Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ai gây ra tình trạng “vàng hóa” và “đô la hóa” nền kinh tế?

Nguyễn Hoài Bắc| 10/11/2012 06:56

(HNM) - Những năm gần đây, tại Việt Nam có hai vấn đề nổi cộm và gây ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế, từ vĩ mô đến vi mô. Nền kinh tế thị trường thường bị chi phối bởi dòng ngoại tệ mạnh ( hiện nay là đô la Mỹ) và kim loại quý (cụ thể là vàng).


Chính sách điều phối, quản lý vàng và ngoại tệ được Chính phủ giao trọng trách cho Ngân hàng Nhà nước, với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, nhằm tham mưu cho Chính phủ có các giải pháp và đối pháp bình ổn thị trường trong nước trên nguyên tắc bảo vệ giá trị của đồng tiền Việt Nam và phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, mong muốn của Chính phủ chưa đạt được, bởi bộ phận tham mưu đang… có vấn đề!

Vàng là một kim loại quý chi phối nền kinh tế thị trường. Ảnh: Trí Minh


Để khẳng định được thế mạnh của đồng nội tệ (Việt Nam đồng), buộc phải luôn minh bạch và rõ ràng trong ngân khố quốc gia có bao nhiêu dự trữ ngoại tệ mạnh, vàng và sức mạnh của các ngành kinh tế. Theo các thông tin trên truyền thông đại chúng thì Việt Nam hiện nay ngoài ngoại tệ mạnh cần có khoảng 450 tấn vàng - tương đương trên dưới 20 tỷ đô la Mỹ (tuy nhiên, số vàng này khó kiểm chứng vì khó biết trong dân cất giữ là bao nhiêu). Các quốc gia có đồng nội tệ mạnh luôn được bảo chứng bằng vào sự công khai và minh bạch số vàng dự trữ, bằng sự lớn mạnh của các ngành kinh tế. Chẳng hạn như Hoa Kỳ, trong ngân khố có hơn 8.133,5 tấn vàng, gấp đôi nước Đức và gấp 8 lần Trung Quốc, nên dù bất cứ tình huống kinh tế nào xảy ra trên thế giới thì đồng đô la Mỹ vẫn bảo đảm giá trị của nó.

Thời gian vừa qua, trên truyền thông đại chúng, trong cộng đồng và trong cuộc sống đời thường của người dân luôn quan tâm đặc biệt đến những vấn đề nhạy cảm, nhưng có lẽ nhạy cảm nhất, sôi động nhất vẫn là chỉ số tiêu dùng, giá quy đổi từ Việt Nam đồng sang đô la Mỹ và giá vàng. Những vấn đề đó luôn được theo dõi hàng giờ, hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng… đến nỗi khi chỉ số tiêu dùng, tỷ giá đô la Mỹ và giá vàng tăng chậm dần đều và đôi khi tăng đột biến thì doanh nghiệp cũng như người dân cảm nhận được rằng cuộc sống khó khăn hơn. Tài sản mà nền kinh tế hay mỗi con người đang có (Việt Nam đồng, đô la Mỹ hoặc vàng) mỗi ngày lại thấy bị hao mòn đi thì có đáng lo không? Đặc biệt, gần đây thị trường vàng cứ giật cục, bát nháo thật giả lẫn lộn, giá cả tăng, chênh lệch giá thì ba bè bảy mối, thì cái sự hao hụt giá trị tài sản của đất nước và người dân càng tăng thêm. Nỗi lo lắng của những người làm chủ gia đình, làm chủ doanh nghiệp lại dày thêm khi sản phẩm không làm thêm ra, đồng lương dù có được tăng nhưng không bù được trượt giá và lạm phát.

Câu hỏi đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước là: Tại sao Việt Nam là một quốc gia có nền chính trị được đánh giá là ổn định nhất trong khu vực và thế giới, mà thực trạng kinh tế, cụ thể là thị trường vàng và ngoại tệ, lại trồi sụt bất thường như vậy?

Vấn đề cốt lõi chúng ta phải bàn đến là chính sách điều hành dòng tiền và vàng đang luân chuyển trong thị trường, mà Ngân hàng Nhà nước là người chịu trách nhiệm chính. Sau những nỗ lực không ngừng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc xóa bỏ chế độ bao cấp tạo ra một thị trường có cung có cầu (trừ những mặt hàng bị pháp luật cấm kinh doanh đại trà) trong đó có thị trường vàng, kinh tế đất nước đã phát triển mạnh. Với tư duy của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, mỗi gia đình đều cố gắng tằn tiện chút ít tiền để mua dăm ba chỉ vàng phòng thân, dự trữ cho tuổi già và hồi môn cho con cháu. Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn nhất quán về chủ trương, chính sách quản lý và về kinh doanh, quản lý thị trường tiền tệ và vàng. Thế nhưng sự tham mưu chính sách của Ngân hàng Nhà nước, theo chúng tôi là phải hết sức nghiêm khắc xem xét lại.

