Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xóa tình trạng “việc ai nấy làm”

Thanh Hiền| 12/09/2018 06:51

(HNM) - Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam càng trở nên cần thiết, quan trọng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, vẫn còn không ít đơn vị trên địa bàn thành phố hoạt động khá mờ nhạt, chưa hiệu quả. Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt kết quả cao hơn, Ban Chỉ đạo các cấp cần chủ động xây dựng các chương trình cụ thể, phù hợp với từng địa phương, tránh tình trạng “việc ai nấy làm”.

Một phiên chợ hàng Việt tổ chức tại huyện Thạch Thất. Ảnh: LINH NGỌC


Nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp

Từ đầu năm 2018 đến nay, Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội đã tích cực tuyên truyền tới người tiêu dùng qua nhiều hình thức; đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, không rõ nguồn gốc, an toàn thực phẩm. Các sở, ngành, đơn vị thành viên phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh nghiên cứu, giúp đỡ, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa; phối hợp với các tỉnh, thành phố liên kết giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm sạch, có uy tín chất lượng.

Đáng chú ý, theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động thành phố Nguyễn Anh Tuấn, các đơn vị đã chủ động phối hợp với chính quyền các cấp hỗ trợ doanh nghiệp tìm địa điểm bán hàng thuận lợi để nhân dân, người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm nhằm quảng bá, giới thiệu các chương trình bán hàng Việt trên địa bàn dân cư; đôn đốc việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương... Tiêu biểu phải kể đến quận Hoàng Mai tổ chức hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn quận; huyện Đông Anh triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể cho hai sản phẩm: Bún Mạch Tràng (xã Cổ Loa) và Quất cảnh Tàm Xá (xã Tàm Xá), tham mưu kế hoạch triển khai hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc hàng hóa sản phẩm; triển khai xây dựng một mô hình bảo tồn và một mô hình trình diễn (1.100 cây trám, cây mít) để bảo tồn và phát triển nguồn gen bản địa loài cây này tại Khu di tích Cổ Loa…

Đóng vai trò chủ đạo trong việc đưa hàng Việt Nam đến với người tiêu dùng, từ đầu năm nay, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu; tổ chức “Ngày hội sản phẩm, hàng hóa vì người tiêu dùng” với quy mô 60 gian hàng, đồng thời tổ chức Tuần lễ tri ân người tiêu dùng trong tháng 3-2018, tại 60 điểm thuộc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm, hàng hóa đạt chất lượng, có uy tín trên địa bàn thành phố; chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh, siêu thị tổ chức hưởng ứng bán hàng hóa trong Tháng công nhân (tháng 5) với giá ưu đãi cho người lao động và đoàn viên Công đoàn.

Tăng cường liên kết nhiều bên

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, việc triển khai cuộc vận động đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả ban, ngành, đoàn thể, nhưng thực tế mới chỉ thấy nỗ lực ở một vài đơn vị nên hiệu quả chưa cao. Thời gian qua, nhiều quận, huyện chưa tích cực tham gia tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện hỗ trợ mặt bằng để tổ chức các gian hàng, hội chợ hàng Việt Nam… Hiệu quả công tác tuyên truyền cuộc vận động đến các doanh nghiệp, nhà sản xuất chưa cao, nhiều doanh nghiệp chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin về cuộc vận động, nên chưa mang lại hiệu quả kinh tế hay quảng bá thương hiệu khi tham gia các chương trình này.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động Vũ Hồng Khanh đề nghị, các đơn vị thành viên, Ban Chỉ đạo các cấp cần phối hợp, thống nhất, bám sát chương trình của Ban Chỉ đạo và chủ động xây dựng các chương trình cụ thể, phù hợp với địa phương, tránh tình trạng “việc ai nấy làm”. Đồng thời, động viên, khuyến khích, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam hiệu quả, thuận lợi. Công tác tuyên truyền cần chủ động, đồng bộ hơn, đẩy mạnh tập trung giới thiệu những sản phẩm, thương hiệu có chất lượng; đẩy mạnh kết nối cung - cầu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, ngăn chặn vi phạm sở hữu trí tuệ và kiểm tra, giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, phòng chống buôn lậu, hàng cấm và gian lận thương mại…

Về phía doanh nghiệp, cần tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp bán lẻ với các nhà sản xuất trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước có giá cả cạnh tranh, bảo đảm đủ tiêu chuẩn chất lượng để thỏa mãn nhu cầu mua sắm tiêu dùng đa dạng và đòi hỏi chất lượng ngày càng cao của người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xóa tình trạng “việc ai nấy làm”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.