Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực: Gia tăng hàm lượng chất xám

Thanh Hiền| 01/03/2018 07:09

(HNM) - Với mục tiêu đến năm 2020 trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của cả nước - thành phố có nền công nghiệp hiện đại, đầu tàu kinh tế của khu vực phía Bắc - thì yêu cầu gia tăng hàm lượng chất xám cho sản phẩm công nghiệp chủ lực Thủ đô vẫn là vấn đề quan trọng, có ý nghĩa thời sự.

Công nghiệp điện tử là lĩnh vực mũi nhọn được TP Hà Nội khuyến khích phát triển. Ảnh: bá hoạt


Hiệu quả khiêm tốn


Năm 2005, TP Hà Nội đã xây dựng "Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực" nhằm tập trung hình thành các ngành Công nghiệp có lợi thế trên địa bàn, sử dụng công nghệ hiện đại, ít gây ô nhiễm môi trường. Đánh giá về chương trình này, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết: Chương trình đã tôn vinh, khuyến khích và động viên doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận, qua đó mang lại những hiệu ứng tốt cần tiếp tục phát huy.

Đóng góp vào kết quả chung của toàn ngành Công nghiệp Hà Nội ở cả ý nghĩa hạt nhân phát triển và giá trị sản xuất không thể không nhắc đến những thương hiệu nổi bật, như khóa Việt - Tiệp, đồ gia dụng Sunhouse, máy biến áp EEMC Đông Anh, sản phẩm thời trang May 10, dệt 10/10, quạt điện Thống Nhất,… Phần lớn sản phẩm công nghiệp chủ lực nói trên đã phục vụ nhu cầu thị trường trong nước, thay thế hàng nhập khẩu, thậm chí xuất khẩu sang một số thị trường khó tính. Tính đến nay, Hà Nội đã có 59 sản phẩm của 46 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Tuy nhiên, thành phố vẫn chưa tìm được sản phẩm công nghiệp chủ lực của kinh tế tri thức. Việc xét chọn doanh nghiệp, sản phẩm để đưa vào chương trình chủ yếu dựa vào doanh thu, sản lượng... Các chính sách hỗ trợ cũng mới chỉ đạt hiệu quả khiêm tốn, chưa đồng bộ, kiến tạo, đủ mạnh để thúc đẩy phát triển thêm nhiều sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm công nghiệp chủ lực, nhằm nâng tầm sản phẩm - doanh nghiệp công nghiệp chủ lực của thành phố.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng: Sự phát triển của các doanh nghiệp công nghiệp mũi nhọn còn mang tính tự phát, chưa có định hướng rõ ràng, chi phí sản xuất cao, giá trị gia tăng sản phẩm thấp… Trong khi đó, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào công nghiệp Hà Nội chưa hấp dẫn so với một số địa phương khác trong cả nước, thiếu cơ chế khuyến khích công nghiệp mang tính đặc thù của Thủ đô...

Ông Lương Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp chia sẻ: Các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực thực sự là những đơn vị nòng cốt của ngành Công nghiệp Thủ đô, luôn chú trọng đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm để hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, những hỗ trợ của thành phố dành cho doanh nghiệp trong các khâu sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng kinh doanh, đưa sản phẩm ra thị trường… chưa đáp ứng yêu cầu.

Một thực tế đáng quan tâm là với vị trí trung tâm khoa học kỹ thuật lớn của đất nước, nhưng việc có ít và quy mô còn nhỏ của những sản phẩm công nghiệp Thủ đô mang dấu ấn kinh tế tri thức cho thấy sự cấp thiết phải đẩy mạnh khai thác những lợi thế của thành phố trong đẩy mạnh phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Tập trung cho sản phẩm có giá trị gia tăng cao

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH NOBLE (Khu công nghệ cao Hòa Lạc). Ảnh: Linh Ngọc


Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016-2020”, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 496/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố đến năm 2020, định hướng tới năm 2025.

Mục tiêu hướng đến là phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực gắn với thực hiện có hiệu quả quy hoạch, định hướng tái cấu trúc công nghiệp Thủ đô. Trong đó, thành phố sẽ tập trung phát triển một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường như công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo khuôn mẫu, công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí chính xác, dụng cụ y tế, công nghiệp dược, thời trang cao cấp…

Để đạt mục tiêu trên, thành phố đã xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực của doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực được công nhận và doanh nghiệp đã tham gia xét chọn cần tiếp tục được hướng dẫn, hỗ trợ, bồi dưỡng để đáp ứng tiêu chuẩn sản phẩm...

Hà Nội cũng nghiên cứu, xây dựng khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các vườn ươm doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và các cơ chế, chính sách hỗ trợ của thành phố để thúc đẩy phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói chung và phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng; tăng cường quảng bá về các sản phẩm công nghiệp chủ lực và doanh nghiệp sản phẩm công nghiệp chủ lực, cung cấp rộng rãi cho các nhà sản xuất, phân phối thông qua các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại của quốc gia và thành phố…

Đồng thời, thành phố tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, hệ thống quản lý, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực; tiếp tục triển khai nhóm giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong tất cả các ngành, đặc biệt là lĩnh vực thuế, hải quan... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Theo đại diện Tập đoàn Sun House, chương trình cần lựa chọn một cách có chọn lọc với những chiến lược cụ thể, phối hợp hiệu quả với doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực; thật sự trở thành đầu mối trung gian kết nối các doanh nghiệp với nhau và kết nối doanh nghiệp với các viện nghiên cứu để đưa ra thị trường những sản phẩm mới, có hàm lượng chất xám nhiều hơn, chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao hơn.

Hơn bao giờ hết, thực tế cho thấy Đề án “Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng tới năm 2025” là hết sức cần thiết, tạo sự đồng bộ trong chỉ đạo và cũng là công cụ để quản lý, điều hành, thực hiện định hướng phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực với hiệu quả ở mức cao hơn, với sự lan tỏa sâu rộng hơn nữa.

Từ đó, ngành Công nghiệp Thủ đô có thêm nhiều sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, trước hết là ở những mũi nhọn như công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí chính xác... góp phần thúc đẩy kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh, bền vững.

TP Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có hơn 80 sản phẩm công nghiệp chủ lực; doanh thu sản xuất của các sản phẩm chiếm tỷ trọng 33-35% doanh thu sản xuất công nghiệp trên địa bàn; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2018-2020 đạt 9-10%; kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng 12-14% tổng kim ngạch xuất khẩu... Đến năm 2025, có trên 120 sản phẩm các loại được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực. Doanh thu sản xuất công nghiệp của các sản phẩm này chiếm tỷ trọng 45-50% doanh thu sản xuất công nghiệp trên địa bàn...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực: Gia tăng hàm lượng chất xám

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.