Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết tâm khắc phục các vấn đề liên quan đến giáo dục mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc

Hoa Minh| 06/08/2019 08:34

(HNMO) - Sáng 6-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu trung tâm (35 Hùng Vương, Hà Nội).

Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị, tổ chức... Tại điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý và lãnh đạo một số đơn vị, sở, ngành.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu trung tâm (35 Hùng Vương, Hà Nội).

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, năm học 2018-2019 đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đạo tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Đây cũng là năm toàn ngành bứt phá thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Toàn ngành tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản để thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về giáo dục và đào tạo. 

Bên cạnh những thuận lợi, ngành cũng phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có nhiều vấn đề đã tồn tại từ lâu, dư luận bức xúc nhưng chưa được giải quyết triệt để.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc hội nghị.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, năm học 2019-2020, toàn ngành xác định tiếp tục thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra; quyết tâm khắc phục và tạo chuyển biến căn bản các vấn đề giáo dục, đào tạo mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc, trong đó tập trung thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể là: Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, rà soát, sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học; giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên, chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông, đẩy mạnh tự chủ thực hiện đại học; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.

Tháo gỡ nhiều “nút thắt” trong đổi mới giáo dục

Đó là một trong những kết quả nổi bật mà ngành GD-ĐT đạt được trong năm học 2018-2019. Theo đó, ngành tiếp tục chú trọng tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động đổi mới giáo dục, tạo hành lang pháp lý để các địa phương, các cơ sở GD-ĐT thực hiện.

Chất lượng giáo dục mầm non có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được quan tâm. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn ở bậc phổ thông được nâng cao.

Việc triển khai chương trình, sách giáo khoa được tích cực thực hiện; thực hiện tốt đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phân luồng có bước chuyển biến.

Một số trường đại học đã triển khai đào tạo hiệu quả nguồn nhân lực theo các chương trình tiên tiến được chuyển giao từ các nước phát triển; đẩy mạnh việc triển khai thực hiện hỗ trợ khởi nghiệp đối với sinh viên…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng chỉ rõ một số hạn chế như công tác sắp xếp mạng lưới trường, lớp học ở một số địa phương vẫn còn bất cập. Tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để, nhất là giáo viên mầm non. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu. Vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống. Công tác phân luồng, giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông chưa hiệu quả.

Đặc biệt, tại các tỉnh: Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La còn để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia 2018. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm tuy cơ bản đáp ứng yêu cầu chấm thi nhưng vẫn còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi, nhất là khi người dùng thực hiện gian lận có tổ chức và có chủ đích từ trước.

Hà Nội: Đạt kết quả toàn diện trong các hoạt động giáo dục 

Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý nêu một số kết quả thành phố đã đạt được trong thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp trọng tâm Bộ GD-ĐT đã đề ra trong năm học 2018-2019.

Theo đó, thành phố quan tâm rà soát mạng lưới các trường học, tập trung xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu của ngành. Năm học 2018-2019, Hà Nội đầu tư xây dựng 70 trường học mới, sửa chữa 387 trường với tổng kinh phí hơn 5.000 tỷ đồng; tập trung xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, coi đây là giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển toàn diện các trường học.

“Thành tích của học sinh Thủ đô đạt được qua các kỳ thi quốc gia, quốc tế được nâng cao về chất lượng, số lượng. Hà Nội tiếp tục khẳng định là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước với 197 giải và huy chương các loại ở trong nước và quốc tế”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

Ngoài ra, thành phố đã thực hiện tốt công tác tuyển sinh đầu cấp và kỳ thi THPT quốc gia; triển khai chương trình hội nhập quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dạy và học; thực hiện tuyển sinh trực tuyến mầm non, tiểu học và THCS, đáp ứng tình minh bạch trong công tác tuyển sinh của thành phố; thực hiện tốt đề án “Sữa học đường”, với tỷ lệ học sinh tham gia đạt 87,7% (khu vực công lập đạt 92,5%); quan tâm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh…

Bên cạnh kết quả cơ bản toàn diện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng thẳng thắn nêu rõ một số hạn chế của ngành GD-ĐT Thủ đô như còn hiện tượng lạm thu, dạy thêm, học thêm không đúng quy định; xảy ra bạo lực học đường; thiếu lớp, thiếu trường cục bộ trong khu đô thị, khu nội đô...

