Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ô nhiễm không khí - hiểm họa đáng sợ

Minh Hiếu| 09/06/2019 07:37

(HNM) - Trung bình cứ 5 giây lại có 1 trường hợp tử vong sớm vì ô nhiễm không khí. Hơn 95% dân số thế giới phải hít thở bầu không khí độc hại.


Trước thực trạng đáng báo động này, ô nhiễm không khí cũng là chủ đề được Liên hợp quốc lựa chọn cho Ngày Môi trường thế giới 5-6 năm nay, nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng và cá nhân cùng hành động để cải thiện chất lượng không khí ở tất cả các thành phố và khu vực trên toàn thế giới.

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là "sát thủ giấu mặt", chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc gián tiếp cho 7 triệu trường hợp tử vong sớm mỗi năm, trong đó có khoảng 600.000 trẻ em.

Ô nhiễm không khí có liên hệ trực tiếp với tình trạng viêm phổi và các bệnh về hô hấp khác, đồng thời là nguyên nhân dẫn tới 10% trường hợp tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới. Ô nhiễm không khí cũng góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng nóng lên toàn cầu, là mối đe dọa hiện hữu với môi trường sống của toàn nhân loại và kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Hơn 90% trường hợp tử vong sớm hay mắc các bệnh do ô nhiễm không khí tới từ các nước có điều kiện sống kém hiện đại và đông dân. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia đứng đầu danh sách chịu ảnh hưởng của các vấn đề môi trường, chiếm 50% số ca tử vong do ô nhiễm không khí trên toàn cầu.

Không chỉ ở các nước đang phát triển, các nước phát triển và có hệ thống chính sách, quy định chặt chẽ về bảo vệ, giữ gìn môi trường như Mỹ, châu Âu cũng phải chứng kiến hàng chục nghìn ca tử vong mỗi năm liên quan đến ô nhiễm không khí.

Nhiều quốc gia châu Á - điểm nóng của ô nhiễm không khí toàn cầu đang tăng cường các nỗ lực nhằm đương đầu với cuộc chiến sống còn này. Trong đó, nỗ lực của Trung Quốc để giải "bài toán khó" được coi là một trong những kinh nghiệm đáng học hỏi.

Chính quyền trung ương và địa phương của Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để khắc phục ô nhiễm không khí như tạo ra mưa nhân tạo, thay thế than đá bằng các loại khí đốt tự nhiên trong sinh hoạt và hoạt động công nghiệp, thương mại.

Quốc hội Hàn Quốc cũng đã thông qua 8 dự luật nhằm giảm thiểu tình trạng bụi siêu mịn trong không khí. Còn tại Ấn Ðộ, chính quyền thủ đô New Delhi cam kết sẽ tích cực áp dụng các biện pháp giảm ô nhiễm như cấm đốt rác và rơm rạ, hạn chế hoạt động xây dựng, cấm xe tải đi vào thành phố, tăng hiệu quả hoạt động của hệ thống giao thông công cộng...

Trong thông điệp được đưa ra nhân Ngày Môi trường thế giới, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nhấn mạnh mối liên hệ giữa mức độ ô nhiễm không khí ngày càng tồi tệ và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.

Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới cũng phát đi thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ kêu gọi các quốc gia tập trung vào hành động cụ thể, bao gồm xem xét ban hành chính sách thuế ô nhiễm carbon, dừng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, không cấp giấy phép xây dựng các nhà máy than mới, tiến tới duy trì một nền kinh tế xanh và bền vững để có cuộc sống trong lành hơn.

Các chương trình hành động, thỏa thuận, cam kết được đề ra trong năm nay cũng là cơ sở quan trọng hướng tới thành công của Hội nghị Thượng đỉnh về hành động khí hậu dự kiến sẽ được tổ chức tại thành phố New York (Mỹ) vào tháng 9 tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ô nhiễm không khí - hiểm họa đáng sợ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.