Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Minh Ngọc| 30/09/2018 07:47

(HNM) - Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2018 (Hội giảng) ghi nhận nhiều mô hình dạy nghề, hướng nghiệp hiệu quả. Sau Hội giảng, các trường sẽ nhân rộng những mô hình hay nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Nhân rộng những mô hình sáng tạo

Đánh giá cao kết quả của Hội giảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quan tâm nhân rộng những bài giảng điển hình, chủ động ứng dụng mô hình, phương pháp giảng dạy mới, hiệu quả vào quá trình dạy nghề, hướng nghiệp. Trên tinh thần đó, ngay sau khi Hội giảng kết thúc, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã nghiên cứu cách thức triển khai phương pháp giảng dạy mới.

Giáo viên trình giảng tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2018.



Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng Phạm Văn Long cho biết, trong Hội giảng vừa qua, đơn vị có một số giáo viên tham gia trình giảng ở tiểu ban du lịch, khách sạn, nhà hàng với những đề tài khá thông dụng, phổ biến. Nội dung các bài giảng được Hội đồng giám khảo đánh giá cao, mang về cho nhà trường nhiều giải thưởng, trong đó có giải Nhất và giải Nhì cá nhân. Trở về sau Hội giảng, các nhà giáo đang viết báo cáo kinh nghiệm nêu rõ ưu, nhược điểm của từng bài giảng, những vấn đề học hỏi được từ bạn bè, đồng nghiệp; đồng thời đề xuất phương án nhân rộng bài giảng điển hình.

Căn cứ vào đề xuất của giáo viên, Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng tiếp tục nghiên cứu phương pháp giảng dạy mới theo tinh thần lấy người học làm trung tâm, giáo viên là người định hướng, dẫn dắt và đích đến là chất lượng việc làm của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Quá trình giảng dạy có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, sinh viên, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực hành, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp. “Ngoài những mô hình hay, kinh nghiệm quý, sức lan tỏa của Hội giảng thể hiện ở mong muốn được cống hiến cho sự phát triển giáo dục nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên. Một số giáo viên Trường Cao đẳng Du lịch Hải Phòng chưa có cơ hội tham gia Hội giảng năm nay đã đăng ký tham gia kỳ Hội giảng kế tiếp”, ông Phạm Văn Long phấn khởi.

Những cơ sở giáo dục nghề nghiệp giành nhiều giải thưởng cao như Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh; Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên; Trường Cao đẳng cộng đồng tỉnh Lai Châu… cũng đang phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm cho từng bài giảng trước khi nhân rộng.

Đối với TP Hà Nội - đơn vị dẫn đầu về số lượng giáo viên tham gia, về các giải thưởng tại Hội giảng, việc nhân rộng những mô hình mới được tiến hành bài bản, khoa học. Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Nhàn, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đang họp Hội đồng sư phạm để phân tích, đánh giá những bài giảng hay làm căn cứ cho các nhà trường xây dựng, bổ sung phương pháp giảng dạy mới; làm cơ sở cho các nhà giáo tự điều chỉnh phương pháp sư phạm, chủ động ứng dụng công nghệ mới vào quá trình giảng dạy. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội sẽ tổ chức một số cuộc họp với đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bàn giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Xây dựng đội ngũ nhà giáo thời kỳ 4.0

Hội giảng năm 2018 được xác định là một trong những giải pháp thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, cả nước có khoảng 55% lao động qua đào tạo nghề. Lực lượng lao động qua đào tạo nghề có thể làm chủ khoa học, công nghệ, kỹ thuật trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Ở góc độ này, nhiều ý kiến khẳng định, cùng với việc nhân rộng những mô hình, phương pháp giảng dạy linh hoạt, sáng tạo, các cơ quan, đơn vị chức năng cần quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho đội ngũ nhà giáo, tạo ra thế hệ nhà giáo thời kỳ 4.0.

Từ kinh nghiệm thực tế, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc TP Hà Nội Nguyễn Công Truyền cho rằng, muốn có đội ngũ giáo viên giỏi, trước hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tạo mọi điều kiện cho giáo viên nâng cao trình độ, kỹ năng. Trong những năm gần đây, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc TP Hà Nội liên tục cử giáo viên tham gia các khóa tập huấn nâng cao; đưa giáo viên đi thực tế tại những doanh nghiệp có hệ thống thiết bị hiện đại; tổ chức cho giáo viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp công tác tại những cơ sở giáo dục nghề nghiệp uy tín trên thế giới.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Phạm Đức Vinh cho hay, quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là yếu tố then chốt quyết định chất lượng giáo dục nghề nghiệp cũng như uy tín của trường nghề. “Sở hữu” đội ngũ nhà giáo có trình độ chuyên môn, tay nghề vững vàng, năm nào Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cũng có giáo viên giành giải cao tại các hội thi, hội giảng. Riêng tại Hội giảng năm 2018, nhà trường có 3 giáo viên giành giải Nhất và nhiều giải thưởng giá trị khác, dẫn đầu về số lượng giải thưởng trong tổng số 244 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có giáo viên tham gia trình giảng. Công tác tuyển sinh hằng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Gần 100% học sinh, sinh viên ra trường có việc làm ổn định, thu nhập khá.

Những dẫn chứng nêu trên cho thấy, kết quả thu được từ Hội giảng năm 2018 tiếp tục tạo đà cho giáo dục nghề nghiệp phát triển đúng hướng. Hứa hẹn, kỳ Hội giảng năm 2021 diễn ra tại tỉnh Nghệ An sẽ có quy mô lớn hơn, nhiều điểm mới hấp dẫn hơn, kịch tính hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.