Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh doanh khách sạn ở Việt Nam đang có nhiều lợi thế

Tuệ Diễm| 09/05/2018 14:57

(HNMO) - Ngày 9-5, tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Khách sạn Việt Nam đã tổ chức hội nghị đầu tư và kinh doanh khách sạn tại Việt Nam.

Một dự án Condotels ở Nha Trang.


Hội nghị tập trung phân tích những xu hướng kinh doanh khách sạn và ưu thế hiện nay ở Việt Nam, so sánh hiệu quả kinh doanh với các nước Đông Nam Á. 

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, ngành nghề kinh doanh khách sạn đang chiếm lợi thế và phát triển vượt bậc. Tính đến hết năm 2017, tổng cơ sở lưu trú du lịch trong cả nước là 25.600 cơ sở, với 508.000 buồng, tăng 22% so với năm 2016. Tổng doanh thu từ dịch vụ lưu trú ước đạt 150.000 tỷ đồng.

Trong đó xếp hạng 5 sao có 120 cơ sở lưu trú với gần 35.000 buồng, 262 cơ sở lưu trú hạng 4 sao với 34.000 buồng, hạng 3 sao có 488 cơ sở. Công suất phòng bình quân ước đạt 57%, trong đó hạng 5 sao đạt 85%, 3 sao và 4 sao đạt mức 75%, hạng 1 và 2 sao đạt 55%. Khách du lịch lưu trú từ các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nga, Tây Âu, Mỹ, Australia... chiếm 20% trong tổng số khách lưu trú tại cơ sở.

Thị trường kinh doanh dịch vụ lưu trú ở Việt Nam trong năm 2018 trở nên đa dạng hơn, bắt kịp các xu hướng thế giới. Khu bất động sản phức hợp ra đời như khách sạn kết hợp trung tâm thương mại, khách sạn kết hợp căn hộ, khách sạn kết hợp khu vui chơi giải trí. Đặc biệt, năm 2018 là sự phát triển mạnh mẽ của các dự án Condotels - căn hộ du lịch được đầu tư nhiều ở Nha Trang, Đà Nẵng. Địa điểm đầu tư cơ sở lưu trú du lịch ở Việt Nam tập trung vào các vùng trọng điểm như Phú Quốc, Phan Thiết, Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long.

Trong năm 2018, ngành kinh doanh khách sạn ở Việt Nam tiếp tục được phát triển khi có nhiều lợi thế. Nhiều tập đoàn tiếp tục đầu tư dự án xây dựng cơ sở lưu trú du lịch như: Vingroup, Sungroup, FLC, Mường Thanh, Empire.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh doanh khách sạn ở Việt Nam đang có nhiều lợi thế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.