Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dạy nghề phải gắn với thực tiễn

Nguyễn Mai| 17/11/2017 07:39

(HNM) - Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 12 đặt ra yêu cầu tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên đạt từ 90% trở lên. Nhằm bảo đảm thực hiện tiêu chí, các cấp, các ngành cần tháo gỡ kịp thời khó khăn, đặc biệt là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải gắn với thực tiễn, để chương trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao và thực chất hơn.

Đào tạo nghề thêu cho người lao động tại huyện Thường Tín (TP Hà Nội).


Bám sát với quy hoạch địa phương

Sau thành công của chương trình dồn điền, đổi thửa, cơ giới hóa và khoa học - kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, lao động trong nông nghiệp dôi dư rất cần được chuyển đổi nghề. Trong đó, việc đào tạo nghề trở nên đặc biệt quan trọng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Nông dân cần làm chủ khoa học - kỹ thuật, làm chủ máy móc để nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản. Nó càng có ý nghĩa hơn đối với nông dân ở các xã nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

Huyện Ba Vì có diện tích rộng, với 31 xã, trong đó nhiều xã thuộc vùng núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Những năm qua, thực hiện chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, Ba Vì đã bám vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đặc điểm tình hình từng xã để xây dựng chương trình đào tạo sát với nhu cầu thực tế. Theo Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung, huyện đã giao cho các hội, đoàn thể khảo sát nhu cầu học nghề của nhân dân. Theo đó, năm 2017, Ba Vì xây dựng kế hoạch tổ chức 50 lớp dạy nghề cho 1.750 lao động, trong đó có 40 lớp dạy nghề nông nghiệp và 10 lớp dạy nghề phi nông nghiệp.

Tại huyện Sóc Sơn, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đặng Đình Trung thông tin, những lớp dạy nghề nông nghiệp luôn được người dân đón đợi. Điều này xuất phát từ thực tiễn trong những năm qua, một số làng nghề gặp khó khăn, sản xuất bị thu hẹp, nhu cầu học nghề phi nông nghiệp không quá lớn. Trong các khu công nghiệp lại yêu cầu lao động có tay nghề cao, chuyên môn sâu, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn (thời gian học 3 tháng) khó đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Trong khi đó, Sóc Sơn là huyện có 70% số hộ dân làm nông nghiệp, dạy nghề gắn với xây dựng nông thôn mới là cách giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Năm 2017, huyện Sóc Sơn xây dựng kế hoạch mở 37 lớp dạy nghề cho 1.015 lao động với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Công tác dạy nghề tập trung vào các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, các xã đang phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới, các vùng sản xuất theo quy hoạch, như: Vùng rau hữu cơ, chăn nuôi gà đồi, trồng nấm…

Cần bảo đảm chất lượng dạy và học

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, năm 2017, thành phố xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho hơn 23.000 lao động, trong đó có hơn 13.000 người được hỗ trợ học nghề nông nghiệp và gần 10.000 lao động được hỗ trợ học nghề phi nông nghiệp. Tuy nhiên, do TP Hà Nội tập trung chấn chỉnh lại hoạt động dạy nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; yêu cầu các sở, ngành, địa phương thống kê, rà soát lại các ngành, nghề đào tạo, nên đến ngày 27-10-2017, UBND thành phố mới phê duyệt định mức chi phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đây là cơ sở để các địa phương thực hiện chương trình đào tạo nghề năm 2017, đồng thời là lý do dẫn đến chậm muộn trong triển khai kế hoạch dạy nghề tại các địa phương.

Mặc dù thời gian từ nay đến hết năm 2017 không còn nhiều, tuy vậy, ngay sau khi TP Hà Nội ban hành định mức chi phí đào tạo nghề, một số địa phương đã tích cực triển khai các bước để khai giảng lớp học nghề theo kế hoạch. Ông Đặng Đình Trung cho biết, huyện Sóc Sơn vừa đặt hàng các đơn vị đào tạo nghề để khai giảng 17 lớp vào trung tuần tháng 11-2017; dự kiến đến cuối tháng 11-2017, huyện sẽ khai giảng 12 lớp nghề tiếp theo…

Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến từ các huyện, thị xã băn khoăn về việc mở các lớp dạy nghề. Theo quy định, các lớp có thời gian học nghề 3 tháng, trong khi đó, thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, nếu tổ chức học nghề ngay sẽ phải “gối” sang năm 2018, gây khó khăn cho công tác thanh quyết toán vốn ngân sách. Vì vậy, các địa phương rất mong sở, ngành của thành phố sớm có hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện hiệu quả.

Mới đây, phát biểu tại Hội nghị giao ban quý III, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020", Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các sở, ngành và địa phương triển khai công tác dạy nghề cần coi trọng chất lượng dạy và học. Thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, không nên vì chạy theo tiến độ mà ảnh hưởng đến chất lượng công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dạy nghề phải gắn với thực tiễn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.