Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu liên kết, tiêu thụ nông sản gặp khó

Ngọc Quỳnh| 28/09/2017 07:00

(HNM) - Hiện nay, Hà Nội mới tự đáp ứng được khoảng 69% nhu cầu về thực phẩm (thịt gia súc, gia cầm, trứng, thủy sản) của người dân...


Cùng với bảo đảm truy xuất nguồn gốc thì sơ chế, bảo quản đúng tiêu chuẩn góp phần nâng cao giá trị nông sản. Ảnh: Bá Hoạt


"Tự sản tự tiêu", chất lượng thấp


Đến nay, Hà Nội đã hình thành được 60 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn. Thông qua việc xác nhận chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm, bước đầu đã hình thành điểm bán rau xanh, thịt gia súc, gia cầm được kiểm soát, giám sát thường xuyên. Thế nhưng, nông sản, thực phẩm an toàn do nông dân Hà Nội sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Sản phẩm chủ yếu bán qua các kênh truyền thống, chợ dân sinh; chỉ 20% được tiêu thụ thông qua siêu thị, bếp ăn tập thể, cửa hàng tiện ích.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ) cho biết: Địa phương có 50ha trồng rau an toàn, sản lượng từ 4 nghìn đến 5 nghìn tấn/năm, nhưng chỉ 30% tiêu thụ thông qua siêu thị, bếp ăn tập thể, số lượng còn lại, nông dân tự tìm nơi tiêu thụ. Nguyên nhân, một phần do người dân chưa tuân thủ đúng quy trình sản xuất và chưa chú trọng đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường.

“Có doanh nghiệp về địa phương đặt vấn đề ký kết bao tiêu toàn bộ sản lượng rau an toàn cho nông dân, nhưng yêu cầu phải đa dạng chủng loại. UBND xã đã giao cho Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Đa hướng dẫn người dân trồng xen canh các loại rau xanh để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, người dân “mạnh ai nấy làm”, trong khi một số hộ gia đình không muốn chuyển đổi cây trồng nên hợp đồng thỏa thuận giữa doanh nghiệp và nông dân bị phá vỡ” - ông Nguyễn Văn Mạnh cho biết thêm.

Nông dân và doanh nghiệp chính là “hai chân” của nền kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, việc liên kết giữa hai thành phần này chưa phối hợp nhịp nhàng với nhau. Việc tiêu thụ sữa bò trên địa bàn huyện Ba Vì là một ví dụ. Ông Chu Đức Dũng, ở xã Tản Lĩnh cho biết, hiện doanh nghiệp thu mua sữa của nông dân ở huyện Ba Vì với giá thấp, chỉ hơn 10 nghìn đồng/lít. Mặc dù ký hợp đồng với nông dân là trả tiền thu mua theo tháng, nhưng có thời điểm 4 tháng doanh nghiệp mới thanh toán cho người dân. Thậm chí, vào mùa đông, doanh nghiệp hạn chế thu mua, khiến nông dân phải mang đi bán lẻ với giá thấp cho cửa hàng sữa.
Vì sao sự "bắt tay" giữa nhà nông và doanh nghiệp thương mại còn chưa chặt? Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco cho biết, doanh nghiệp đã liên kết với nông dân các huyện: Thường Tín, Thanh Trì, Đông Anh… Tuy nhiên, sản phẩm nông dân sản xuất ra không đồng đều, vẫn còn tình trạng rau, củ, quả chất lượng không bảo đảm, nên đã chấm dứt hợp đồng ký kết tiêu thụ sản phẩm.

Liên kết để tránh rủi ro


Người dân mua hàng tại điểm bán thực phẩm an toàn có truy xuất nguồn gốc của huyện Thanh Trì. Ảnh: Bá Hoạt


Để nông sản có chỗ đứng trên thị trường, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc người nông dân Hà Nội phải thay đổi tư duy, phương pháp canh tác, tuân thủ theo quy trình sản xuất an toàn và nhu cầu thị trường; doanh nghiệp thực hiện thu mua nông sản theo đúng hợp đồng và hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật. Đây là mối liên kết xây dựng trên cơ sở chia sẻ rủi ro và lợi nhuận hợp lý mới tạo ra sự bền vững. Tuy nhiên, để làm được việc này cần có vai trò "nhạc trưởng" giám sát, điều tiết cả trong chỉ đạo, quy hoạch vùng sản xuất phù hợp và giám sát tiêu thụ sản phẩm. Ở đây, "nhạc trưởng" là chính quyền địa phương, nhất là vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng: Để lấp “lỗ hổng” trong chuỗi liên kết, các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, đáp ứng số lượng sản phẩm và đa dạng chủng loại nông sản. Trong đó, dựa trên tiềm năng của từng địa phương mà quy hoạch vùng nuôi, trồng các loại cây, con cho hợp lý, không để nông dân ồ ạt sản xuất.

Cũng theo ông Nguyễn Huy Đăng, chính quyền địa phương cần tích cực hơn nữa trong chỉ đạo các hợp tác xã tuyên truyền, vận động người dân thay đổi cách sản xuất từ tự phát sang theo nhu cầu của thị trường để nâng cao giá trị sản phẩm. Thông qua các hợp tác xã và doanh nghiệp, nông dân sẽ có thông tin về nhu cầu thị trường để tổ chức sản xuất phù hợp. Các hợp tác xã cũng là nơi giúp nông dân thương thảo và chấp hành đúng theo hợp đồng, duy trì mối liên kết bền vững với doanh nghiệp. Ngoài ra, khuyến khích các doanh nghiệp thu mua nông sản theo hợp đồng; đồng thời hỗ trợ giống, khoa học kỹ thuật để nông dân sản xuất đúng quy trình kỹ thuật.

Đồng quan điểm, ông Đào Ngọc Nam, Giám đốc Công ty An Việt - một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm sạch, cho rằng: Các sở, ngành sớm tham mưu để UBND thành phố xây dựng cơ chế hỗ trợ các cửa hàng, điểm bán thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố; đơn giản hóa thủ tục hành chính để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin về chính sách, thị trường, điều kiện hỗ trợ sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn...

Có thể nói, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đáp ứng tiêu chuẩn, nhu cầu thị trường là một trong những đòi hỏi tất yếu để nông sản tiêu thụ ổn định, việc liên kết sẽ từng bước hạn chế được rủi ro, thiệt hại cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu liên kết, tiêu thụ nông sản gặp khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.