Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi 28 triệu việc làm tại 6 nền kinh tế hàng đầu ASEAN

Nguyễn Thúc| 13/09/2018 09:18

(HNMO) - Sự lan tỏa mạnh mẽ của công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tác động lớn tới thị trường việc làm của các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong thập kỷ tới. Đó là kết quả nghiên cứu

Có tới 28 triệu lao động trong khu vực ASEAN sẽ chịu tác động điều chỉnh trong vòng 10 năm tới.


Nhân công trình độ thấp đứng trước thách thức lớn

Nghiên cứu chỉ ra rằng, những phát kiến trong công nghệ số sẽ đem tới cơ hội to lớn cho các nền kinh tế ASEAN, cho phép nâng cao năng suất lao động cũng như hiệu quả kinh tế. Sự phổ biến rộng rãi của những công nghệ này, kết hợp với các bước tiến mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo thông qua phần mềm, phần cứng, robot... cũng giúp giảm giá thành hàng hóa và dịch vụ, kích thích tiêu dùng và tạo ra hàng triệu việc làm mới. Trong đó, những lĩnh vực chứng kiến đột biến về nhu cầu đối với việc làm mới là bán buôn và bán lẻ (1,8 triệu việc làm mới), chế tạo (900.000 việc làm mới), xây dựng (900.000 việc làm mới) và vận tải (700.000 việc làm mới).

Tuy nhiên, thị trường việc làm cũng sẽ chứng kiến sự chuyển dịch lớn, trong đó những công việc đòi hỏi kĩ năng thấp sẽ bị thay thế. Theo nghiên cứu của Cisco, với những lợi ích lớn về năng suất do các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo mang lại, 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á có thể cắt giảm tới 28 triệu việc làm vào năm 2028 (tương đương 10% tổng số việc làm hiện nay) mà vẫn đảm bảo được năng suất đầu ra như hiện tại. Trong đó, nhóm nhân lực trong lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp bị tác động lớn nhất. Riêng đối với ngành Nông nghiệp, những phát kiến mới trong nhiều lĩnh vực (bao gồm cả các hệ thống định vị toàn cầu, viễn thông di động, cảm biến thông minh...) sẽ tác động rõ nét nhất.

Nhìn ở khía cạnh từng quốc gia, nghiên cứu cho rằng, quá trình tái cơ cấu việc làm của thị trường lao động sẽ diễn ra cao độ tại những nền kinh tế có bước tiến lớn về công nghệ. Nhìn ở góc độ này, không khó để nhận ra rằng Singapore là quốc gia chịu tác động lớn nhất, với khoảng 21% lực lượng lao động bị ảnh hưởng. Lý do là bởi đảo quốc Sư tử gần đây đã đẩy mạnh chuyển đổi hướng tới công nghệ đột phá nhằm giúp doanh nghiệp của mình tận dụng ưu thế từ phát kiến mới ngay khi chúng xuất hiện. Kế tiếp là Việt Nam và Thái Lan, tương ứng với 14% và 12% số việc làm cần phải thay thế. Tại các quốc gia này, những vị trí lao động kém năng suất, hoặc thực hiện công việc đơn giản nhất sẽ bị đào thải. Philippines, Indonesia, Malaysia cũng không nằm ngoài "cuộc chơi".

Lãnh đạo Cisco Đông Nam Á và Việt Nam chia sẻ góc nhìn về việc làm trong khu vực ASEAN 10 năm tới.


Kĩ năng công nghệ thông tin và kĩ năng mềm đặc biệt quan trọng

Sau 10 năm phát triển mạnh mẽ nhờ lực lượng lao động đông đảo, thị trường tiêu dùng phát triển nhanh chóng và liên tục triển khai các công nghệ mới, ASEAN đã trở thành một trong những trung tâm phát triển kinh tế hàng đầu thế giới. Tuy nhiên để duy trì sức tăng trưởng và phát triển lên tầm cao mới, việc đảm bảo lực lượng lao động kịp thời thích ứng và có chất lượng cao là điều không thể thiếu.

Muốn được như vậy, các chính phủ, doanh nghiệp, đơn vị đào tạo... cần phối hợp chặt chẽ với nhau để đảm bảo lực lượng lao động có được những kĩ năng cần thiết, không chỉ dừng lại ở kiến thức sách vở thuần túy. Mỗi cá nhân cần kĩ năng giải quyết rắc rối, kĩ năng hợp tác, tìm kiếm giải pháp tranh chấp... Trong tương lai số hóa, khi mỗi người đều có thể dễ dàng truy cập kho dữ liệu và thông tin chung, những kĩ năng ấy sẽ là mấu chốt tạo ra sự khác biệt, quyết định khả năng có được tuyển dụng hay không.

Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo


Đối với Indonesia, Malaysia, Philippines, ảnh hưởng ở mức nhẹ hơn và cũng không tác động tới tỉ lệ lớn lực lượng lao động. Kết cấu thị trường lao động ở các nước này, với đặc điểm giá còn rất rẻ, cũng khiến việc triển khai các công nghệ trí tuệ nhân tạo tiên tiến không thực sự kinh tế trong tương lai gần.

Cần điều chỉnh kịp thời chiến lược đào tạo kĩ năng

Nghiên cứu cũng dự đoán rằng, trong vòng 10 năm tới, tính cạnh tranh giữa thay thế việc làm và tạo ra việc làm mới sẽ bù trừ lẫn nhau. Tuy nhiên, sẽ không ít việc làm mới được tạo ra ở các lĩnh vực khác với lĩnh vực yêu cầu thay đổi việc làm. Chính vì vậy, sẽ có khoảng 6,6 triệu lao động ở 6 nền kinh tế hàng đầu ASEAN phải tự thích nghi thông qua việc học hỏi thêm kĩ năng, song song với tìm kiếm con đường sự nghiệp mới để đảm bảo vai trò và năng suất trong thị trường lao động đang thay đổi từng ngày.

Nghiên cứu của Cisco chỉ ra rằng, có khoảng 41% số việc làm cần điều chỉnh đều thiếu kĩ năng công nghệ thông tin (IT), yếu tố chắc chắn sẽ cần tới đối với những việc làm mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ. Ngoài ra, có 30% sẽ thiếu kĩ năng tương tác cần thiết cho các cơ hội công việc mới, ví dụ như đàm phán, thuyết phục và dịch vụ khách hàng; 25% thiếu các kĩ năng nền tảng quan trọng như chủ động học tập, đọc, viết... Đây là những kĩ năng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường lao động ASEAN trong thời gian tới.

Chính vì vậy, việc đẩy mạnh đào tạo lao động ngay khi đang làm việc, triển khai các hệ thống đào tạo trực tuyến và trải nghiệm việc làm, thậm chí là "nhúng" vào các chương trình học chính quy sẽ là những động thái cần thiết để đảm bảo chất lượng nguồn lao động ASEAN trong những năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi 28 triệu việc làm tại 6 nền kinh tế hàng đầu ASEAN

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.