Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dạy trẻ “Nói không với rác thải nhựa”

Hà My| 06/11/2019 16:58

(HNMCT) - Thời gian qua, công tác giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường được các trường học tại quận Hoàn Kiếm đặc biệt chú trọng với nhiều mô hình, hoạt động thiết thực, hiệu quả. Từ đây, phong trào “Nói không với rác thải nhựa” được đẩy mạnh, những ứng xử đẹp chung tay bảo vệ môi trường theo đó lan tỏa từ nhà trường tới gia đình và xã hội.

Học sinh Trường Mầm non Đinh Tiên Hoàng xếp gọn vỏ hộp sữa sau khi uống.

9h sáng, giờ uống sữa của 35 học sinh lớp Mẫu giáo lớn Trường Mầm non Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm vừa kết thúc cũng là lúc các cháu hào hứng nhận miếng dán từ cô giáo và nhanh chóng gập phẳng, dán kín miệng chiếc vỏ hộp sữa vừa uống. Trong chốc lát, những chiếc vỏ hộp sữa đã được các bé xếp gọn gàng vào một chỗ, chờ người chuyển đi tái chế. Cô Vũ Thu Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp cho biết: “Kể từ đầu tháng 10 đến nay, hoạt động thu gom vỏ hộp sữa đã được nhà trường thực hiện đều đặn mỗi sáng. Không chỉ giúp khuyến khích các con uống hết phần sữa mà việc thu gom vỏ hộp là dịp để chúng tôi chia sẻ với các con lợi ích của những chiếc vỏ hộp sữa và nhiều vật dụng khác trong việc tái chế, góp phần bảo vệ môi trường sống”.

Các hoạt động giáo dục tình yêu thiên nhiên, chung tay bảo vệ môi trường ở Trường Mầm non Đinh Tiên Hoàng còn được thể hiện cụ thể qua việc sử dụng nhựa tái chế để làm các loại đồ chơi, vật dụng có màu sắc, hình dáng hấp dẫn. Qua bàn tay khéo léo của các cô trò, những phế phẩm bằng nhựa đã thành chậu cây, bàn ghế, ô tô,  các con vật... phục vụ cho hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Được mẹ cho các vỏ chai, hộp nhựa cũ đem đến lớp, bé Đào Quang Bảo, học sinh lớp Mẫu giáo lớn, rất thích thú cùng cô giáo làm đồ chơi. Bé Bảo cho biết: “Vỏ hộp, chai nước cũ lại “biến” thành ô tô, bàn ghế, con vật nên con rất thích. Về nhà con sẽ giữ lại đồ nhựa cũ để làm được nhiều đồ chơi khác nữa”. Nhà giáo Nguyễn Thị Kim Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đinh Tiên Hoàng chia sẻ: “Bằng các hoạt động phong phú hằng ngày như kể chuyện, xem phim, các giờ chơi, mỹ thuật và các kế hoạch giáo dục định kỳ vào các dịp giờ trái đất, ngày khai giảng, quốc tế thiếu nhi... nhà trường đã đẩy mạnh giáo dục các con về tác hại của rác thải nhựa, các cách giảm thiểu sử dụng đồ nhựa đồng thời phối hợp chặt chẽ với cha mẹ của trẻ trong mọi hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường. Đặc biệt, chúng tôi thực hiện Dự án 100 cây xanh trồng trong các chậu tái chế do các cô trò cùng làm để dành tặng mọi người tại phố đi bộ trong dịp phát động “Tết trồng cây” diễn ra sau Tết Nguyên đán đầu năm tới như một cách lan tỏa phong trào chống rác thải nhựa”.

Sau khi tham gia chương trình “Thải rác thông minh - Bình yên sức khỏe hướng tới mục tiêu xây dựng quận Hoàn Kiếm sáng - xanh - sạch” được nhà trường tổ chức cuối tháng 10 vừa qua, bé Trần Nhật Anh, học sinh lớp 5E, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản cho biết: “Con đã hiểu hơn về tác hại của việc sử dụng túi nilon với sức khỏe con người. Con cũng được biết thêm những loại túi thân thiện với môi trường để thay thế. Con và nhiều bạn ở lớp đã được bố mẹ mua cho chai nước inox để dùng nhiều lần thay chai nước dùng một lần. Chúng con cũng sẽ không ăn quà sáng trong hộp xốp, hộp nhựa nữa. Con hy vọng việc làm đó sẽ góp phần bảo vệ môi trường”.

Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường được Trường Tiểu học Trần Quốc Toản đặc biệt quan tâm, song ban giám hiệu, các thầy cô có chung quan điểm rằng đây là việc làm cần thực hiện bền bỉ, lâu dài, từ sự nêu gương của thầy cô và sự đồng lòng của cha mẹ. Cô giáo Nguyễn Thu Hà, giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản cho biết: “Không chỉ là những khẩu hiệu chung chung, chúng tôi giáo dục các con qua những chuyên đề chuyên sâu, những liên hệ trực tiếp liên quan tới bảo vệ môi trường trong các tiết học địa lý, khoa học, tập đọc... và bằng nhiều việc làm rất cụ thể hằng ngày như nhắc nhở các con hạn chế sử dụng hộp xốp, cốc nhựa, chai nhựa dùng một lần, sử dụng cốc inox được đánh số thứ tự của mỗi học sinh để uống nước tại lớp.

Khuyến khích các con sử dụng bình nước dùng nhiều lần, giảm thải túi nilon trong các buổi tham quan, liên hoan. Mỗi giáo viên phải nêu gương trước học trò, hạn chế đồ nhựa dùng một lần, sử dụng đồ dùng, túi đựng thân thiện môi trường”. Nhà giáo Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản đánh giá: “Các hoạt động giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tại trường được tổ chức đa dạng, thường xuyên, đã lan tỏa tinh thần “Nói không với rác thải nhựa”, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp không chỉ trong các em học sinh mà tới cả các phụ huynh và gia đình. Mỗi học sinh đã trở thành tuyên truyền viên đặc biệt, tích cực về công tác bảo vệ môi trường tới bố mẹ, người thân; những ứng xử đẹp như không dùng đồ nhựa, hộp xốp, tắt máy khi dừng xe hơn 20 giây... đã được hình thành ở nhiều học sinh và phụ huynh”.

Có thể thấy, các hoạt động giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thực hiện phong trào “Nói không với rác thải nhựa” đã được đẩy mạnh trong nhiều nhà trường tại quận Hoàn Kiếm, tiêu biểu như các Trường Mầm non Đinh Tiên Hoàng, Chim Non, Mẫu giáo Hoa Hồng, Măng Non, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Trưng Vương, Thăng Long, Trần Nhật Duật... Bà Vương Hương Giang, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh: “Hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường trong trường học đã góp phần hình thành nên một thế hệ mới có ứng xử đẹp bảo vệ môi trường, đồng thời tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các phụ huynh và cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng quận Hoàn Kiếm nói riêng, thành phố Hà Nội nói chung thêm xanh - sạch - đẹp. Tuy nhiên, để phong trào “Nói không với rác thải nhựa” đi đúng hướng rất cần sự phối hợp, chung tay của cả xã hội và mỗi gia đình. Nếu trong trường học các con được dạy không dùng hộp xốp, giảm dùng đồ nhựa mà điều đó không được thực hành đúng đắn, nhất quán ở gia đình và xã hội thì rất khó để hình thành ý thức, thói quen lâu bền trong con trẻ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dạy trẻ “Nói không với rác thải nhựa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.