Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ khó việc tiêu thụ nông sản qua hợp tác xã

Ngọc Quỳnh| 26/02/2018 07:17

(HNM) - Thời gian qua, các địa phương đã đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản qua hợp tác xã để nâng cao hiệu quả cho khu vực kinh tế tập thể. Tuy nhiên, do chưa có chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, mức hỗ trợ còn thấp... nên hiệu quả của mô hình này chưa cao.


Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, toàn thành phố có 31 hợp tác xã nông nghiệp tại 15 huyện thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong vùng chuyên canh rau an toàn, khoai tây giống, lúa hàng hóa. Nhờ việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm mà doanh thu của một hợp tác xã đạt bình quân từ 250 đến 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho hơn 1.200 hộ thành viên, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động. Tuy nhiên, việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm qua hợp tác xã còn khó khăn.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Số hợp tác xã được hưởng chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm trong vùng sản xuất chuyên canh quy mô hàng hóa còn hạn chế (chỉ có 31/839 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 3,6%). Nguyên nhân chủ yếu là mức hỗ trợ còn thấp so với thực tế của hợp tác xã có nhu cầu đầu tư vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, để được hưởng chính sách hỗ trợ, các hợp tác xã phải được lựa chọn trong vùng quy hoạch sản xuất chuyên canh hoặc có hợp đồng liên kết sản xuất với doanh nghiệp, trong khi đó hầu hết hợp tác xã đều không có điều kiện này...

Thành phố hiện đã ban hành các chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, chính sách đó chủ yếu là hỗ trợ lãi suất vốn vay, sản xuất trong vùng chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao nên nhiều hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả, không có điều kiện tham gia liên kết sản xuất để được hưởng sự hỗ trợ...

Vì thế, trên địa bàn thành phố hiện mới chỉ một hợp tác xã được hưởng chính sách trong đầu tư sơ chế sản phẩm thủy sản, số còn lại hầu như chưa có điều kiện thực hiện. Sự hạn chế này bắt nguồn từ việc đầu tư vào lĩnh vực sơ chế, chế biến, bảo quản giống và nông sản đòi hỏi vốn lớn; các hợp tác xã khó tiếp cận vốn vay ngân hàng; nhiều hợp tác xã chưa xây dựng được dự án trình cấp thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở bảo đảm hồ sơ vay vốn để hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Để nâng cao hiệu quả trong thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hợp tác xã, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại cho rằng, các ngành chức năng cần tập trung tuyên truyền, vận động để hợp tác xã liên kết, hợp tác với nhau nhằm sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên kết “4 nhà”, hỗ trợ hợp tác xã tạo chuỗi liên kết khép kín từ cung cấp vật tư sản xuất đến sơ chế, chế biến sản phẩm và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp nhằm bảo đảm "đầu ra" ổn định...

Căn cứ tình hình thực tế, các hợp tác xã cần chủ động sáng tạo, có cách làm phù hợp từng vùng, miền, tạo hiệu quả rõ rệt, qua đó, thu hút người dân tham gia các khâu dịch vụ của hợp tác xã. Song song đó, cần nâng cao chất lượng dịch vụ, thực hiện quyền bình đẳng giữa các thành viên. Và để mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, các cấp chính quyền cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ; đồng thời, cần đầu tư giống, vật tư thiết bị, vốn vay để thúc đẩy sản xuất kinh doanh...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó việc tiêu thụ nông sản qua hợp tác xã

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.