Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo bứt phá trong công tác đào tạo

Thanh Tàu| 25/03/2019 07:47

(HNM) - Đến nay, hệ thống các trường đại học ngoài công lập khu vực phía Nam đã có gần 30 năm hình thành và phát triển.

Sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành có thư viện đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu học tập.


Khẳng định vị trí và thương hiệu

Chia sẻ về lý do lựa chọn Trường Đại học Nguyễn Tất Thành để theo học, sinh viên Trần Thanh Mỹ, năm thứ 4 - Khoa Du lịch và Việt Nam học cho biết: "Trường có cơ sở vật chất tốt và mức học phí phù hợp. Đặc biệt, nhà trường rất chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy, quy tụ được đội ngũ giảng viên trong và ngoài nước có kinh nghiệm nhằm truyền đạt kiến thức tối ưu nhất cho sinh viên".

Với quan niệm giáo dục toàn diện, coi chất lượng giảng viên là “sự sống còn”, các trường đại học ngoài công lập khu vực phía Nam luôn tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập bằng cách tuyển thêm nhiều giảng viên giỏi là các giáo sư, tiến sĩ từ các trường đại học nổi tiếng... Bên cạnh đó, nhiều trường đã mời cả giám đốc những công ty, tập đoàn lớn trực tiếp giảng dạy, tiêu biểu là các trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Lạc Hồng, Đại học Văn Hiến... Nhờ đó, sinh viên có cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ chính các giảng viên và lắng nghe những câu chuyện thực tế đầy thú vị.

Mới đây, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Huyền, Trưởng nhóm khảo sát các trường đại học ngoài công lập (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có đánh giá: “Về đội ngũ giảng dạy, các trường đã có sự chuyển biến, phát triển về số lượng và chất lượng. Trong đó, nhiều trường có từ 700 đến hơn 1.000 giảng viên. Bên cạnh đó, quy mô và ngành nghề đào tạo của các trường ngày một mở rộng theo hướng trường đa ngành”.

Qua gần 30 năm hình thành và phát triển, nhiều trường đại học ngoài công lập ở phía Nam đã khẳng định được vị trí và thương hiệu. Một số trường đã và đang đầu tư mạnh cho cơ sở vật chất với mức lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đơn cử, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành vừa đầu tư 3 dự án, gồm: Trung tâm Phát triển công nghệ cao, Trung tâm Đào tạo công nghệ cao và Công viên Thiên niên kỷ tại Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh với tổng kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng. Đặc biệt, tháng 9-2018, nhà trường đưa vào sử dụng cơ sở An Phú Đông, quận 12 với kinh phí đầu tư gần 600 tỷ đồng, đáp ứng quy mô đào tạo cho 15.000 sinh viên với đầy đủ trang thiết bị hiện đại...

Hiện nay, đa số các trường ngoài công lập phát triển theo hướng thực hành và ứng dụng, trong đó có 43/59 trường báo cáo có phòng thí nghiệm, 45 xưởng thực hành. Qua đó, các trường đã gặt hái được những thành quả đáng tự hào, nhất là về lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Cụ thể, năm 2017 và 2018, nhiều nhà khoa học trẻ của các trường như Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Văn Lang... được vinh dự nhận giải thưởng Quả cầu vàng do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Tạo cơ chế bình đẳng

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề tạo thuận lợi cho các trường đại học ngoài công lập phát triển hơn nữa, Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á cho rằng, nhà nước cần có những điều chỉnh về chính sách, trước hết là thuế. Bởi việc coi các trường như một doanh nghiệp để thu thuế đã làm ảnh hưởng đến chủ trương xã hội hóa giáo dục (hầu hết các trường phải đóng 100% thuế sử dụng đất). Đồng thời, cần tạo lập môi trường bình đẳng về tài chính cho các trường đại học ngoài công lập như việc tiếp cận nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác đầu tư thông qua người học theo cơ chế đặt hàng, hỗ trợ và cấp học bổng cho sinh viên học giỏi, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Tương tự, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trước tình hình phát triển mới, các trường đại học ngoài công lập cần nâng cao chất lượng đào tạo và uy tín; xây dựng lộ trình thực hiện các cam kết đáp ứng yêu cầu chung về trường đại học; hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao hiệu quả công tác quản trị đại học tiếp cận dần tới chuẩn mực quốc tế; tăng cường ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin trong quản trị, quản lý ở tất cả các lĩnh vực hoạt động.

Bên cạnh đó là xây dựng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý, đặc biệt là nâng cao trình độ trên đại học cho giảng viên trẻ; đẩy mạnh liên kết với các trường đại học công lập và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài trong việc phát triển học thuật, sử dụng cơ sở vật chất trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Triển khai việc kiểm định chất lượng trường, chất lượng chương trình đào tạo và đăng ký đánh giá với các tổ chức kiểm định chất lượng.

Tiến sĩ Lâm Thành Hiển, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng cho hay, những trường đại học thành công chính là đơn vị có tầm nhìn dài hạn. Nhà nước không cần can thiệp vào cơ chế quản trị và vận hành của các trường đại học ngoài công lập. Điều quan trọng cần làm là bảo vệ lợi ích của người học thông qua những cơ chế bảo đảm chất lượng và minh bạch về trách nhiệm giải trình. Xét trong dài hạn, Nhà nước nên khích lệ sự phát triển lành mạnh của các trường đại học ngoài công lập vì họ góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu giáo dục bậc cao của người dân trong lúc nguồn lực công chưa đáp ứng hết được.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo bứt phá trong công tác đào tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.