Trên cơ sở đó, Hà Nội kiến nghị các bộ, ngành có liên quan sớm ban hành hướng dẫn để các địa phương thực hiện việc quy hoạch trường phổ thông theo Luật Quy hoạch mới; xây dựng cơ chế phối hợp thực hiện tốt hướng nghiệp bậc phổ thông và có văn bản hướng dẫn thực hiện quy định về cơ chế tự chủ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Cần kiên định lộ trình thực hiện đổi mới giáo dục

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu quan điểm, đổi mới giáo dục phải có lộ trình và kiên định thực hiện bởi “không thể thực hiện trong một năm” và cũng “không thể vì một vài trục trặc nhỏ mà thay đổi lộ trình”. 

Phó Thủ tướng chia sẻ, giáo dục phổ thông phải đảm bảo đầy đủ trường, lớp và gần nhà cho học sinh. Tuy nhiên, hiện thi đầu cấp vẫn gây căng thẳng. Nhiều nơi sĩ số học sinh cao, gây áp lực về cơ sở vật chất cho các trường, lớp.

“Do đó, Nhà nước đầu tư cho giáo dục đào tạo tầm trung, đặc biệt lo cho người yếu thế, cho các cháu vùng cao được đi học gần nhà; còn phân khúc đào tạo chất lượng cao thì huy động các nguồn lực xã hội”, Phó Thủ tướng nêu.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT cần đánh giá chất lượng, giảm áp lực hành chính cho các giáo viên, không nên chạy theo hình thức, tạo nên “bệnh thành tích” trong ngành; tăng cường giáo dục đạo đức không chỉ trong nhà trường mà còn cả trong gia đình; kết nối giữa phụ huynh và nhà trường thay vì “khoán gọn” cho nhà trường...

Tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, quy hoạch mạng lưới trường lớp, đào tạo bồi dưỡng giáo viên hay việc triển khai chương trình sách giáo khoa mới… cũng là những vấn đề nhận được nhiều ý kiến thảo luận trước đó tại hội nghị. 

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng, tình trạng giáo viên nơi thừa, nơi thiếu đã dẫn đến nhiều bất cập trong điều hành, quản lý. Việc dự báo đào tạo giáo viên phù hợp số lượng học sinh chưa được chính xác, đặc biệt là khối mầm non.

Ngoài ra, do chưa có chính sách và biện pháp kịp thời tháo gỡ thời gian qua đã dẫn đến nhiều đơn thư, ý kiến từ các địa phương. Nhiều địa phương trong tuyển dụng, bố trí giáo viên còn nhiều vấn đề làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.

Thể hiện quan điểm về vấn đề chất lượng đào tạo giáo viên, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định chất lượng đầu vào của đào tạo giáo viên cần được nâng cao và cần có chuẩn đối với đầu vào chất lượng giáo viên. Từ chuẩn đó sẽ có phương hướng đào tạo cụ thể.

“Nếu đầu vào không đảm bảo thì đầu ra cũng không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, cần tạo sự kết nối giữa các trường đại học, cao đẳng, trung cấp để phối hợp trong việc đào tạo nhân lực cho trường sư phạm”, GS Nguyễn Văn Minh nêu.

Phải tạo chuyển biến căn bản trong đạo đức lối sống trong học sinh, sinh viên

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, trong năm học 2018-2019, ngành GD-ĐT đối diện với không ít khó khăn, thách thức nhưng đáng mừng là đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Đặc biệt, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 được tổ chức công khai, minh bạch, khách quan, chặt chẽ và nền nếp, chất lượng hơn cùng nhiều việc làm khác đã tạo niềm tin cho toàn xã hội. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Thủ tướng cũng nêu thêm một số điểm nhấn thành công trong năm học 2018-2019 như chất lượng đại trà và mũi nhọn của ngành giáo dục đều tăng; hệ thống cơ sở vật chất trường lớp được các địa phương quan tâm đầu tư; người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được tạo điều kiện tốt hơn; chất lượng giáo viên nhìn chung tăng lên; bổ sung 23.000 giáo viên mầm non ở 19 tỉnh, thành phố trong bối cảnh giảm biên chế toàn quốc; ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới...

 Xem bài phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm khắc phục các vấn đề liên quan đến giáo dục mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.