Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sản phẩm dinh dưỡng công thức dành cho trẻ nhỏ: Bắt buộc phải kê khai giá

Đức Trung| 14/09/2013 07:36

(HNM) - Thời gian qua, dư luận có phản ứng gay gắt rằng, giá sữa liên tục tăng, nhất là sữa nhập ngoại là do Bộ Y tế đưa mặt hàng này ra khỏi nhóm


Trao đổi với Báo Hànộimới, ông Lê Văn Giang, Cục phó Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế đã khẳng định, sản phẩm dinh dưỡng công thức bản chất là sữa theo quy định tại Luật Giá. Cục và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã làm rõ bản chất sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi quy định tại Điểm h, Điều 15, Luật Giá số 11/2012/QH13 và thống nhất, các sản phẩm này đều phải thực hiện kê khai giá.

Người tiêu dùng đang phải mua sữa nhập khẩu với giá quá cao so với giá trị thực của sản phẩm. Ảnh: Bá Hoạt


Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Tài chính báo cáo gấp Thủ tướng Chính phủ về thông tin việc đưa mặt hàng sữa vào danh mục thực phẩm bổ sung làm cho giá sữa tăng cao. Bộ Y tế, Bộ Tài chính phải báo cáo về vấn đề này trước ngày 15-9-2013 để xem xét, xử lý.

- Thưa ông, hiện các sản phẩm sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi trước đây đều thay nhãn mác với tên gọi là sản phẩm dinh dưỡng công thức dành cho trẻ nhỏ. Xin ông giải thích rõ hơn về việc thay đổi này?

- Sữa bột và sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ dạng bột là hai loại khác nhau. Tôi xin giải thích ngắn gọn thế này: Sữa bột là sữa được chế biến bằng cách loại bỏ nước ra khỏi sữa hoặc thêm, bớt một số thành phần của sữa nhưng giữ nguyên thành phần, đặc tính của sản phẩm và không làm thay đổi tỷ lệ giữa whey protein và casein của sữa nguyên liệu ban đầu. Sản phẩm này không thể dùng cho trẻ nhỏ do hàm lượng protein quá cao (34%), tỷ lệ protein khó tiêu (casein) cao hơn nhiều lần so với protein dễ tiêu (whey), ngược với sữa mẹ. Sữa bột chỉ dùng làm nguyên liệu để chế biến ra các sản phẩm khác.

Còn sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ dạng bột mà người tiêu dùng vẫn hay gọi là sữa bột, chính là các sản phẩm dinh dưỡng công thức được chế biến từ thành phần chính là sữa bò hoặc sữa động vật khác hoặc hỗn hợp của chúng với các thành phần thích hợp khác. Các sản phẩm dinh dưỡng công thức thông thường có hàm lượng đạm khoảng 11-18%, không cao như trong sữa bột, có tỷ lệ đạm whey và đạm casein phù hợp với bộ máy tiêu hóa của trẻ và được bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng theo công thức bắt buộc nhất định đúng với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (gần 30 loại vitamin, khoáng chất, ví dụ: canxi, iốt, sắt, Vitamin A...) bảo đảm cho sự phát triển của trẻ nhỏ... Sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định tại Luật Giá bản chất là các sản phẩm dinh dưỡng công thức này.

Theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thì mọi hàng hóa khi lưu thông phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật (QCKT) tương ứng. Bộ Y tế đã ban hành các QCKT đối với sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 0 đến 36 tháng tuổi nên sản phẩm trước đây được gọi là sữa bột dành cho trẻ em nay được thay đổi là sản phẩm dinh dưỡng công thức dành cho trẻ. Đây là việc làm phù hợp với các QCKT quốc gia Việt Nam cũng như tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế (Codex) mà các nước thành viên của WTO phải tuân thủ. Sự thay đổi này hoàn toàn chỉ về tên gọi còn bản chất hàng hóa là không thay đổi. Trách nhiệm của doanh nghiệp là vẫn phải thực hiện kê khai giá với cơ quan chức năng theo quy định.

- Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp vẫn vin vào tên gọi của sản phẩm để không chịu sự quản lý về giá và đây đang được cho là nguyên nhân chính đẩy giá sữa liên tục tăng. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Kể từ ngày 1-1-2011 khi QCKT quốc gia về sữa có hiệu lực, các sản phẩm mới đổi tên cho đúng với bản chất sản phẩm đã được định nghĩa trong các QCKT quốc gia. Tuy nhiên, từ rất nhiều năm nay, kể cả trước và sau ngày 1-1-2011 (thời điểm phải điều chỉnh tên sản phẩm cho phù hợp) các sản phẩm sữa dạng bột và các sản phẩm dinh dưỡng công thức dành cho trẻ nhỏ (sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi) năm nào cũng vài lần tăng giá. Giá các sản phẩm này tăng là do nhiều nguyên nhân. Ví dụ như giá điện, nước, nhân công, vận chuyển, kho tàng bến bãi, giá nguyên liệu tăng, tỷ giá đô la thay đổi… Theo một số doanh nghiệp lớn trong ngành sữa của Việt Nam và đơn vị nhập khẩu thì giá sữa vẫn tăng từ trước nay chứ không phải tăng do có sự thay đổi về tên sản phẩm làm cho các sản phẩm này ra khỏi danh mục bình ổn giá.

- Vậy theo ông, cần có những giải pháp gì để vừa bảo đảm về quản lý an toàn thực phẩm, vừa quản lý được giá mặt hàng nhạy cảm này?

- Hiện các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm sữa và các sản phẩm có chứa sữa hay được chế biến từ sữa đang bắt buộc phải chấp hành các quy định của Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn liên quan, theo đó mọi hàng hóa khi lưu thông phải phù hợp với QCKT tương ứng.

Chúng tôi xin khẳng định đối với sản phẩm dinh dưỡng công thức dành cho trẻ nhỏ, mọi sản phẩm trước khi lưu thông trên thị trường phải tuân thủ một quy trình công bố sản phẩm chặt chẽ, kiểm tra nhập khẩu nghiêm ngặt, cùng với kiểm tra sau công bố, kiểm tra đột xuất theo quy định thì việc quản lý sản phẩm này cũng như các sản phẩm thực phẩm khác đang thực hiện rất tốt.

Về quản lý giá, cũng như danh mục bình ổn giá, các hàng hóa phải kê khai giá thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá). Các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp để Bộ Tài chính hoàn thành được nhiệm vụ quản lý giá của mình. Vừa qua Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng đã có buổi làm việc với Cục ATTP để làm rõ bản chất đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi quy định tại điểm h, Điều 15, Luật Giá số 11/2012/ QH13. Hai cơ quan căn cứ bản chất sản phẩm cùng thống nhất: Sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là các sản phẩm sữa và các sản phẩm có chứa sữa dùng cho trẻ dưới 6 tuổi với tên sản phẩm Dinh dưỡng công thức cho trẻ em (trong đó gồm cả các sản phẩm dạng bột hoặc dạng lỏng) đều phải thực hiện kê khai giá.

- Xin cảm ơn ông!

Người tiêu dùng đang chịu thiệt
* Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trung bình mỗi năm có 2-3 đợt tăng giá sữa. Giai đoạn 2007-2010, giá sữa tăng 16 lần. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, giá tăng 3 lần với mức tăng từ 5-14%. Lý do tăng giá được các hãng sữa đưa ra là: Giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí thay đổi kiểu dáng, mẫu mã, kèm theo việc giá xăng dầu, lương, chi phí quản lý đều tăng...

*Kết quả một cuộc điều tra về giá sữa gần đây cũng cho thấy, có một sự chênh lệch lớn giữa giá sữa nhập khẩu (NK) với giá bán lẻ. Một số sản phẩm của hãng sữa Abbott như: Similac Advance, Similac Go&Grow có giá bán lẻ phổ biến 540.000-560.000 đồng/hộp, chênh lệch 420-440.000 đồng/hộp so với giá NK. Sữa Dumex Gold bước 3 (loại 800g/hộp) giá NK có thuế: 117.000 đồng, giá bán lẻ 412.000 đồng, chênh lệch 295.000 đồng. Sữa Nan Pro số 1 (loại 800g/hộp) giá NK có thuế 89.600 đồng, giá bán lẻ 423.000 đồng, chênh lệch 333.400 đồng. Sữa Enfagrow A+ số 3 (loại 900g/hộp) giá NK có thuế 175.700 đồng, giá bán lẻ 445.000 đồng, chênh lệch 269.300 đồng… Thực tế này cho thấy, người tiêu dùng tại Việt Nam đang phải mua sữa NK với giá quá cao so với giá trị thực tế của sản phẩm họ đang sử dụng.

Hương Ly
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản phẩm dinh dưỡng công thức dành cho trẻ nhỏ: Bắt buộc phải kê khai giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.