Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội chống biến đổi khí hậu: Nguy cơ bị bỏ lỡ

Phương Quỳnh| 27/01/2019 07:00

(HNM) - Một nghiên cứu mới nhất vừa được công bố trên Tạp chí Proceeding of the National Academy of Sciences cho thấy, Greenland, hòn đảo lớn thứ hai thế giới đang chứng kiến tốc độ tan băng chưa từng thấy trong những năm gần đây.


Trong bối cảnh nhiều khu vực trên Trái đất đang hứng chịu những hậu quả nặng nề bởi các trận siêu bão diễn ra thường xuyên, lũ lụt và triều cường do nước biển dâng cao, nhiều nhà khoa học lo ngại thế giới sẽ bỏ lỡ cơ hội để ngăn chặn biến đổi khí hậu nếu không hoàn thành mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu vào năm 2020.

Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Khoa học hàng hải Scotland (SAMS), ngay giữa mùa đông lạnh giá, lớp băng bao phủ trên đảo Greenland vẫn đang tan chảy với tốc độ nhanh nhất trong 350 năm qua và sẽ tiếp tục tan nhanh do hiện tượng nóng lên toàn cầu. Điều này có thể gây tác động không nhỏ tới những vùng đảo chìm và các thành phố ven biển trên thế giới. Hiện có tới 8 trong số 10 thành phố lớn nhất hành tinh đều nằm ven biển và 40 đến 50% dân số thế giới đang sinh sống tại những vùng nhạy cảm với việc nước biển dâng cao.

Trong khi đó, theo Viện Tài nguyên thế giới (WRI), việc đạt được các mục tiêu năm 2020 là cơ hội tốt nhất để trái đất tôn vinh những điều khoản đề ra trong Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Thực tế cho thấy, một số tiến bộ đã được thực hiện trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và tài chính xanh, nhưng những cam kết trong các lĩnh vực khác dường như vẫn chưa đủ. Hiện nay, năng lượng tái tạo từ gió, mặt trời chiếm khoảng 25% sản lượng điện toàn cầu, không cách xa so với mục tiêu đã đặt ra cho năm 2020 là 30%. Tuy nhiên, thế giới vẫn kiên quyết loại bỏ nhiên liệu hóa thạch sản sinh ra khí nhà kính. Chiến dịch 2020 kêu gọi không nên xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới sau cuối năm tới và tất cả các nhà máy điện than hiện tại nên cho “nghỉ hưu”.

Mặc dù tốc độ mở rộng đã chậm lại, thế giới vẫn đang chứng kiến mức tăng ròng về công suất than. Hơn 28 gigawatt điện than đã được rút khỏi lưới điện toàn cầu năm ngoái, nhưng sau đó 65 gigawatt đã được thêm vào. Các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than mới đã có công suất vượt xa những nhà máy cũ. Các nhà khoa học đều đồng thuận rằng, để trái đất tránh được hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, lượng khí thải nhà kính phải giảm mạnh kể từ sau năm 2020. Một trong những đóng góp cực kỳ quan trọng để hiện thực hóa điều đó là các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch cũng phải được loại bỏ hoàn toàn vào năm 2020 để theo kịp các mục tiêu đã đề ra.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, thiên tai diễn ra với tần suất dày hơn, gây thiệt hại lên tới 320 tỷ USD năm 2017 là hồi chuông cảnh báo rằng thái độ chần chừ, thiếu nghiêm túc trong việc thực thi các cam kết trong Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21) sẽ dẫn tới những hậu quả thảm khốc. Việc thiếu vắng vai trò lãnh đạo cứng rắn trong những quyết sách nhằm đưa các nền kinh tế và xã hội đi theo con đường tăng trưởng carbon thấp và chống biến đổi khí hậu đang khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, chỉ có tinh thần trách nhiệm, chia sẻ và thiện chí hợp tác từ tất cả các quốc gia, thế giới mới có thể ứng phó với những hậu quả nghiêm trọng từ tình trạng nóng lên của trái đất đang đe dọa cuộc sống con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội chống biến đổi khí hậu: Nguy cơ bị bỏ lỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.