Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng đầu tư để giảm lệ thuộc

Đặng Loan| 20/06/2014 06:58

(HNM) - Việc giảm phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ một thị trường chính không chỉ là giảm rủi ro trước mắt mà quan trọng là lợi ích lâu dài từ việc khai thác các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang đàm phán.


Đó là nhận định chung của các đại biểu dự tọa đàm "Làm gì để giảm bớt lệ thuộc vào nguồn cung nguyên phụ liệu từ Trung Quốc" do Hiệp hội Dệt may - Thêu - Đan và Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại May Sài Gòn (Garmex Saigon) tổ chức ngày 18-6 tại TP Hồ Chí Minh.

Khuyến khích đầu tư nước ngoài

Ngành dệt may Việt Nam đang phải nhập khẩu 60-70% nguyên phụ liệu từ thị trường Trung Quốc. Theo ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Garmex Saigon, nguyên phụ liệu dệt may của Trung Quốc được chọn vì lợi thế giá rẻ, mẫu mã đa dạng, phong phú và chi phí vận chuyển thấp hơn nhiều nước khác trong khu vực. Bên cạnh đó, việc mua hàng không chỉ từ bản thân doanh nghiệp (DN) Việt Nam mà còn từ sự chỉ định của khách hàng, nhất là với các DN may theo phương thức gia công thì nguyên phụ liệu do khách hàng cung cấp chỉ định hoặc cung cấp. Trong khi đó, Trung Quốc là "công xưởng" về ngành dệt may thế giới nên nhiều khách hàng cũng chọn nguyên phụ liệu của nước này. "Rất tiếc là hiện nay đa phần các DN may mặc có quy mô vừa và nhỏ đều chưa chuyển đổi sang phương thức mua nguyên liệu - bán thành phẩm (FOB) nên sự lệ thuộc còn lớn hơn", ông Hùng nói.

Cải thiện năng lực cung ứng nguyên phụ liệu cho ngành da giày, Nhà nước cần đẩy mạnh chính sách phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nhiều hơn nữa - Ảnh: T.V.N.



Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu - Đan TP Hồ Chí Minh, các DN không nên quá lo về việc không còn nguồn cung cấp, vì nếu Trung Quốc không bán cho các DN Việt Nam thì họ cũng bị thiệt hại là tồn kho. Điều quan tâm ở đây theo ông Hồng là khai thác lợi thế các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã và đang đàm phán như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… khi sử dụng nguyên phụ liệu trong khối ASEAN.

Để thoát khỏi sự lệ thuộc nguyên liệu, các DN đều cho rằng phải đầu tư vào ngành dệt nhuộm. Tuy nhiên, cũng theo các DN, thời điểm hiện tại rất ít DN trong nước có thể đầu tư vào nhà máy sợi, dệt, nhuộm vì vốn đầu tư rất lớn, phải hàng nghìn tỷ đồng và nhiều đòi hỏi khác về công nghệ, xử lý nước thải... Vì vậy, trước mắt nhà nước các DN đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này và có chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư.

Liệu sau khi đầu tư sản xuất thì Việt Nam có thể cạnh tranh nguyên phụ liệu giá rẻ với Trung Quốc hay không, ông Phạm Xuân Hồng cho rằng một số nguồn nguyên liệu giá thấp của Trung Quốc là do họ sản xuất số lượng hàng lớn, đã tiêu thụ và phần còn lại bán với giá thấp; còn nếu chúng ta đặt hàng theo khách hàng yêu cầu thì độ chênh lệch giá giữa Trung Quốc và Việt Nam không cao. Vậy nên nếu Việt Nam sản xuất sản lượng lớn thì giá thành sẽ hạ bằng Trung Quốc hay cao hơn một chút. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ được lợi thế hơn vì sẽ được hưởng những ưu đãi trong TPP về nguồn gốc xuất xứ.

Kiến nghị tăng ưu đãi

Theo ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, việc thoát phụ thuộc nguyên phụ liệu Trung Quốc vừa là vấn đề giải quyết trước mắt, vừa là lâu dài, cơ bản cho ngành dệt may Việt Nam. Ông Khoa cho biết, trước đây cơ hội đầu tư ngành dệt nhuộm ở TP Hồ Chí Minh gần như bằng không, tuy nhiên hiện thành phố đã tạo điều kiện hơn để tận dụng các ưu đãi trong TPP sắp tới. UBND thành phố vừa chấp thuận cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn đầu tư dự án khu công nghiệp chuyên sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt may có diện tích gần 80ha tại Nông trường Lê Minh Xuân (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) với tổng vốn đầu tư hạ tầng ban đầu trên 100 tỷ đồng.

Ông Khoa cho biết thêm, thành phố sẽ kiến nghị trung ương có thêm một số chính sách hỗ trợ đặc biệt để tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư ngành nguyên vật liệu dệt may. Theo đó, với DN đầu tư cơ sở hạ tầng, đề xuất ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm (hiện tại là 2 năm), giảm 50% trong 9 năm tiếp theo (hiện là 4 năm), miễn tiền thuê đất 20 năm (hiện là 11), và miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa trong nước chưa sản xuất được (hiện chưa có). Còn đối với DN thuê đất sản xuất trong khu công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu dệt may, đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm (hiện là 2 năm), giảm 50% 9 năm tiếp theo (hiện là 4 năm), miễn tiền thuê đất 11 năm và miễn thuế nhập khẩu với mặt hàng trong nước chưa sản xuất được (hiện chưa có).

Theo ông Lê Quang Hùng, "nút thắt" của ngành dệt, nhuộm chính là xử lý nước thải nên ngoài chính sách ưu đãi, quy hoạch sản xuất tập trung, thành phố cần đầu tư trung tâm xử lý nước thải tại khu/cụm công nghiệp, DN có thể đưa nước thải vào đây để xử lý và trả tiền. Nếu có chính sách này, chi phí xử lý sẽ giảm nhiều trong giá thành và giảm cả chi phí tiêu cực, thu hút đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng đầu tư để giảm lệ thuộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.