Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài toán đa mục tiêu

Ngọc Quỳnh| 26/01/2016 07:07

(HNM) - Sau một năm triển khai xây dựng chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn, một lượng lớn nông sản, thực phẩm


Nhiều chuyển biến tích cực

Theo tính toán, nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm của Hà Nội khá lớn, trung bình mỗi ngày khoảng 1.000 tấn thịt gia súc, gia cầm; 600 tấn cá; 3.200 tấn rau xanh… Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp của Hà Nội mới đáp ứng được 58% lượng thịt các loại, 70% nhu cầu về thủy sản, 90% trứng gia cầm, 25% sữa, 55% gạo tẻ, 65% rau củ tươi và 17% quả tươi… Số thực phẩm còn lại do các tỉnh, thành phố khác cung cấp cho Hà Nội chiếm 40-80%. Nông sản, thực phẩm đưa về Hà Nội bằng nhiều con đường thông qua các tổ chức, cá nhân ký kết tiêu thụ hoặc tự cung ứng tại các chợ đầu mối, một phần ở các siêu thị, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn thành phố...

Sản phẩm của các tỉnh miền núi phía Bắc được tiêu thụ tại Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền


Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội cho biết, sau một năm triển khai chương trình phối hợp chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố đã thu được những kết quả khả quan. Các địa phương đã chủ động trao đổi thông tin, thông báo dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ trong kiểm dịch động vật, thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, kịp thời thông báo các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, Hà Nội cũng ký kết với các tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Sơn La… trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, với năng lực sản xuất của tỉnh Hà Nam đáp ứng khoảng 50.000 tấn ngô/năm, xuất khẩu 200.000 tấn rau xanh/năm, 1.200 - 1.500 con lợn/ngày cung cấp cho thị trường Hà Nội. Việc liên kết tiêu thụ rau, củ, thịt với Hà Nội thực sự là cầu nối đưa người sản xuất với doanh nghiệp đến gần nhau hơn. Tuy vậy, số lượng bán không được nhiều so với thực tế sản xuất tại địa phương, nhiều lúc vào vụ thu hoạch chính, nông dân phải bán sản phẩm an toàn với giá thấp.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam cho biết, công ty có hệ thống siêu thị Fivimart đang liên kết chặt chẽ với nông dân ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố để cung cấp thực phẩm, nông sản an toàn cho thị trường Hà Nội. Song, một số sản phẩm nông nghiệp của các tỉnh tiêu thụ trong mô hình chuỗi chưa có nhãn hiệu, thông tin nhận diện hoặc một số sản phẩm cung cấp không được thường xuyên theo mùa vụ gây khó khăn cho việc kinh doanh của doanh nghiệp khi bán sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Ngoài ra, nông dân ở những vùng sản xuất an toàn chưa có thói quen ghi chép sổ sách nhật ký đồng ruộng nên khi có sự cố xảy ra không truy xuất được nguồn gốc xuất xứ.

Tăng cường mối liên kết

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, hiện duy nhất Hà Nội thành lập được Ban điều phối chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn giữa Hà Nội với các tỉnh. Dù còn những khó khăn nhưng việc liên kết chuỗi thực sự đã mở ra hướng cung cấp thực phẩm an toàn mới cho người tiêu dùng Thủ đô thông qua các doanh nghiệp và người sản xuất trực tiếp trao đổi ký kết hợp đồng với nhau, dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.

Để việc liên kết chuỗi rau, thịt an toàn giữa Hà Nội với các tỉnh triển khai tốt hơn nữa, thời gian tới, các bộ: NN&PTNT, Công thương, Y tế cần xem xét ban hành quy định về kiểm soát nguồn gốc xuất xứ rau, thịt một cách cụ thể để các địa phương thực hiện; có chế tài xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, sản phẩm kém chất lượng; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ vùng để tạo ra sự liên kết giữa các địa phương với nhau nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao.

Ông Chu Phú Mỹ cho biết thêm, do Hà Nội chỉ chủ động được một phần sản phẩm, còn lại phải nhập khẩu nên thành phố cần có chính sách hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố có sản phẩm tốt, chất lượng đưa vào Thủ đô. Ngược lại, các tỉnh, thành phố cần thường xuyên trao đổi thông tin về cơ chế, chính sách, sản phẩm đặc sản, an toàn của từng địa phương với Hà Nội nhằm tuyên truyền quảng bá, kêu gọi nhà đầu tư và định hướng cho người tiêu dùng. Ngoài ra, cần xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hỗ trợ cho người sản xuất về xây dựng nhãn hiệu, logo tem nhận diện sản phẩm an toàn. Hà Nội và các tỉnh cũng cần phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra, lấy mẫu giám sát chất lượng sản phẩm khi đưa về thành phố tiêu thụ, nếu phát hiện vi phạm phải có thông báo kịp thời cho các tỉnh để truy xuất nguồn gốc xuất xứ; phạt thật nặng những cơ sở làm ăn gian dối, có thể hủy hợp đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài toán đa mục tiêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.