Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lợi ích cho nhiều phía

Hà Hiền| 15/05/2019 06:41

(HNM) - Ngày 14-5, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức hội nghị “Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động năm 2019”.

Sinh viên Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội trong một giờ thực hành.


Ngày hội giáo dục nghề nghiệp

Hội nghị “Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động năm 2019” trở thành Ngày hội giáo dục nghề nghiệp ở Thủ đô, thu hút hàng nghìn học sinh, sinh viên, người lao động; đồng thời, quy tụ gần 100 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp tổ chức tư vấn tuyển sinh, tuyển dụng.

Tại không gian tuyển sinh của Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường liên tục đón tiếp thí sinh. Bà Nga cho biết, trong năm học 2019-2020, nhà trường tuyển khoảng 1.000 chỉ tiêu, trong đó có 400 chỉ tiêu hệ trung cấp dành cho đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học văn hóa song song với học nghề.

Cũng nhờ hình thức tuyển sinh đa dạng, kèm theo cam kết giải quyết việc làm, các Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội… đã thu hút nhiều thí sinh đăng ký học những ngành, nghề thị trường lao động đang cần như: Công nghiệp ô tô, điện công nghiệp, cắt gọt kim loại, cơ khí, cơ điện tử.

Không chỉ mở rộng đối tượng tuyển sinh, trong năm học tới, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn mở thêm những ngành, nghề mới phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, xu hướng phát triển của xã hội. Điển hình là Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội mở thêm 6 ngành mới, gồm tiếng Anh du lịch, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Nhật Bản, ngôn ngữ Hàn Quốc, kỹ thuật xét nghiệm y học và kỹ thuật thiết bị cơ điện, điện tử y tế. Trong đó, hai nghề kỹ thuật thuộc lĩnh vực y tế được đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội có thêm nghề kinh doanh trực tuyến, chuyên viên PR, marketing online…

Cùng bạn bè đến tìm hiểu về mô hình đào tạo nghề liên thông dành cho đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, em Nguyễn Công Hiếu, lớp 9A, Trường Trung học cơ sở Thủy Xuân Tiên bộc bạch: “Hiện có rất nhiều trường tuyển sinh nghề điện tử mà em yêu thích, em sẽ thuyết phục gia đình cho học nghề này”. Còn chị Lê Thị An, xóm Đồi, xã Trung Hòa (huyện Chương Mỹ) chia sẻ: “Trong bối cảnh hiện nay, người học nghề dễ dàng tìm được việc làm, tiết kiệm thời gian, chi phí học tập, nên con tôi có nguyện vọng học nghề, tôi sẽ ủng hộ”.

Cũng tại hội nghị, có nhiều doanh nghiệp đến tuyển lao động và ký kết hợp tác đào tạo với các đơn vị có hoạt động đào tạo nghề. “Đây là kênh thông tin kết nối cung - cầu về thị trường lao động hiệu quả, hấp dẫn, giúp người lao động, người sử dụng lao động và doanh nghiệp nhận ra họ đang cần gì để đáp ứng tốt nhu cầu thị trường”, Tiến sĩ Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đánh giá.

Tăng cường liên kết

Việc tổ chức các hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động được các ngành, địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội tiến hành thường xuyên, góp phần kết nối cung - cầu lao động hiệu quả. Bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, trung bình mỗi năm, 369 cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Hà Nội tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 178.000 lượt người, giúp tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Thủ đô tăng từ 34,2% vào năm 2010, lên 63,18% năm 2018. Số người có việc làm đạt khoảng 98% và cơ cấu lao động, việc làm đang chuyển dịch theo hướng tích cực.

Trình diễn kỹ năng nghề trong khuôn khổ hội nghị “Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động năm 2019”. Ảnh: Minh Ngọc


Dù vậy, khâu trung gian của mô hình liên kết là doanh nghiệp lại chưa tham gia sâu. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, toàn thành phố hiện có hơn 200.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng trong năm 2018 chỉ có 753 doanh nghiệp hợp tác với các cơ sở đào tạo nghề. Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn thành phố mới có hơn 500 doanh nghiệp ký kết hợp tác tuyển sinh, đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nguyên nhân là các cơ quan chức năng chưa có chính sách cụ thể để thu hút doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo nghề.

Để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mong muốn các cơ quan chức năng mở rộng tuyên truyền Luật Giáo dục nghề nghiệp cho doanh nghiệp và người sử dụng lao động; có văn bản hướng dẫn chi tiết việc thực hiện các nội dung của luật này đến các đơn vị liên quan. Còn bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất dịch vụ Hòa Bình khuyến nghị, các doanh nghiệp đầu tư vào công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng, giúp các cơ sở tổ chức đào tạo sát với nhu cầu thực tiễn.

Theo ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, nhà trường đã chuyển hướng đào tạo từ những gì nhà trường có sang đào tạo những gì doanh nghiệp cần. Khi thấy rõ lợi ích từ việc tuyển dụng lao động qua đào tạo, các doanh nghiệp sẽ tìm đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để ký kết và đặt hàng đào tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi ích cho nhiều phía

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.