Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn ngừa "chiêu trò" lừa đảo bùng phát trở lại

Thanh Hiền| 22/05/2018 06:59

(HNM) - Sau thời gian rà soát hoạt động bán hàng đa cấp, một số doanh nghiệp vi phạm đã bị tước giấy phép, hoặc tự xin chấm dứt hoạt động...

Công ty cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam đã bị Cục Quản lý cạnh tranh thu hồi giấy phép bán hàng đa cấp.


Tước giấy phép kinh doanh

Trước những diễn biến phức tạp của hoạt động bán hàng đa cấp, trong năm 2017 Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát việc tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo cho người tham gia bán hàng đa cấp… Sau thời gian rà soát, một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp vi phạm đã bị tước giấy phép, hoặc tự xin chấm dứt hoạt động.

Qua kiểm tra, Sở Công Thương Hà Nội đã xử phạt hành chính 18 doanh nghiệp với số tiền 1,6 tỷ đồng. Ngoài ra, Cục Thuế TP Hà Nội đã kiểm tra, truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính một doanh nghiệp với số tiền 3,3 tỷ đồng, đưa Hà Nội trở thành địa phương đứng đầu cả nước trong việc xử phạt doanh nghiệp bán hàng đa cấp vi phạm. Với nỗ lực của các cơ quan chức năng và các địa phương, đến nay cả nước còn 31 doanh nghiệp đăng ký bán hàng đa cấp hoạt động. Riêng tại Hà Nội còn 27 doanh nghiệp đang hoạt động (giảm 29% so với cuối năm 2016).

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, mặt hàng kinh doanh theo phương thức đa cấp rất đa dạng từ thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đến đồ gia dụng... Trong đó, thực phẩm chức năng là mặt hàng có số lượng doanh nghiệp tham gia kinh doanh nhiều nhất, với trên 80% số doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh đa cấp. Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp tại Hà Nội đã có sự thay đổi: Giảm mạnh vào cuối năm 2016, lại tăng vào cuối năm 2017, với 99.327 người (tăng 10,3%). Có sự thay đổi này là do số lượng người tham gia bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Mỹ phẩm Thường Xuân tăng 2,5 lần (tương đương 23.375 người). Đáng chú ý, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp của công ty này năm 2017 đã chiếm tới 1/3 tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội.

Tăng cường giám sát

Mời càng nhiều người tham gia, nhà đầu tư càng có hoa hồng lớn trong kinh doanh tiền ảo đa cấp.


Mặc dù số lượng các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã giảm, song dấu hiệu vi phạm, lừa đảo và biến tướng trong hoạt động bán hàng đa cấp vẫn diễn ra phức tạp với nhiều hình thức tinh vi hơn. Các hành vi vi phạm phổ biến bị phát hiện và xử lý thời gian qua điển hình như quảng cáo đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng; doanh nghiệp, người bán hàng đa cấp tư vấn sai, không rõ ràng để người dân hiểu sai bản chất và tự nguyện thực hiện…

Trước thực trạng trên, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường thông tin, tuyên truyền về các dấu hiệu lừa đảo của doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đặc biệt là các doanh nghiệp bán hàng đa cấp có số lượng người tham gia năm 2017 tăng đột biến so với năm 2016, tránh để xảy ra việc hoạt động bán hàng với các "chiêu trò" nhằm lừa đảo người dân bùng phát trở lại.

Để hoàn thiện hơn khuôn khổ pháp lý về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12-3-2018 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp thay thế cho Nghị định số 42/2014/NĐ-CP. Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) Trịnh Anh Tuấn cho biết, Nghị định số 40/2018/NĐ-CP giúp các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, kiểm soát và quản lý hiệu quả hơn đối với những doanh nghiệp lợi dụng bán hàng đa cấp để lừa đảo người tiêu dùng. Cụ thể, để được đăng ký hoạt động, doanh nghiệp phải có 10 tỷ đồng ký quỹ tại ngân hàng thay vì 5 tỷ đồng như trước.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải có hệ thống công nghệ thông tin vận hành trên máy chủ đặt tại Việt Nam, có trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không được phép cho ký gửi hàng hóa, buộc các bên phải giao nhận hàng hóa sau khi thanh toán, xuất hóa đơn theo từng giao dịch bán hàng. Để kiểm soát chặt chẽ hơn, nghị định quy định rõ mọi giao dịch chi trả hoa hồng, tiền thưởng, khuyến mãi và lợi ích kinh tế khác bằng tiền cho người tham gia bán hàng đa cấp đều phải thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Đặc biệt, các cơ quan quản lý tại địa phương có quyền thu hồi xác nhận đăng ký hoạt động của doanh nghiệp tại địa phương đối với một số trường hợp theo quy định.

Hy vọng nghị định mới sẽ là công cụ hữu hiệu giúp các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát tốt hơn nữa về mặt pháp luật liên quan tới quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng vẫn cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động này ngay từ địa phương, tránh tình trạng doanh nghiệp tìm cách lách luật. Về phía người tham gia bán hàng, không nên chạy theo lợi nhuận mà giới thiệu không rõ ràng, minh bạch để thu lợi; đồng thời, cần chủ động tìm hiểu rõ các quyền lợi, trách nhiệm trước khi tham gia bán hàng đa cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn ngừa "chiêu trò" lừa đảo bùng phát trở lại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.