Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục hướng đi bền vững cho “tam nông”

Nguyễn Mai| 08/09/2018 06:25

(HNM) - Sáng 7-9, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn...


Chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định: Nghị quyết Trung ương 7, khóa X là chủ trương đúng đắn, kịp thời và hợp lòng dân. Điều này được thể hiện rõ nét trong những kết quả lớn về “tam nông” đạt được trong 10 năm qua.

Nông nghiệp, trong 10 năm qua, luôn duy trì tăng trưởng (mặc dù chưa đạt mục tiêu đề ra) và phát triển khá toàn diện, tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng trong nền kinh tế. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới. Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008-2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm; riêng năm 2017, đạt 36,52 tỷ USD, tăng 20,05 tỷ so với năm 2008. Dự kiến năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 40 tỷ USD. Điều này cho thấy, nông nghiệp Việt Nam tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ.

Đến hết năm 2017, cả nước có 11.668 hợp tác xã nông nghiệp (gấp gần 2 lần năm 2008). Đặc biệt, số doanh nghiệp nông nghiệp tăng từ 2.397 doanh nghiệp năm 2007 (chiếm 1,61% doanh nghiệp cả nước) lên 7.033 doanh nghiệp năm 2017 (tăng 2,93 lần), với số vốn 213.394,9 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp đã trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Sau hơn 8 năm (2010-2018), chương trình xây dựng nông thôn mới có sức lan tỏa cao, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới. Tính đến nay, cả nước đã có 3.478 xã (38,98%) đạt chuẩn nông thôn mới; có 53 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn - hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tham luận tại hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết: Hà Nội đã triển khai nghị quyết này có trọng tâm, trọng điểm, bước đi cụ thể. “Hà Nội đã đi đầu trong dồn điền, đổi thửa, đưa công nghệ vào sản xuất. Đến nay, thành phố đã có 123 mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Trong xây dựng nông thôn mới, thành phố có 4 huyện (chiếm 22,2%) và 294 xã (chiếm hơn 76,1%) tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đã tăng từ 8 triệu lên 43,5 triệu đồng/người/năm (gấp 5,4 lần)” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Phùng Hoan, sau 10 năm triển khai, tỉnh Nam Định đã có 97% xã và 8/10 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, 5 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận). Là tỉnh ven biển, không nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp nên Nam Định đẩy mạnh ngành nghề, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn. Toàn tỉnh có 4.500 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tăng 2.800 doanh nghiệp so với năm 2008; thu nhập bình quân tăng 3,5 lần so với năm 2008; khoảng cách giàu và nghèo, thành thị và nông thôn được thu hẹp hơn...

Nhận diện thách thức

Tuy vậy, một số chuyên gia chỉ ra rằng, định vị ngành Nông nghiệp còn chưa hợp lý. Trong khi các quốc gia như Hà Lan, Israel... không giàu tài nguyên nhưng nông nghiệp vẫn rất phát triển, thậm chí giàu có nhờ nông nghiệp, thì Việt Nam - vốn là nước nông nghiệp nhưng lĩnh vực này vẫn có nhiều vấn đề: Không ít nông dân vẫn “cô đơn” trên đồng ruộng. Và mặc dù có sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân nhưng mô hình liên kết thế nào vẫn cần bàn bạc và tìm hướng, bởi hiện nay chưa hiệu quả...

Từ góc độ cơ sở, ông Lê Văn Việt - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại thủy sản Xuyên Việt (Hải Dương) cho biết: Vướng mắc lớn nhất của hợp tác xã và nông dân là chuẩn hóa đất đai, chuẩn hóa tài sản nằm trên đất. “Chuẩn hóa đất đai gặp vướng mắc. Mặc dù đầu tư hàng trăm tỷ đồng trên đất nhưng chúng tôi vẫn không có chứng nhận gì để có thể vay vốn ngân hàng” - ông Việt băn khoăn.

Đồng tình với những tham luận tại hội nghị, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho rằng, những khiếm khuyết đó do nông thôn phát triển chưa bền vững; xây dựng nông thôn mới còn thiếu tầm nhìn… Những vấn đề này cần tiếp tục làm rõ để có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Những kết quả đạt được là tiền đề rất tốt, kết hợp với hội nhập kinh tế quốc tế, tranh thủ tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển khu vực “tam nông”. Chúng ta cần tổ chức liên kết sản xuất giữa các hộ dân với các hợp tác xã thành vùng sản xuất lớn. Nếu không liên kết được thì sản xuất nông nghiệp sẽ không thể thành công. Hơn nữa, biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt cùng mặt trái của hội nhập kinh tế, nếu chúng ta không cố gắng, sẽ thua ngay trên “sân nhà”. Do đó, nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn cần được xác định có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, từ đó thống nhất nhận thức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội để ưu tiên nguồn lực.

“Bộ NN&PTNT sẽ kiến nghị Bộ Chính trị có Nghị quyết hoặc Kết luận và thông báo chỉ đạo về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X; Bộ Chính trị giao Ban Cán sự đảng Chính phủ xây dựng đề án tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2030; đồng thời, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế chính sách, nhất là chính sách về đất đai để tạo động lực mới cho tăng trưởng nông nghiệp và phát triển nông dân, nông thôn” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục hướng đi bền vững cho “tam nông”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.