Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dùng tín dụng đen “đảo nợ” ngân hàng

Đức Anh| 10/05/2012 07:28

(HNM) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tạo điều kiện cho các ngân hàng (NH) thương mại cơ cấu lại nợ, hỗ trợ các DN gặp khó khăn nhưng có triển vọng trong sản xuất, kinh doanh (SXKD) và khả năng trả nợ tốt.


Giao dịch tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt.   Ảnh: Như Ý

NHNN đã ban hành Quyết định số 780/QĐ-NHNN về việc phân loại nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả, gia hạn nợ. Theo đó, để phản ánh khách quan khả năng trả của khách hàng trong điều kiện hiện nay, các khoản nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả, gia hạn do tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài đánh giá hoạt động SXKD có chiều hướng tích cực, có khả năng trả nợ tốt, sau khi điều chỉnh kỳ hạn, sẽ được giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại theo quy định trước khi điều chỉnh kỳ hạn. Đây được coi như một chính sách "mở" để hỗ trợ DN trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn. Nếu thực hiện đúng quyết định trên, DN sẽ giảm áp lực, từ đó đẩy mạnh SXKD; việc gia hạn các khoản nợ sẽ giảm nợ xấu cho NH.

Nhưng mọi việc lại không đơn giản như vậy. Để được vay lại vốn nhanh nhất, một số NH đã hướng dẫn DN vay tiền "chợ đen" rồi làm thủ tục trả NH đúng kỳ hạn, sau đó mới có thể được NH cho vay lại. Đây là một trong những điều kiện "bất di, bất dịch". Đại diện một DN kinh doanh thiết bị công nghiệp ở Hà Nội cho biết, DN đã vay NH vài tỷ đồng, nay đến hạn trả. Mặc dù nằm trong diện được xét cơ cấu lại nợ, song vẫn được "bày cách" là vay tiền chỗ khác để trả rồi mới được vay lại. DN không biết phải "xoay" thế nào. Số tiền vay trước đã được đầu tư vào máy móc, nhà xưởng, nguyên vật liệu. Do nền kinh tế toàn cầu trì trệ, nhiều tháng liền DN chưa tìm được "đầu ra" cho nguồn hàng, lượng vốn lớn còn đọng lại. Hiện DN đã tìm được đối tác để giải phóng hàng, nhưng phải vài tháng sau mới thu được tiền. DN này đang đau đầu tìm vốn "đảo nợ" và nếu không tìm được giải pháp, chỉ còn cách vay "nặng lãi" từ "chợ đen". Ngay cả khi đến trình bày với NH để tìm cách "gỡ", DN chỉ được nghe hướng dẫn là nên đi vay tạm ở ngoài rồi mới làm lại thủ tục. Trên thực tế, mặc dù NHNN đã "mở cửa" cho các NH tái cơ cấu nợ cho DN, song hầu hết NH đều e ngại vì sợ rủi ro. Phải chăng, tái cơ cấu nợ bị biến tướng thành hình thức "đảo nợ"? DN vay tiền "chợ đen", ngoài việc phải chấp nhận mức lãi suất "cắt cổ", còn có nguy cơ phải đối mặt với rủi ro lớn nếu NH không cho vay lại. Mức lãi suất vay "chợ đen" hiện nay lên tới 50-60%/năm, tức là DN sẽ phải trả lãi suất ở mức 4-5%/tháng.

Cách NH yêu cầu DN "đảo nợ" như vậy đã tiếp tay cho vay "nặng lãi" hoạt động. Những "chợ đen" theo kiểu này quảng cáo bằng cách gửi tin nhắn hoặc thậm chí cho dán quảng cáo với nội dung cho vay tiền nhanh không cần thế chấp, thậm chí có nơi còn quảng bá với nội dung "cho vay đảo nợ". Tùy từng khoản vay, cũng như thỏa thuận với khách hàng mà lãi suất khác nhau, song không thấp hơn 50%/năm. DN sẽ có ngay khoản tiền yêu cầu, nhưng nếu không trả đúng thời hạn sẽ có nguy cơ mất trắng. Giám đốc một DN sản xuất nhựa ở Hà Nội cho hay, nếu NH không làm thủ tục cho vay lại đúng như đã hẹn thì coi như DN "rơi" vào cảnh phá sản. Bởi không có DN nào có thể chịu nổi mức lãi suất "chợ đen" hiện nay. Nếu tạo điều kiện cho tái cơ cấu nợ, DN sẽ không phải "lo đứng lo ngồi" với khoản vay để "đảo nợ". Vì lý do này, nhiều DN đã phải chấp nhận chịu "lãi phạt" của NH khi chậm trả nợ. Trước tình trạng này, đại diện một số NH lớn như BIDV, LienVietPostBank... đều khẳng định sẵn sàng cho tái cơ cấu nợ nếu DN có nguồn hàng bán ra để trả trong thời gian tới. DN bất động sản nếu dự án đã hoàn thiện, đang trong thời gian bán căn hộ sẽ được xem xét vay lại... Lãi suất cho vay đã "hạ nhiệt", DN đã dễ thở hơn, song để DN có thể tiếp tục tồn tại, ngoài sự nỗ lực của DN, rất cần có sự chia sẻ từ phía NH và sự giúp đỡ của các ngành chức năng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dùng tín dụng đen “đảo nợ” ngân hàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.