Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt công tác quản lý trật tự xây dựng

Nguyễn Lê| 02/08/2019 07:57

(HNM) - Thời gian qua, tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, gây bức xúc dư luận. Trước thực trạng đó, thành phố quyết tâm chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, trái phép trước tháng 6-2020, song song với việc xây dựng cơ chế nhằm tạo lập nhà ở hợp pháp cho người có nhu cầu.

Tại hội nghị Xây dựng đề án tổng thể các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố diễn ra mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng: Một hộ dân ở xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) đăng ký xây dựng một căn nhà 2 tầng, diện tích 168m2 nhưng sau đó tự ý thay đổi kiến trúc chia thành 25 căn nhà với tổng diện tích gần 1.200m2. Một hộ dân khác ở xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), năm 2015 xin giấy phép xây dựng 3 căn nhà, năm 2017 đã tự ý chia thành 19 căn... Thực trạng trên cho thấy, tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh vẫn diễn biến phức tạp.

Ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh cho biết, số vụ sai phạm về xây dựng bình quân một ngày năm 2017 là 7,8 vụ, năm 2018 giảm xuống còn 6,6 vụ, nhưng 6 tháng đầu năm 2019 đã tăng lên 8,5 vụ. Trong năm 2017, năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn thành phố có gần 6.830 công trình vi phạm trong hoạt động xây dựng, nhiều nhất là xây dựng không phép, tập trung chủ yếu tại vùng ven như quận 12, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh…

Thời gian qua, nhiều quận, huyện của thành phố Hồ Chí Minh đã quyết liệt xử lý vi phạm trong trật tự xây dựng. Cụ thể, đối với công trình xây dựng không phép đã hoàn thành, kiên quyết cưỡng chế tháo dỡ để ngăn chặn các vi phạm tương tự. Ngoài việc xử lý công trình, xử lý người vi phạm trong trật tự xây dựng, các quận, huyện còn mạnh tay xử lý cán bộ, công chức để xảy ra sai phạm tại địa bàn mình quản lý. Ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết, vừa qua, huyện đã kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm 105 cá nhân, tổ chức liên quan đến việc buông lỏng công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn.

Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố còn diễn biến phức tạp, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, quy định của pháp luật trên thực tế gây khó khăn trong việc ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính; việc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm còn nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan đến thẩm quyền tổ chức cưỡng chế; kinh phí cưỡng chế; lực lượng thực hiện công tác cưỡng chế; việc chấp hành quy định pháp luật của một số tổ chức, cá nhân còn chưa tốt...

Để khắc phục tình trạng trên, vừa qua Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố nhằm chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, trái phép trước tháng 6-2020. Theo đó, mỗi đảng viên và tổ chức Đảng từ cơ sở phải nêu cao tinh thần chấp hành pháp luật trong quản lý, thực hiện quy định về trật tự xây dựng; nếu vi phạm, sẽ bị xử lý nghiêm.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố sẽ tổng rà soát tình hình xây dựng trên địa bàn 24 quận, huyện; chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cấp trong việc để xảy ra sai phạm về xây dựng, với phương châm “phát hiện sớm, xử lý nhanh, ngăn chặn từ đầu”.

Về các giải pháp thực hiện, thành phố đề ra 7 nhóm giải pháp chính, trong đó trọng tâm là hoàn thiện quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc phục vụ công tác cấp phép xây dựng nhằm tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình được xây dựng nhà ở hợp pháp, đúng quy hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt công tác quản lý trật tự xây dựng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.