Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý rác thải sinh hoạt: Đòi hỏi cấp thiết

Dạ Khánh| 20/07/2019 06:27

(HNM) - Trong bối cảnh lượng rác thải phát sinh ngày một lớn, diện tích chôn lấp tại các bãi rác ngày một thu hẹp; từ năm 2017, Hà Nội đã phát triển các dự án xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại nhằm giảm dần tỷ lệ xử lý bằng phương pháp chôn lấp, biến rác thải thành tài nguyên để phục vụ sản xuất. Đây là đòi hỏi cấp thiết đặt ra từ thực tiễn, tuy nhiên, đến thời điểm này, tiến độ triển khai một số dự án vẫn còn chậm...

Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt. Trong ảnh: Dây chuyền Nhà máy xử lý rác thải Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Phương Dung

Sức ép từ 8.500 tấn rác thải/ngày-đêm

Với lượng rác thải ngày càng tăng và ảnh hưởng ô nhiễm môi trường, vấn đề xử lý rác thải đã, đang và sẽ là "bài toán" không dễ giải quyết. Để hạn chế ảnh hưởng từ xử lý chôn lấp, thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp: Cải tiến, đổi mới phương pháp chôn lấp, hạn chế phát sinh mùi, ô nhiễm nước rác; hỗ trợ ảnh hưởng môi trường; đền bù, hỗ trợ di dời người dân ra khỏi vùng ảnh hưởng môi trường...

Theo ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chôn lấp hợp vệ sinh chỉ phù hợp với những nơi có quỹ đất rộng lớn. Với Hà Nội, đây không phải là giải pháp lâu dài, vì mật độ dân cư lớn, quỹ đất ít. Để xử lý rác thải sinh hoạt hiệu quả, phải áp dụng công nghệ xử lý rác thân thiện hơn, như công nghệ khí hóa, kết hợp giữa việc phân loại rác tại nguồn, tái chế và phát điện.

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Trưởng phòng Hạ tầng - Kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: "Trung bình mỗi ngày, trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 6.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có khoảng 11% được thu gom, xử lý bằng phương pháp đốt (không phát điện); còn lại phần lớn được chuyển đến các khu xử lý rác để chôn lấp. Theo dự báo, đến năm 2020, lượng rác thải phát sinh trên địa bàn thành phố tăng lên khoảng 8.500 tấn/ ngày-đêm. Đây sẽ là sức ép lớn nếu không sớm thúc đẩy các dự án xử lý rác tiên tiến".

Ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội, đơn vị được giao quản lý, vận hành 2 bãi rác lớn nhất hiện nay là Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì), chia sẻ, trung bình mỗi ngày, bãi rác Nam Sơn tiếp nhận 4.500-4.700 tấn; bãi rác Xuân Sơn khoảng 1.200 tấn. Với lượng rác này, đến hết năm 2020, cả hai bãi sẽ không còn khả năng tiếp nhận thêm.

Nhiệm vụ cấp bách: Đẩy nhanh tiến độ của 5 dự án

Trước sức ép về rác thải cũng như quỹ đất ngày càng eo hẹp, nhằm đẩy mạnh công tác quản lý, xử lý rác thải, với mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng phương pháp chôn lấp, ngay từ năm 2017, thành phố đã chỉ đạo tập trung kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn theo công nghệ hiện đại, đốt, hoặc khí hóa, có thu hồi năng lượng để phát điện.

Hà Nội đang đứng trước “sức ép” 8.500 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày. Ảnh: Thái Hiền

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đồng Phước An cho biết: "Trong thông báo "gọi" đầu tư, thành phố nêu rõ 5 tiêu chí sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư: Có năng lực về tài chính và kinh nghiệm xử lý rác; có hồ sơ thiết kế công nghệ đốt phát điện tiên tiến hiệu quả; đã nghiên cứu kỹ tính chất rác thải ở Hà Nội; đáp ứng được về giá xử lý rác và giá phát điện theo quy định; có nhà máy xây dựng ở Việt Nam hay trên thế giới đạt hiệu quả. Ngoài ra, còn có 5 tiêu chí phụ: Công nghệ nhà máy tiên tiến, thông minh, tiết kiệm; cam kết sớm khởi công, hoàn thành nhanh; ưu tiên đơn vị sử dụng hiệu quả thiết bị sản xuất trong nước; ưu tiên đơn vị tạo điều kiện có việc làm ổn định cho người dân ở khu vực dự án; sử dụng ít đất nhất, công suất phát điện tốt nhất và hiệu quả đốt rác cao nhất".

Theo đó, đã có 5 dự án được thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, 2 dự án tại Khu xử lý chất thải Đồng Ké (huyện Chương Mỹ), xử lý 1.500 tấn rác thải/ngày-đêm và Phù Đổng (huyện Gia Lâm), xử lý 1.200 tấn rác thải/ngày-đêm, mới đang thực hiện các bước lập hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà đầu tư. Còn 3 dự án khác, đến nay việc triển khai đã có nhiều tiến triển, song vẫn chậm so với yêu cầu.

Hy vọng “cán đích” sớm nhất là dự án Nhà máy Điện rác Sóc Sơn, công suất 4.000 tấn rác thải/ngày-đêm, đặt tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn (chủ đầu tư là Công ty cổ phần Môi trường năng lượng Thiên Ý Hà Nội). Theo ông Nguyễn Văn Quý, dự án áp dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học, thu hồi năng lượng để phát điện công suất 75MW. Đến nay, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II và tổng mặt bằng Nhà máy Điện rác Sóc Sơn. Nhà máy này còn thủ tục cuối cùng là giấy phép xây dựng (chủ đầu tư đã nộp hồ sơ xin cấp phép từ đầu tháng 7-2019, đang chờ Bộ Xây dựng phê duyệt). Sau khi được cấp phép, theo tiến độ cam kết, đến cuối năm 2020 dự án sẽ tiếp nhận đốt thử.

Hai dự án còn lại đặt tại Khu xử lý chất thải Xuân Sơn đang được triển khai, nhưng tiến độ chậm hơn. Cụ thể, Dự án Xử lý rác thu hồi điện Xuân Sơn (công suất 1.000 tấn/ngày-đêm, áp dụng công nghệ đốt rác phát điện, công suất 15,5MW, chủ đầu tư là liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn T&T và Hitachi Zosen Corporation - Nhật Bản), chủ đầu tư đang hoàn thành các thủ tục chấp thuận bổ sung quy hoạch phát triển điện. Dự án cũng đã được xác định phạm vi đất... Trong khi đó, Dự án Khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng (công suất 500 tấn rác thải/ngày-đêm, xử lý bằng phương pháp khí hóa để phát điện, chủ đầu tư là Công ty TNHH Indovin Power), cũng đang tiến hành các thủ tục theo đúng quy trình để triển khai dự án, nhưng chưa có kết quả cụ thể.

Xác định việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải là nhiệm vụ cấp bách; từ đầu năm 2019 đến nay, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung triển khai quyết liệt, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể để hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục liên quan theo đúng tiêu chí đầu tư...

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đồng Phước An cho biết, hiện nay các chủ đầu tư đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ. Các sở, ngành, đơn vị liên quan cũng quyết liệt thực hiện nhiệm vụ được giao, thường xuyên kiểm tra hiện trường, đôn đốc chủ đầu tư... nhằm giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc; phấn đấu để các dự án sớm khởi công, đi vào vận hành trong năm 2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý rác thải sinh hoạt: Đòi hỏi cấp thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.