Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa sẵn sàng cho một hiệp ước hòa bình

Đức Luân| 30/09/2018 07:22

(HNM) - Kể từ đầu năm nay, Triều Tiên đã có những nỗ lực ngoại giao quan trọng nhằm chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên kéo dài hàng thập kỷ kể từ sau Hiệp định Đình chiến năm 1953. Đây là điều Hàn Quốc cũng mong muốn, nhưng Mỹ dường như chưa sẵn sàng cho một thỏa thuận như vậy.

Hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ bắt tay tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore ngày 12-6.


Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 mới chỉ tạm kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến, trong đó có sự tham gia của Mỹ. Do vậy, bán đảo Triều Tiên trên lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh kỹ thuật. Cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều mong muốn chính thức kết thúc chiến tranh vào cuối năm nay với sự tham gia của Mỹ và có thể cả Trung Quốc. Triều Tiên thậm chí tuyên bố phải đạt được thỏa thuận kết thúc chiến tranh trước khi tiến tới giải trừ hạt nhân như cam kết. Tuy nhiên, Mỹ - quốc gia lần đầu tiên cử lực lượng quân đội tới bán đảo Triều Tiên năm 1950 và vẫn duy trì 28.500 binh lính ở đây cho tới nay, vẫn chưa sẵn sàng để chấp thuận một tuyên bố hòa bình. Và giới chức Mỹ có những lý do để trì hoãn đưa ra một tuyên bố hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng giống các chính quyền tiền nhiệm, đều đặt vấn đề chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên lên hàng đầu. Mỹ lo ngại Triều Tiên có thể sản xuất được tên lửa đạn đạo liên lục địa gắn đầu đạn hạt nhân có thể bắn tới quốc gia này. Trong Tuyên bố chung đưa ra sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều hôm 12-6 vừa qua, Triều Tiên cam kết "hướng tới giải trừ hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên". Tuy nhiên, hai bên không định nghĩa rõ ràng về giải trừ hạt nhân. Giới chức ngoại giao Mỹ, trong đó có Ngoại trưởng Mike Pompeo cho rằng, giải trừ hạt nhân có nghĩa là Triều Tiên phải ngừng và dỡ bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân. Theo các nhà phân tích, đến nay, Triều Tiên vẫn chưa nhất trí với cách định nghĩa đó và ưu tiên hàng đầu là tuyên bố chấm dứt chiến tranh. Giới tình báo Mỹ cho rằng, Triều Tiên tiếp tục chế tạo tên lửa tầm xa.

Bên cạnh đó, dù một tuyên bố hòa bình không giống như một hiệp định hòa bình mang tính ràng buộc nhưng nó sẽ bắt đầu một quá trình với các hành động xây dựng hòa bình. Điều này nếu xảy ra sẽ đặt câu hỏi về việc liệu sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc có còn cần thiết hay không? Trước khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore diễn ra, ông D.Trump đã yêu cầu Lầu Năm Góc chuẩn bị các phương án cho việc rút quân khỏi Hàn Quốc. Với một số quan chức Mỹ, sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc không chỉ có vai trò như một trở ngại với Triều Tiên mà còn giúp Mỹ duy trì "dấu chân quân sự" tại châu Á và thực hiện đại chiến lược bá quyền của mình.

Trong bối cảnh Nhà Trắng đang chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai, trong đó vấn đề tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên chắc chắn sẽ được thảo luận, chính quyền Tổng thống D.Trump nên cân nhắc kỹ lưỡng về các toan tính của Triều Tiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chưa sẵn sàng cho một hiệp ước hòa bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.