Theo dõi Báo Hànộimới trên

Buôn lậu, gian lận thương mại: “Nóng” từ những tháng đầu năm

Thanh Hiền| 12/03/2019 07:21

(HNM) - 1.373 vụ buôn lậu, gian lận thương mại đã bị lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện, bắt giữ sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Lực lượng chức năng thành phố Hà Nội bắt giữ hàng lậu.


Ngay từ những ngày đầu năm mới 2019, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã đồng loạt ra quân kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết… nhất là tại các khu vực diễn ra hoạt động lễ hội đầu năm.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 12 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra Công ty TNHH Kinh doanh thương mại tổng hợp Hà Linh (số 11A hẻm 358/25/60 Bùi Xương Trạch, quận Thanh Xuân) tạm giữ 2.050 bao thuốc lá điếu các loại, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 42,6 triệu đồng. Lực lượng chức năng đã chuyển cơ quan công an khởi tố vụ việc.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra cơ sở kinh doanh do ông Nguyễn Bá Tước là chủ hộ kinh doanh (tại lô 15, Khu đô thị Mễ Trì Hạ, quận Nam Từ Liêm), tạm giữ hơn 1.100 sản phẩm là thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc. Lực lượng chức năng đã phạt hành chính cơ sở này 116.500.000 đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa với tổng trị giá 183.227.000 đồng.

Cũng theo Đội Quản lý thị trường số 6, khi kiểm tra hoạt động kinh doanh thực phẩm của cơ sở Nam Phương (số 20 Khu đô thị Tân Tây Đô, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng) đã phát hiện 6.325,6kg thực phẩm đông lạnh như há cảo, bò viên, lườn ngỗng, chả mực… không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc. Cơ quan chức năng xác định, cơ sở này đã kinh doanh thực phẩm nhập lậu; sản xuất hàng hóa gắn nhãn giả... xử phạt 23,7 triệu đồng và tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.

Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội) Chu Xuân Kiên cho biết: “Trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là những hàng hóa có nhu cầu tiêu thụ lớn trong dịp lễ, Tết. Tăng cường phối hợp với ngành Y tế kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh rượu nhập khẩu, làng nghề sản xuất rượu thủ công truyền thống; kiểm soát chặt việc lưu thông hàng hóa, qua đó ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, lợi dụng việc vận chuyển khó khăn để tăng giá bất hợp lý. Trong tháng 2-2019, lực lượng chức năng đã xử lý 1.373 vụ việc liên quan đến hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại; khởi tố 15 vụ, với 18 đối tượng. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế và tiền bán hàng tịch thu... lên tới hơn 167,3 tỷ đồng”.

Tháng 3 là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội, nên tình hình buôn lậu, vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp. Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã yêu cầu các thành viên và các địa phương bám sát diễn biến thực tế, xác định rõ địa bàn, lĩnh vực, đối tượng và phương thức thủ đoạn hoạt động. Bên cạnh đó, chú trọng kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng có tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng; đặc biệt là nhóm hàng cấm, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… Lực lượng chức năng cũng sẽ triển khai kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng hàng hóa không bảo đảm an toàn tại các hội chợ hàng Việt, điểm du lịch, khu danh lam, thắng cảnh trên địa bàn và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm.

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh cho biết, nhằm góp phần ổn định thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kịp thời triển khai nhiều kế hoạch, phương án đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Qua đó đã kéo giảm tình trạng buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa trái phép, hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc và tình trạng gian lận thương mại... góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ doanh nghiệp chân chính cũng như người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Buôn lậu, gian lận thương mại: “Nóng” từ những tháng đầu năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.