đó, học sinh phổ thông không thể tự quyết định về mặt tài chính phục vụ cho việc nghiên cứu.

Thêm trải nghiệm và kỹ năng

Những khó khăn, sự băn khoăn nói trên đã phần nào được giải tỏa trong thời gian gần đây, thể hiện qua các hoạt động nghiên cứu của học sinh. Có thể thấy điều đó qua mô hình Câu lạc bộ AdaPT của học sinh Hà Nội. Được thành lập từ năm 2016, AdaPT hướng đến việc nâng cao hiểu biết, duy trì và phát triển niềm đam mê công nghệ của các thành viên. Câu lạc bộ có một sản phẩm sáng chế gọi là aRobot. Robot này được điều khiển bằng giọng nói thông qua ứng dụng trên điện thoại di động. Hệ thống lập trình đơn giản trên nền tảng Android giúp robot thực hiện được nhiều động tác tương đối phức tạp như gửi lời chào và đi dạo. Đặc biệt, với khả năng điều khiển qua internet, aRobot có thể thay thế camera an ninh, thậm chí được dùng để do thám, thám hiểm thay thế cho con người. Ông Đào Xuân Dương cho biết: Tại câu lạc bộ, các em học sinh đã ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ thuật cơ khí để tạo ra các sản phẩm minh họa cho các thí nghiệm vật lý và phần mềm ứng dụng như chat box…

Hiện nay, câu lạc bộ có ba ban là Ban Chuyên môn, Ban Truyền thông và Ban Tài chính. Các thành viên Ban Chuyên môn AdaPT chủ yếu nằm trong đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn vật lý và tin học. Với các em, việc nghiên cứu giúp củng cố kiến thức và rèn luyện kỹ năng mềm cũng như tâm lý thi cử.

Em Bùi Hồng Hiếu, học sinh Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Ngoài việc học lý thuyết trên lớp, chúng em mong muốn được tham dự nhiều hơn các buổi hội thảo để nghe chuyên gia nói chuyện, bởi qua đó sẽ thu nhận được nhiều kinh nghiệm học tập và nghiên cứu khoa học”.

Cuộc thi “Thử thách sáng tạo trẻ” là một sân chơi khoa học thường niên do Dự án Young Makers Vietnam phối hợp cùng Công ty Intel Việt Nam tổ chức. Thông tin về cuộc thi đến với hơn 200.000 học sinh thông qua các chiến dịch quảng bá, thu hút hơn 4.000 bạn trẻ tham dự triển lãm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong cuộc thi, một sản phẩm là chiếc máy bắn phá và hút bụi do nhóm học sinh Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) nghiên cứu, chế tạo đã được trao giải nhất cùng cam kết đầu tư hỗ trợ phát triển sản phẩm. Nhóm tác giả chia sẻ, từ kiến thức về nguyên lý áp suất được học trong những giờ vật lý ở trường, nhóm đã triển khai và sáng tạo thành công chiếc máy chỉ trong vòng 1 tháng.

Anh Nguyễn Trung Hiếu, sáng lập viên Dự án Young Makers Vietnam cho biết, mục đích của dự án là giúp đỡ các “nhà sáng chế trẻ” có thể hệ thống hóa kiến thức, tận dụng công cụ mà các em đang có để nghiên cứu tạo ra sản phẩm. Kết quả có thể là một sản phẩm khoa học hay tiền đề cho một công ty khởi nghiệp mới.

Những kết quả nghiên cứu khoa học nói trên đã góp phần không nhỏ vào việc đổi mới giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của người học; nuôi dưỡng ý tưởng sáng tạo, khơi dậy sự nhiệt tình, tính chủ động và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của học sinh. Nhiều nghiên cứu của các em đã được ứng dụng vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực. Ông Phạm Minh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường chuyên THPT Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định, hoạt động nghiên cứu sẽ giúp học sinh có thêm trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng, có thêm cảm hứng sáng tạo phục vụ cho việc học tập tiếp theo cũng như công việc nghiên cứu lâu dài sau này, góp phần định hướng tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nuôi dưỡng ước mơ sáng tạo cho học sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.