Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động kiềm chế lạm phát

Hồng Sơn| 14/06/2019 08:06

(HNM) - Tình hình kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ đầu năm 2019 đến nay nhìn chung được đánh giá là chủ động, hiệu quả với CPI trung bình 5 tháng tăng 2,74% so với cùng kỳ năm 2018 - mức khá thấp.

Đánh giá của Tổng cục Thống kê cho thấy, nhìn chung CPI của hầu hết các nhóm hàng chỉ tăng ở mức thấp, hoặc giảm như bưu chính - viễn thông, thuốc và dịch vụ y tế.



Trên thực tế, CPI tháng 5 đã tăng 0,49% so với tháng trước, chủ yếu do tăng giá xăng dầu và giá điện. Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng hoặc giảm xen kẽ, tùy theo sự tăng - giảm tương ứng trên thị trường thế giới. Tuy vậy, vấn đề đặt ra là, nếu giá xăng dầu thế giới tăng sẽ gây bất lợi và tạo ra sức ép, làm tăng giá xăng dầu trong nước. Bởi hiện Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang trong tình trạng “âm” - tức là không còn khả năng bù giá nữa.

Bên cạnh đó, việc tăng giá điện cũng ảnh hưởng đến CPI từ nay đến cuối năm. Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, dự báo giá điện tăng làm cho CPI cả năm có thể tăng thêm 0,29%. Đáng chú ý, tác động này đang thể hiện rõ qua hóa đơn thanh toán tiền điện của các hộ trong bối cảnh nắng nóng kéo dài..

Đặc biệt, bệnh Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, khiến giá thịt lợn trên thị trường đã lên tới 120.000 đồng/kg và còn có thể tăng thêm nữa. Bà Phạm Thị Hạnh, ở ngõ 22, phường Mai Động (quận Hoàng Mai) cho biết: "Nhìn chung giá cả các mặt hàng vẫn khá ổn định, có tăng giảm đôi chút, chỉ có giá thịt lợn thì tăng khá rõ trong những ngày gần đây".

Ông Đào Ngọc Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại An Việt, thuộc lĩnh vực chế biến thực phẩm (trụ sở tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) cho rằng, trong trường hợp giá đầu vào, mà cụ thể giá lợn hơi tăng lên thì chi phí cho việc thu mua phục vụ chế biến sẽ tăng theo. Vấn đề đặt ra là, thịt lợn chiếm khoảng 70% nhu cầu thực phẩm của các gia đình, nếu khan hiếm có thể dẫn đến tăng giá liên tục, khiến giá cả nhóm hàng dịch vụ ăn uống tăng lên. Đây lại là nhóm quan trọng hàng đầu và chắc chắn sẽ đẩy CPI tăng theo phản ứng dây chuyền...

Trước thực tế trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, có biện pháp điều hành nhằm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, đặc biệt phải bảo đảm CPI năm 2019 tăng 3,3-3,9%. Trong đó, chú ý tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, phí BOT. Riêng với giá xăng dầu cần bám sát diễn biến giá thế giới và tình hình trong nước, kết hợp chặt chẽ giữa trích lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; đồng thời tiếp tục đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện...

Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính trong điều hành giá xăng dầu phù hợp với diễn biến giá thế giới và có kịch bản ứng phó với tình huống giá xăng dầu tăng cao, bảo đảm dư địa cho việc bình ổn giá trong các tháng cuối năm. Bộ Công Thương phối hợp với Tổng cục Thống kê theo dõi, đánh giá tác động gián tiếp của việc tăng giá điện, tăng cường công tác thông tin theo hướng công khai, minh bạch về chi phí đầu vào kết hợp thanh, kiểm tra kết quả kinh doanh theo quy định...

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc quyết định giá xăng dầu cũng như giá điện cần được cân nhắc kỹ lưỡng, bảo đảm tính minh bạch về nguyên nhân, cách tính; lý giải các thông tin cần thiết đến khách hàng. Bên cạnh đó, cần có sự giám sát của cộng đồng và đánh giá, kiểm tra của cơ quan độc lập nhằm bảo đảm sự chính xác, khách quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động kiềm chế lạm phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.