Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng nhiều kịch bản để ứng phó với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Hồng Anh| 06/06/2019 11:19

(HNMO) - Sáng 6-6, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội về một số vấn đề thương mại được cử tri quan tâm.



GDP Việt Nam có thể giảm 6.000 tỷ đồng vì cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung đang ở trong giai đoạn quyết liệt. "Thái độ ứng xử, hành động của Việt Nam như thế nào cho phù hợp và hiệu quả?", đại biểu đặt câu hỏi.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là vấn đề không chỉ Việt Nam mà được nhiều nước quan tâm. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được đánh giá là một trong bốn "đám mây" bao phủ nền kinh tế thế giới. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế, nếu cuộc chiến này tiếp tục kéo dài thì tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm từ 3,5% xuống chỉ còn 3,2%, cung cầu thương mại tiếp tục bị ảnh hưởng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh


Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn nên bất cứ biến động nào của kinh tế thế giới cũng sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam. Ngay khi tình trạng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung xảy ra vào năm 2018, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá tình hình để kiến nghị chính sách. Về ngắn hạn, sự cạnh tranh hiện nay có thể giúp thúc đẩy một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và ảnh hưởng tới nguồn cung của một số mặt hàng xuất khẩu. Về dài hạn, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến GDP Việt Nam trong 5 năm tới giảm khoảng 6.000 tỷ đồng.

Để ứng phó với những tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Chính phủ đã xây dựng nhiều kịch bản, đề án để bảo đảm nền kinh tế tiếp tục phát triển, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm tỷ giá, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cải thiện môi trường đầu tư.

"Căng thẳng Mỹ-Trung cũng có thể sẽ mở ra xu hướng chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam nên cần phải chọn lọc các dự án đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, bảo đảm chất lượng đầu tư, chất lượng công nghệ và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, cần ngăn ngừa gian lận thương mại, cảnh giác với hiện tượng hàng hóa nước ngoài qua thị trường Việt Nam để tránh thuế vào các thị trường khác", Phó Thủ tướng lưu ý.

Hiệp định CTTPP đã bắt đầu phát huy tác dụng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đoàn Đồng Nai) về các giải pháp phát huy cơ hội và giải quyết vướng mắc khi triển khai FTA, nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CTTPP), Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, sau khi Hiệp định CTTPP có hiệu lực vào ngày 14-1-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực hiện, xác định nhiệm vụ và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động. Đến nay, 21 bộ, ngành, 54 địa phương đã ban hành kế hoạch hành động. Chính phủ cũng sửa đổi, bổ sung 8 luật có liên quan tới việc thực hiện CTTPP.


Theo Phó Thủ tướng, bước đầu thực hiện hiệp định cho thấy, kim ngạch thương mại của Việt Nam so với một số nước đã tăng lên. Trong 4 đến 5 tháng đầu năm nay, thương mại của Việt Nam với Canada tăng 7%, với Mexico tăng 8%, Nhật Bản tăng 4%... so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó cho thấy, Hiệp định CTTPP đã bắt đầu phát huy tác dụng, cần tận dụng để phát huy hoạt động xuất, nhập khẩu đối với các thị trường tham gia CTTPP.

Về thách thức, đây là hiệp định tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, quy định chặt chẽ về xuất xứ hàng hóa nên Việt Nam có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng gian lận từ hàng hóa nước ngoài và có rủi ro xảy ra tranh chấp về đầu tư.

Để đối phó với những thách thức này, Phó Thủ tướng đề xuất giải pháp bao gồm: Hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao hiệu quả tuyên truyền các cam kết của Việt Nam để doanh nghiệp hiểu rõ cơ hội và thách thức, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nhiều kịch bản để ứng phó với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.