Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng thương hiệu nông sản Hà Nội: Bước đi cụ thể

Nguyễn Mai| 03/03/2017 07:02

(HNM) - Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, vệ sinh an toàn thực phẩm...

Mô hình trồng cam đường tại xã Kim An (Thanh Oai).Ảnh: Thái Hiền


Giá trị kinh tế cao nhờ thương hiệu

Xã Kim An (Thanh Oai) nằm ven sông Đáy, trước đây nông dân chuyên trồng rau, cây màu. Khoảng 10 năm trở lại đây, Kim An chuyển mạnh sang trồng cây ăn quả, rau an toàn, tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế. Hiện toàn xã có 130ha trồng cây ăn quả chủ yếu là cây cam. Sản phẩm “Cam đường Kim An” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể; Tổ chức chứng nhận Các tiêu chuẩn quốc tế (NHO-QSCert) cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn VietGAP. Năm qua, sản lượng cam của xã Kim An đạt khoảng 17.500 tấn, đem lại nguồn thu nhập lớn cho nhân dân trong xã. Bí thư Đảng ủy xã Kim An Trần Văn Phấn cho biết, nhờ xây dựng thương hiệu, cây cam trồng trên đồng đất Kim An có giá trị cao, giúp hàng trăm hộ dân làm giàu.

Thực tế, huyện Thanh Oai đã xây dựng được nhiều vùng sản xuất tập trung, hiệu quả kinh tế cao như: Vùng trồng cây ăn quả 200ha; vùng rau an toàn 200ha; vùng nuôi trồng thủy sản 720ha; vùng chăn nuôi tập trung 47ha… Nhằm nâng cao giá trị hàng nông sản, huyện Thanh Oai đã xây dựng thành công một số thương hiệu như: Gạo Bồ Nâu, gạo thơm Bối Khê, cam Canh Cao Viên, cam đường Kim An, thịt lợn an toàn Hoàng Long - Tân Ước, trứng vịt Liên Châu. Hiện nay, huyện đang triển khai xây dựng thương hiệu: Giò chả, bánh chưng Tân Ước…

Tại huyện Đan Phượng, nhờ tích cực chuyển đổi, địa phương đã mở rộng được 345ha trồng bưởi tôm vàng. Bằng kinh nghiệm trồng chăm sóc kết hợp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chất lượng bưởi tôm vàng của Đan Phượng có nhiều ưu thế vượt trội: Vỏ vàng, cùi mỏng, múi to và đều, tép vàng, ráo nước, ngọt. Bưởi tôm vàng Đan Phượng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Tịnh: Từ khi có thương hiệu, việc tiêu thụ bưởi tôm vàng khá thuận lợi, nông dân bán được giá cao hơn, thương lái đến tận vườn đặt hàng trước khi thu hoạch từ 2 đến 3 tháng.

Xây dựng và duy trì thương hiệu

Tại buổi kiểm tra tiến độ Chương trình 02 của Thành ủy trên địa bàn huyện Thanh Oai vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 Ngô Thị Thanh Hằng đã giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với huyện Thanh Oai xây dựng một số nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa như: Miến, tương Cự Đà, ổi Kim An, giò chả - bánh chưng Tân Ước; giới thiệu quảng bá thương hiệu đã được công nhận giúp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân, qua đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là "bài toán" được các cấp, các ngành TP Hà Nội bàn đi tính lại nhiều năm nhằm nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản.

Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố vẫn chưa có nhiều nông sản có thương hiệu. Huyện Đan Phượng có nhiều mặt hàng như thịt lợn, thịt gà, chuối, bưởi, giò chả, đậu phụ, kẹo lạc… nhưng mới có duy nhất sản phẩm bưởi tôm vàng có thương hiệu. Hiện nay, huyện Đan Phượng đang chuẩn bị xây dựng thương hiệu thịt lợn chất lượng cao, an toàn Trung Châu A. Lý giải về thực trạng trên, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Tịnh cho rằng, do trước đây, các địa phương chưa nhận ra giá trị của việc xây dựng thương hiệu nên chưa có sự quan tâm đúng mức.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa cho biết: Xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản không khó. Cái khó ở đây là phải có hàng nông sản bảo đảm chất lượng đáp ứng được các tiêu chí theo quy định. Tuy nhiên, điểm yếu nhất của nông dân Hà Nội hiện nay là sản xuất trên diện tích manh mún, nhỏ lẻ, thiếu kiến thức về VietGAP. Do đó, cùng với tăng cường quản lý giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp, công tác tuyên truyền xây dựng thương hiệu đóng vai trò quan trọng để nâng cao vị thế hàng nông sản.

Xây dựng thương hiệu đã khó, duy trì, giữ vững thương hiệu càng khó hơn và đây là vấn đề đang đặt ra đối với các địa phương trên địa bàn thành phố hiện nay. Bí thư Đảng ủy xã Kim An Trần Văn Phấn cho hay: Chính quyền địa phương khuyến khích các hộ dân có điều kiện mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang phát triển cây ăn quả tập trung. Nghị quyết Đảng bộ xã Kim An xác định 2/3 diện tích đất nông nghiệp sẽ chuyển sang cây ăn quả với diện tích khoảng 170ha. Đây cũng là gợi mở cho nhiều địa phương khác trong xây dựng thương hiệu hàng nông sản nhằm mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần vào thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng thương hiệu nông sản Hà Nội: Bước đi cụ thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.