Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách để hạn chế rác thải nhựa

Nguyễn Mai| 05/11/2019 16:49

(HNMO) - Chiều 5-11, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức giao ban báo chí thường kỳ thông tin về thực trạng và các giải pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa tại Hà Nội.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, theo báo cáo của Liên hợp quốc năm 2018, Việt Nam xếp thứ 17/109 quốc gia có mức độ ô nhiễm cao do rác thải nhựa. 80% lượng rác thải ra biển của Việt Nam xuất phát từ các hoạt động trên đất liền.

Tại Hà Nội, mỗi ngày có từ 4.000 đến 5.000 tấn rác được thải ra, trong đó có khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông.

Rác thải nhựa rất khó phân hủy nhưng lại dễ sản xuất. Nhựa dễ dàng tan chảy khi gặp nhiệt độ cao và hòa vào thực phẩm, đi vào cơ thể và nếu tích lũy lâu ngày sẽ gây ra các bệnh vô cùng nguy hiểm. Đặc biệt, trong nhựa có chứa chất độc hại là DOP - có thể gây ảnh hưởng giới tính ở các bé trai và gây vô sinh ở các bé gái. Ngoài ra, nhựa còn lẫn vào nước, ngăn chặn khí ô xy làm cho các sinh vật dưới nước không thể hô hấp được. Việc đốt nhựa không đúng quy chuẩn sẽ thải ra vô số khí độc hại và gây hiệu ứng nhà kính...

Thời gian qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản về việc giảm thiểu chất thải nhựa, như: Kế hoạch số 206/KH-UBND ngày 31-10-2018 về hành động thực hiện chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2020; Văn bản số 3549/UBND-ĐT ngày 19-8-2019 về việc giảm thiểu chất thải nhựa trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc thành phố... Đặc biệt, Kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25-10-2019 về phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội đề ra nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó yêu cầu 100% các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc UBND thành phố không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần, hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ tháng 11-2019...

Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Lưu Thị Thanh Chi cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và các văn bản pháp luật về phòng, chống chất thải nhựa; xây dựng, ban hành chính sách, cơ chế cụ thể để khuyến khích hạn chế rác thải nhựa; ban hành các văn bản pháp luật về phòng, chống chất thải nhựa.

Đến năm 2020, thành phố Hà Nội tập trung xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình kiểm soát và hạn chế chất thải nhựa, túi ni lông theo các kế hoạch do thành phố ban hành; huy động các nguồn lực để thu gom và tái chế chất thải nhựa…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách để hạn chế rác thải nhựa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.