Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân lên nét đẹp của nhà giáo Thủ đô

Thống Nhất| 23/10/2018 06:14

(HNM) - Cuộc thi “Nét đẹp văn hóa công sở” năm 2018 ngành Giáo dục Thủ đô không chỉ nhằm tạo khí thế thi đua xây dựng, chấn chỉnh nền nếp, kỷ cương trong các nhà trường, mà còn tạo động lực, là thước đo để mỗi thầy, cô giáo tự hoàn thiện mình về mọi mặt.

Giáo viên Trường THCS Chu Văn An (huyện Thanh Trì) hướng dẫn học sinh làm bài tập. Ảnh: Viết Thành


Chỉ tính riêng ở khối trường trực thuộc, cuộc thi đã thu hút gần 10.500 bài viết tham dự và 50 bài dự thi xuất sắc nhất đã được trao thưởng. Khác với nhiều cuộc thi khác, điều đặc biệt của "Nét đẹp văn hóa công sở" ngành Giáo dục Thủ đô là những hiệu ứng sau cuộc thi bởi đã làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành vi của đội ngũ nhà giáo.

Trường Trung học phổ thông Xuân Giang (huyện Sóc Sơn) là ngôi trường có tuổi đời còn khá trẻ trong số hơn 200 trường trung học phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội. Để đánh dấu chặng đường tròn 10 tuổi, năm học 2018-2019, ngoài việc nỗ lực thi đua dạy tốt, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường cùng nhau đặt việc tăng cường nền nếp, kỷ cương hành chính là nhiệm vụ trọng tâm. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền, Chủ tịch Công đoàn nhà trường, cũng là tác giả của bài viết đạt giải Nhất cuộc thi "Nét đẹp văn hóa công sở" ngành Giáo dục Thủ đô năm 2018 chia sẻ: Để hoàn thành nhiệm vụ trên đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của mỗi thành viên nhà trường. Cuộc thi được phát động đúng thời điểm đã góp phần làm lan tỏa phong trào thi đua trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường.

"Qua quá trình tìm tư liệu để hoàn thành bài thi, nhất là với những nội dung liên quan đến quy tắc ứng xử, đến quy định đạo đức nhà giáo, mỗi người lại có thêm cơ hội để tự hoàn thiện mình. Trên cơ sở của cuộc thi, chúng tôi đã cùng nhau xây dựng quy tắc ứng xử trong nhà trường, trong đó quy định rõ những điều giáo viên được làm và không được làm, bắt đầu từ những điều tưởng chừng rất nhỏ như trang phục, màu tóc... Trong quá trình xây dựng quy tắc ứng xử đối với giáo viên, chúng tôi coi trọng sự dân chủ, lắng nghe và làm gương, bởi với lứa tuổi học sinh trung học phổ thông, các em cần lắm sự sẻ chia, hỗ trợ để định hướng chứ không phải bằng cách áp đặt. Chính vì vậy, mỗi nhà giáo đều nỗ lực để tu dưỡng, xây dựng phong cách mẫu mực với những chuẩn mực về trang phục, về ứng xử, về lối sống... để làm gương cho học trò" - cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết.

Còn cô giáo Nguyễn Minh Phương, Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Trần Quốc Tuấn (quận Nam Từ Liêm) cho rằng, với vị thế của Thủ đô, đội ngũ nhà giáo cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các quy định nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo để thực sự trở thành những nhà giáo mẫu mực. Nhận thức rõ điều đó, dù là một trường ngoài công lập, song đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã tích cực hưởng ứng cuộc thi "Nét đẹp văn hóa công sở" với quan điểm đây không chỉ là một cuộc thi, mà là dịp để mỗi người tự chiểu theo những quy tắc ứng xử, những chuẩn mực nhà giáo để xem bản thân còn thiếu sót, cần bổ sung những điểm nào, từ đó nỗ lực phấn đấu.

Nhà giáo Trần Thị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Thủ đô nhận định: Cuộc thi đã giúp đội ngũ nhà giáo củng cố, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức, trách nhiệm, thực hiện nếp sống văn hóa theo tinh thần nội dung Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội. Cuộc thi là dịp để mỗi nhà giáo tự hoàn thiện mình, có ý thức xây dựng hình ảnh đội ngũ nhà giáo Thủ đô mẫu mực về mọi mặt và làm lan tỏa trong toàn ngành. Với việc tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đây còn là một trong những giải pháp của ngành Giáo dục Thủ đô nhằm đạt mục tiêu phấn đấu là đơn vị dẫn đầu trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân lên nét đẹp của nhà giáo Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.