Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sau gần một tháng thực hiện việc giảm thiểu chất thải nhựa tại Hà Nội: Tạo nếp sống mới nơi công sở

Phong Thu| 28/09/2019 06:15

(HNM) - Từ ngày 1-9-2019, các cơ quan hành chính nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp trực thuộc thành phố Hà Nội đã quyết liệt thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa theo yêu cầu của UBND thành phố tại Công văn số 3549/UBND-ĐT ngày 19-8-2019. Qua ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, sau gần một tháng triển khai, các cơ quan, đơn vị đều thực hiện nghiêm, tạo nếp sống mới nơi công sở.

Các cuộc họp như Hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III-2019 tổ chức ngày 26-9 sử dụng cốc thủy tinh đựng nước uống cho các đại biểu. Ảnh: Thái Hiền

Tạo thành nền nếp

Công văn số 3549/UBND-ĐT của UBND thành phố Hà Nội về việc “Thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa đối với các cơ quan hành chính nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc thành phố” được các cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện. Theo tìm hiểu của phóng viên, những ngày đầu tháng 9-2019, một vài cơ quan, đơn vị còn sử dụng nước đóng chai nhựa trong các cuộc họp là do dùng nốt số nước đã mua. Đến nay, việc thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố đã thành nền nếp.

Chị Trần Hoài Anh, nhân viên Văn phòng HĐND và UBND huyện Thanh Trì chia sẻ: “Hiện nay, nếu cần đựng nước, tôi dùng chai thủy tinh. Chúng tôi còn duy trì đun nước tại phòng để uống, tuyệt đối không dùng chai nhựa sử dụng một lần”...

Những cuộc họp từ đầu tháng 9-2019 đến nay, UBND quận Hoàng Mai hoàn toàn không dùng nước uống đóng chai nhựa loại nhỏ. Cùng với đó, UBND quận đã có công văn yêu cầu các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, UBND các phường, đoàn thể chính trị - xã hội giảm thiểu chất thải nhựa, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần tại các hoạt động trong công sở. Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Công Hiệp cho biết: “Thực hiện yêu cầu của UBND quận là không sử dụng ống hút nhựa và giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông trong các hoạt động mua sắm, cán bộ, công chức, người lao động trong quận đã chủ động tìm đồ thay thế, giảm đáng kể việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần”.

Trong khi đó, từ tháng 9-2019, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cũng dùng chai thủy tinh đựng nước uống. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai thông tin: “Việc thay đổi này xuất phát từ quyết tâm thực hiện chủ trương giảm thiểu chất thải nhựa của thành phố. Từ nay, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ không dùng nước đóng chai nhựa trong các cuộc họp”.

Theo tìm hiểu, ở Văn phòng Thành ủy, Văn phòng HĐND thành phố, Văn phòng UBND thành phố cùng nhiều sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đều đã thực hiện nghiêm túc việc giảm thiểu chất thải nhựa. Tiêu biểu như Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, không chỉ sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động mới thực hiện mà từ nhiều năm trước đã dùng bình thủy tinh, cốc thủy tinh đựng nước uống trong các cuộc họp và đang tiếp tục vừa duy trì, vừa tuyên truyền, vận động để các cá nhân nâng cao nhận thức, có hành động thiết thực bảo vệ môi trường... 

Trong khi đó, Chánh Văn phòng Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Hà Nội Vũ Kim Thơ thông tin: “Từ năm 2018, chúng tôi đã chỉ dùng bình thủy tinh rót nước phục vụ cuộc họp, tuyệt đối không sử dụng chai nhựa. Đặc biệt, nhiều năm nay, toàn cơ quan không còn mua túi nhựa để đựng tài liệu, ngay cả trong công tác lưu trữ cũng dùng bìa, thùng giấy...

Nhận xét về những việc làm trên, bà Nguyễn Thị Yến (phường Hà Cầu, quận Hà Đông) nói: “Xem các chương trình truyền hình tôi thấy, hội nghị, hội thảo của thành phố đến các địa phương đều không sử dụng nước uống đóng chai nhựa. Đây là chuyển biến rõ nét nhất trong thực hiện các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa”. 

Duy trì lâu dài và lan tỏa trong cộng đồng

Thực tế, tại một số cơ quan sớm chủ động thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực. Điển hình như Sở Xây dựng Hà Nội đã thực hiện không dùng chai nước vỏ nhựa trong các cuộc họp từ tháng 8-2019. Phó Chánh văn phòng Sở Xây dựng Đào Duy Hải cho biết: “Sau 2 tháng triển khai đun nước rồi rót ra cốc trong các cuộc họp, ước tính tiết kiệm khoảng 25% kinh phí so với trước đây”.

Còn Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) từ đầu năm 2019 đã không sử dụng nước uống đóng chai nhựa, thay bằng chai thủy tinh thì ước tính tiết kiệm được 50% kinh phí phục vụ nước uống trong các buổi họp. Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Mai Trọng Thái, thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa không chỉ tiết kiệm ngân sách, mà quan trọng là nâng cao nhận thức của người lao động về việc này cả trong cuộc sống hằng ngày.

Nhiều công sở tại thành phố Hà Nội đã không sử dụng nước uống đóng chai nhựa, thay bằng chai thủy tinh. Ảnh: Hữu Tiệp

Nhận thức rõ việc giảm thiểu chất thải nhựa có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo vệ môi trường, các cơ quan, đơn vị còn triển khai những hoạt động cụ thể hướng đến việc duy trì lâu dài và lan tỏa trong cộng đồng. Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn (quận Long Biên) Nguyễn Văn Thắng cho biết: “UBND phường đã triển khai tuyên truyền tới toàn bộ các nhà trường, tổ dân phố… để tạo hiệu ứng rộng rãi từ chủ trương đúng đắn này. Chúng tôi cũng đang tính mua thêm 2-3 cây lọc nước trực tiếp đặt tại trụ sở UBND phường để không phải sử dụng bình nước nhựa 20 lít đóng sẵn”.

Đáng mừng là tinh thần hưởng ứng thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa đang ngày càng lan rộng. Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hà Đông Lại Hà Phương cho biết: “Trước đây, chúng tôi đã phát 10.000 chai thủy tinh cho hội viên và được chị em vui vẻ sử dụng. Phát huy tinh thần đó, vừa qua, Hội tiếp tục phát cho các tiểu thương chợ Hà Đông chai thủy tinh, làn nhựa để kêu gọi hạn chế sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần”.

Là tổ trưởng ngành hàng ni lông tại chợ Hà Đông, song chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng sẵn sàng hưởng ứng vì nhận thấy đây là việc làm hữu ích. Tuy nhiên, chị Nhàn và nhiều tiểu thương cũng kiến nghị thành phố có cơ chế cụ thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tiểu thương sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhựa dùng một lần chuyển sang sản phẩm thân thiện với môi trường.

Dù thời gian thực hiện Công văn số 3549/UBND-ĐT chưa dài, song đã có sự chuyển biến khá đồng đều ở các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố. Tuy nhiên, để duy trì thành nền nếp, thói quen lâu dài, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường tuyên truyền đến cán bộ, công chức, người lao động về tác hại của túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần, giới thiệu các biện pháp thay thế phù hợp; nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hay. Khi mỗi cơ quan, đơn vị thực hiện tốt giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa, chắc chắn phong trào này sẽ lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân, tạo nếp sống mới tích cực, bền vững tại Thủ đô.    

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sau gần một tháng thực hiện việc giảm thiểu chất thải nhựa tại Hà Nội: Tạo nếp sống mới nơi công sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.