Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàng thủ công mỹ nghệ: Nâng chất thiết kế để tăng sức cạnh tranh

Thanh Hiền| 14/08/2019 07:33

(HNM) - Mẫu mã là “linh hồn” của sản phẩm, song các làng nghề thủ công mỹ nghệ lại đang yếu ở khâu thiết kế. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ nâng cao sức cạnh tranh, cũng như giá trị của sản phẩm, thành phố Hà Nội đã mời các chuyên gia trong và ngoài nước tư vấn hỗ trợ nhằm giúp các nghệ nhân, doanh nghiệp nâng cao chất lượng thiết kế, phát huy ý tưởng sáng tạo để có được những sản phẩm có giá trị, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Thiết kế đơn điệu, chậm đổi mới

Ông Lê Đức Kế, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du lịch dịch vụ thương mại Bát Tràng (huyện Gia Lâm) cho biết: “Sản xuất gốm sứ đóng vai trò sống còn đối với người dân nơi đây. Bởi, sản xuất gốm sứ vừa là nghề truyền thống, vừa giải quyết việc làm và đem lại thu nhập cao cho họ. Nếu nhìn nhận gốm sứ Bát Tràng là làng nghề thủ công thuần túy thì không cần phải bàn thêm, song nếu nhìn làng nghề là thủ công mỹ nghệ thì những mặt hàng ở đây đang thiếu một nhà thiết kế mẫu hiện đại, có tầm nhìn và dự đoán chính xác về thị hiếu mẫu, hoa văn… Hơn nữa, nghệ nhân làng nghề mới chỉ là… thợ khéo tay, chứ họ chưa phải nhà thiết kế mẫu. Vì vậy, khi bước ra thị trường thế giới, sản phẩm gốm sứ của Bát Tràng có phần đuối sức so với mặt hàng cùng loại của nhiều nước bạn”.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam được trưng bày tại một hội chợ.

Theo ông Nguyễn Anh Hiếu, đại diện Công ty Mây tre đan xuất khẩu Trúc Sơn (huyện Chương Mỹ), hiện sản phẩm của làng nghề chủ yếu làm theo các mẫu truyền thống hoặc làm theo mẫu của nước ngoài do khách hàng mang tới. Phần lớn doanh nghiệp vẫn đang bị động trong việc tìm kiếm, sáng tạo, thiết kế mẫu sản phẩm.

Về điểm yếu này, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nhận định, đây là tình trạng chung của các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, nhất là cơ sở quy mô nhỏ ở nước ta. Do hạn chế về nguồn lực, các cơ sở này không dám đầu tư đội ngũ thiết kế riêng, thiếu điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu về thị hiếu của người tiêu dùng quốc tế. Trong khi đó, nhiều cơ sở cũng e ngại, nếu bỏ công sức đầu tư thiết kế mẫu bài bản, thì chỉ sau một thời gian ngắn sẽ bị các cơ sở khác làm nhái, vì vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam chưa được thực hiện nghiêm. Do đó, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề rất cần sự hỗ trợ của các sở, ngành trong việc cải thiện, sáng tạo mẫu mã sản phẩm.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho rằng, so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia... hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam kém cạnh tranh hơn về thiết kế, trong khi sự khác biệt về mẫu mã là một trong những yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các làng nghề truyền thống cũng phải thay đổi bằng cách đổi mới thiết kế mẫu, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, nhưng vẫn giữ được bản sắc, giá trị truyền thống của sản phẩm.

Đổi mới để cạnh tranh

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tích cực hỗ trợ các tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành thủ công mỹ nghệ nâng cao năng lực thiết kế mẫu, cũng như có những sản phẩm tiếp cận được với xu hướng mới. Trong đó, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức tư vấn, định hướng thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thu hút được đông đảo các nghệ nhân, doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội tham dự.

Bà Expert Claire Driscoll - chuyên gia giới thiệu, phân tích những xu hướng thiết kế mới trên thế giới (Hội đồng Anh) cho biết: “Các nghệ nhân, nhà thiết kế cần đặt tâm thế để sản xuất sản phẩm hướng đến thị trường. Thiết kế là "linh hồn" của sản phẩm. Hàng thủ công mỹ nghệ cũng như thời trang, cần có mẫu mới liên tục. Nếu hiểu rõ làm gì, cho ai và đáp ứng được nhu cầu thị hiếu thị trường thì sản phẩm đó sẽ thành công”.

Bà Nguyễn Thị Hân, chủ cơ sở mây tre đan Hân Hạnh (Làng nghề mây tre đan Phú Vinh, huyện Chương Mỹ) chia sẻ: “Các tư vấn, góp ý của chuyên gia nước ngoài rất có ý nghĩa, giúp chúng tôi nhận ra cần thay đổi về thiết kế với các sản phẩm mây tre đan ứng dụng như trang sức, túi đeo, khuyên tai, vòng tay… và có cách nhìn thực tế, hiện đại hơn về thiết kế sản phẩm. Từ đó, cơ sở chúng tôi có những điều chỉnh về mẫu phù hợp với xu hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.

Bà Nguyễn Thị Lương, Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan Hiền Lương (huyện Phú Xuyên) cũng cho biết, với sự hỗ trợ của Sở Công Thương thông qua Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, những năm gần đây, công ty đều có những bộ sản phẩm mới. Trên cơ sở những mẫu mã do đội ngũ thiết kế của doanh nghiệp sáng tạo, các chuyên gia đã tư vấn, chỉnh sửa họa tiết, màu sắc… để sản phẩm bắt mắt và phù hợp hơn với thị hiếu khách hàng.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh, thông qua những lần tập huấn, tư vấn, Sở Công Thương kỳ vọng các nghệ nhân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có những mẫu sản phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao, góp phần đa dạng hóa mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, chương trình khuyến công, tổ chức các cuộc thi về sản phẩm, thương hiệu... để nâng giá trị sản phẩm của làng nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng thủ công mỹ nghệ: Nâng chất thiết kế để tăng sức cạnh tranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.