Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xác lập mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Hồng Sơn - Lý Thanh Hương (TTXVN)| 20/03/2019 15:57

(HNMO) - Ngày 20-3, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Thế giới... phối hợp tổ chức hội thảo

Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Thế giới... phối hợp tổ chức hội thảo "Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045". 


Dự hội thảo có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng.


Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, hội thảo lần này rất có ý nghĩa, diễn ra trong bối cảnh chúng ta đang tích cực chuẩn bị văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trong đó, Chính phủ được giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2045 - hai mốc rất quan trọng, tròn 100 năm thành lập Đảng (2030) và 100 năm lập nước (2045).

Mô hình tăng trưởng và chuyển đổi hình thành rõ nét từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI cho tới nay. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, mô hình tăng trưởng đã được chuyển đổi từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển chiều rộng gắn với chiều sâu, theo đó mở rộng quy mô, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả mang tính bền vững; đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII được phát triển thêm, nhưng lấy phát triển chiều sâu là hướng chủ đạo và nâng cao tính bền vững, chú trọng cả số lượng và chất lượng.

Đến Hội nghị Trung ương 4 năm (khóa XII), Trung ương Đảng đã nhận diện cụ thể hơn về quan điểm mô hình tăng trưởng lấy hiệu quả làm thước đo năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời huy động phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực theo cơ chế thị trường, chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dần mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư và xuất khẩu. Theo đó, đầu tư xuất khẩu vào thị trường trong nước, chuyển dần gia tăng số lượng đầu vào sản xuất sang tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII), Trung ương Đảng chú trọng nội dung khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo như một đột phá chiến lược để thực hiện mô hình tăng trưởng này.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh hai thành tố, đó là phác thảo mô hình mong muốn và cái đích đạt được là gì. Mô hình tăng trưởng không phải tự nhiên mà có được, thể hiện trong quan điểm của Đảng hay các quan điểm lớn, các vấn đề chính sách lớn, định hướng lớn để đạt được mô hình tăng trưởng. Vì vậy, nói đến mô hình tăng trưởng là nói đến tái cơ cấu nền kinh tế. Hai thành tố này gắn rất chặt với nhau, khi chúng ta hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện, tái cơ cấu phát triển, lúc đó cần chú trọng đến yếu tố vĩ mô và các trọng tâm của tái cơ cấu.

Đánh giá khái quát tình hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2021-2030, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, trong 3 năm qua, chuyển đổi kinh tế cho thấy tín hiệu tích cực. Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế theo 3 trọng tâm đã đạt được một số kết quả khả quan. Số lượng doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa tăng mạnh, các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh việc thoái vốn khỏi ngành nghề không phải ngành nghề kinh doanh chính. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng giảm mạnh so với thời điểm trước khi có đề án tái cơ cấu kinh tế, lãi suất tương đối ổn định và các ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn, kinh doanh có lãi. Tỷ lệ đầu tư công trong tổng đầu tư toàn xã hội đã giảm, tỷ trọng đầu tư công vào các lĩnh vực khai khoáng sau khi tái cơ cấu cũng giảm so với trước tái cơ cấu, và ngược lại đầu tư công vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo có tỷ trọng tăng. Ba trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và tái cơ cấu đầu tư công đang đạt được những bước tiến tích cực.

Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh tới nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (2016): “Nhìn chung, mô hình tăng trưởng ở nước ta chậm được đổi mới, về cơ bản vẫn theo mô hình cũ; tăng trưởng vẫn dựa chủ yếu vào tăng đầu tư và tăng số lượng lao động, chưa dựa nhiều vào tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế”.

Chính vì vậy, trong giai đoạn tới, bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, nền kinh tế Việt Nam sẽ đứng trước các cơ hội và thách thức to lớn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đang lan vào từng ngóc ngách của các lĩnh vực kinh tế, xã hội và quản trị, vừa tạo ra những cơ hội vừa tạo nên những thách thức cho mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Tận dụng cơ hội và giảm thiểu thách thức như thế nào để thúc đẩy chuyển đổi môi hình tăng trưởng kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 là chủ đề lớn để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách cùng nhau xem xét và thảo luận, tìm ra những giải pháp chính sách cho giai đoạn mới...



Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cần định danh được mô hình tăng trưởng của Việt Nam sao cho dễ hiểu, phù hợp với thông lệ quốc tế. Hiện, Việt Nam đã là quốc gia có mức thu nhập trung bình và phấn đấu trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030; tiến tới nước có thu nhập cao vào năm 2045. 

Thời gian tới nền kinh tế sẽ tăng trưởng dựa vào năng suất lao động cao, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hiện đại, xác định đổi mới sáng tạo là động lực mới và là điểm tựa để đột phá... Trước mắt, cần tập trung tránh bẫy thu nhập trung bình, tận dụng cơ hội của thời kỳ dân số vàng, Cách mạng công nghiệp 4.0 và bảo đảm mức tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm liên tục trong giai đoạn 2021-2045; trong đó phải có sự chuyển biến mạnh ngay từ giai đoạn 2021-2030.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung đánh giá sâu về thực trạng nền kinh tế và mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn chiến lược vừa qua, nhận diện những xu thế thời đại, bối cảnh trong nước, quốc tế, đúc rút kinh nghiệm của các nền kinh tế thành công và không thành công, quá trình vượt bẫy thu nhập trung bình; từ đó đề xuất mô hình tăng trưởng kinh tế - phương thức đưa Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước có thu nhập cao trong hơn hai thập kỷ tới.

Đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, thể chế là yếu tố then chốt để vận hành mô hình kinh tế mới phát triển dựa trên ba trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường. Các cơ quan liên quan sẽ tiếp thu đầy đủ và làm sâu hơn các ý kiến góp ý, tận dụng sự đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế để hoàn thiện các giải pháp, định hướng lớn cho tương lai nền kinh tế đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xác lập mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.