Từ nhu cầu của xã hội và người dân, những năm trước đây Nhà nước đã mở thị trường vàng và từ đó các công ty vàng bạc đá quý ra đời, các cửa hàng mua bán vàng được thành lập theo quy định của pháp luật. Hàng loạt doanh nghiệp nhà nước, tư nhân bỏ rất nhiều tiền của đầu tư kinh doanh vàng. Người dân có quyền lựa chọn các thương hiệu, các cửa hàng mà họ tin tưởng. Chính vì kinh doanh cạnh tranh như vậy nên giá vàng bình ổn và diễn biến của thị trường không bị xáo trộn. Thế rồi Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng cổ phần thương mại được huy động vàng trong dân, biến đổi thành tiền để phục vụ cho phát triển kinh tế. Đây là một chính sách có thể nói là ban đầu có cảm tưởng như thúc đẩy nền kinh tế. Song, khi được "bật đèn xanh", các ngân hàng mạnh ai nấy làm dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh và giá vàng đi ngược lại với thị trường thế giới. Do giá vàng trồi sụt, cùng với nhiều yếu tố khác, đã đẩy đồng tiền Việt Nam vào chỗ mất giá và nguy hại hơn nữa là có dấu hiệu thị trường vàng "nổi loạn". Để ngăn chặn tình trạng này Ngân hàng Nhà nước lại đưa ra chính sách co cụm nhằm thu nhỏ thị trường vào tay một nhóm người, một nhóm công ty, để điều tiết thị trường. Nhưng "lợi bất cập hại", vì xử lý thị trường bằng tư duy thiếu nhất quán, bất ổn định đã làm cho cả xã hội chạy ngược chạy xuôi, chưa chống đỡ bên này xong lại phải lo chống đỡ bên kia.

Chưa hết, chính sách mới chưa ổn định thì Ngân hàng Nhà nước lại đưa ra chính sách nhà nước độc quyền kinh doanh vàng miếng, và lấy vàng SJC là thương hiệu vàng quốc gia, không cho các thương hiệu khác có đất sinh sống vì họ không được sản xuất vàng (nói "sản xuất vàng" có vẻ to tát nhưng thực tế là công ty vàng bạc đá quý chủ yếu là nhập vàng rồi nấu chảy đổ khuôn, đóng dấu và tiêu thụ trên thị trường nội địa là chính). Chính sách cho độc quyền vàng đã làm cho thị trường vàng bị đẩy lên cực điểm, gây bất lợi cho người tiêu dùng và nền kinh tế. Các ngân hàng bị nhà nước cấm huy động vàng nên bà con rút vàng đã gửi về, lúc này buộc các ngân hàng phải bơm tiền ra mua lại vàng để hoàn trả cho người gửi. Mà do Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải là vàng SJC nên giá chênh lệch mua về trả cho dân đã làm tăng thêm giá vàng thị truờng và các ngân hàng phải chịu thiệt hại về số tiền chênh lệch đó. Rồi do chính sách độc quyền vàng mà vàng nhái thương hiệu SJC, vàng kém chất lượng, bùng nổ trên thị trường. Đó là lý do khiến nhiều người đang mô tả thị trường vàng hiện nay (thời kỳ SJC) là "bát nháo, vàng thau lẫn lộn".

Trong khi đó, tại phiên họp Quốc hội ngày 31-10 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhận trách nhiệm trước Quốc hội bằng cách đưa công tác truyền thông của Ngân hàng Nhà nước ra "đánh đòn". Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói như sau: "Về nội dung quản lý thị trường vàng, tôi thay mặt Ngân hàng Nhà nước nhận trách nhiệm về việc không làm tốt công tác thông tin, truyền thông để phổ biến kịp thời về chủ trương, chính sách của Nhà nước trong quản lý thị trường vàng. Do vậy, còn có nhiều thông tin chưa đầy đủ và chính xác, gây nên những cái hiểu không đúng và bất ổn trên thị trường".

Theo lý giải của Thống đốc, có nghĩa là do người dân, các nhà đầu tư chưa hiểu đầy đủ và chính xác nên thị trường vàng mới bất ổn? Nếu thế thì cũng có mệnh đề là kinh tế khó khăn là do người dân và các nhà đầu tư không nắm kịp thời thông tin(?!). Cũng có nghĩa là bất ổn của nền kinh tế là do người tham gia hoạt động kinh tế(?!). Như vậy là chính sách quản lý của Ngân hàng Nhà nước là vô can! Thực tế là các nhà kinh doanh vàng, các ngân hàng và nhiều người dân quá hiểu chính sách. Vì dù bộ phận truyền thông của Ngân hàng Nhà nước có yếu kém thì với công nghệ thông tin và tốc độ lan nhanh của internet thì không ai lại đi ngồi chờ Ngân hàng Nhà nước làm truyền thông, để "được hiểu", rồi mới mua bán vàng.

Ở đây cần nhìn thấy rõ vấn đề: Chính sách quản lý, điều tiết thị trường tiền tệ và vàng của Ngân hàng Nhà nước không nhất quán, không ổn định mà thay đổi liên tục. Mà chính sách thay đổi liên tục thường là gây hại cho nền kinh tế, gây hại cho các nhà đầu tư dù nhỏ hay lớn, cũng như người dân. Việc Ngân hàng Nhà nước thay đổi chính sách liên tục như vậy nói lên điều gì? Phải chăng là Ngân hàng Nhà nước yếu kém về năng lực quản lý, điều hành? Ngân hàng Nhà nước thực hiện trách nhiệm không đến nơi đến chốn? Ngân hàng Nhà nước dung túng và bị lợi ích nhóm chi phối? Dù chưa có văn bản chính thức nào của các cơ quan chức năng có thẩm quyền kết luận như vậy, nhưng trên báo chí, các diễn đàn Quốc hội, Chính phủ đã có quá nhiều ý kiến.

Thị trường và người dân không tạo ra tình trạng "đô la hóa" và "vàng hóa" nền kinh tế. Chính chính sách điều hành lưu thông tiền tệ bất ổn, và chính những người được giao trọng trách đề ra chính sách cũng như thực thi nhiệm vụ do yếu kém về năng lực, thiếu trách nhiệm, thậm chí mang màu sắc của lợi ính nhóm, đã và đang gây ra tình trạng rất đáng lo ngại này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ai gây ra tình trạng “vàng hóa” và “đô la hóa” nền kinh tế?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.