Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trao danh hiệu “Làng nghề truyền thống” cho 5 làng nghề

Thanh Hiền| 23/02/2017 16:18

(HNMO) - Sáng 23-2, Ban Chỉ đạo phát triển Nghề và Làng nghề Thành phố đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác phát triển nghề và làng nghề Hà Nội năm 2016; triển khai kế hoạch phát triển nghề, làng nghề Hà Nội năm 2017. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chủ trì hội nghị.


Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Nhiều làng nghề vẫn giữ tốc độ phát triển tốt như sơn mài, khảm trai, điêu khắc gỗ, thuê, dệt lụa… Tại các làng nghề hiện có 2.063 công ty cổ phần, 4.562 công ty TNHH, 1.466 doanh nghiệp (DN), 195 HTX công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, 175.889 hộ sản xuất kinh doanh, thu hút 739.630 người lao động. Giá trị sản xuất của làng nghề năm 2016 đạt gần 14.000 tỷ đồng. Riêng những làng nghề có giá trị sản xuất cao như: làng nghề dệt kim La Phù (huyện Hoài Đức) đạt 810 tỷ đồng; làng nghề dệt, nhuộm thôn Ỷ La (quận Hà Đông) đạt 416 tỷ đồng… Thu nhập bình quân của người lao động ở làng nghề đạt khoảng 35 triệu đồng/năm. Một số huyện có làng nghề thu nhập bình quân đạt khá như: Gia Lâm, Đông Anh, Hà Đông... đạt từ 50 - 60 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, công tác phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố còn gặp không ít khó khăn. Phần lớn mặt bằng sản xuất chật hẹp, xưởng sản xuất chủ yếu được xây dựng tại gia đình, vừa sản xuất vừa làm nơi sinh hoạt nên nhiều cơ sở không thể đầu tư, đổi mới công nghệ và thiết bị để mở rộng sản xuất. Một số làng nghề có tiềm năng phát triển du lịch còn hạn chế về mặt bằng để xây dựng trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, bãi đỗ xe, khu vệ sinh. Việc thuê đất trong các cụm công nghiệp còn hạn chế do tiền thuê đất cao. Nguồn vốn đầu tư sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất làng nghề chủ yếu là vốn tự có. Hệ thống giao thông tại nhiều làng nghề còn chật hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa vừa làm tăng chi phí vận chuyển vừa ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa.

Bên cạnh đó, thiết bị công nghệ của nhiều làng nghề còn lạc hậu, năng suất thấp, giá thành sản xuất cao, chất lượng kém. Việc đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị và công nghệ tại các làng nghề rất khó khăn, hầu hết là máy móc công nghệ cũ, lạc hậu. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề đã đến mức nghiêm trọng như khí, bụi, tiếng ồn, nguồn nước, chất thải rắn... Việc xử lý ô nhiễm tại các làng nghề còn yếu kém do thiếu vốn và các hộ ở xen trong các khu dân cư chưa có quy hoạch đồng bộ.



Để thúc đẩy sự phát triển nghề và làng nghề, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu khẳng định, trong năm 2017, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật về nghề, làng nghề; tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị khoa học công nghệ cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm; tập trung đào tạo nghề, hỗ trợ đầu tư cho làng nghề từ ngân sách và nguồn xã hội hóa…

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu đề nghị các làng nghề tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, quân tâm bảo vệ môi trường; bố trí khu đất để giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề gắn với phát triển du lịch.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu đã trao Bằng công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống” cho 5 làng nghề gồm: Mộc mỹ nghệ Phúc Trạch (xã Thống Nhất, huyện Thường Tín); Mộc Phù Yên (xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ); Xôi Phú Thượng (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ); Cốm Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm); Hoa Tây Tựu (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trao danh hiệu “Làng nghề truyền thống” cho 5 làng nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.