Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng nêu 5 yêu cầu để phát triển bền vững hơn

Vân Nga - Hồng Sơn| 12/09/2019 20:05

(HNMO) - Chiều 12-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên toàn thể Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2019 với chủ đề “Vì một thập niên phát triển bền vững hơn”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức.

Cùng tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và hơn 700 đại biểu đại diện cho các cơ quan bộ, ngành, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp. Về phía TP Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tham dự.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên toàn thể của Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững 2019. Ảnh: TN&MT

Chỉ tiêu cần lồng ghép kế hoạch hành động

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ và đạt được nhiều kết quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam cũng luôn thể hiện cam kết mạnh mẽ để thực hiện các mục tiêu theo Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững với 115 chỉ tiêu và lồng ghép vào các kế hoạch hành động.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, không thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững nếu không có hành động đúng đắn, quyết liệt, đồng bộ từ tất cả các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, mọi người dân với sự hợp tác của cộng đồng quốc tế.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nhằm đáp ứng nội dung các cam kết quốc tế và xuất phát từ chính yêu cầu nội tại của Việt Nam. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nêu rõ 6 yêu cầu cần thực hiện. Đó là hoàn thiện thể chế, rà soát hệ thống văn bản pháp luật có liên quan tới vấn đề môi trường; xác định các ưu tiên trong phát triển bền vững phù hợp với điều kiện của Việt Nam, hướng tới sự hài hòa và chú trọng lồng ghép các mục tiêu phát triển kinh tế và Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển bền vững; nhận diện những nguyên nhân để khắc phục những hạn chế, mâu thuẫn nội tại.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc khẳng định, mục tiêu của phát triển bền vững là không ai bị bỏ lại phía sau. Cần chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang kinh tế tuần hoàn gắn liền với bảo vệ môi trường, không để lại gánh nặng cho xã hội. Đồng thời, cải thiện năng suất lao động, tạo phong trào rộng khắp; chuyển đổi hộ kinh doanh gia đình sang mô hình doanh nghiệp; tạo điều kiện thúc đẩy đối tác công - tư (PPP); sớm ban hành Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Chia sẻ về chủ đề “Tăng trưởng bao trùm: Phát triển vốn nhân lực tại Việt Nam giai đoạn 2020-2030”, ông Daniel Dulitzky, Giám đốc Chương trình Phát triển con người khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, Việt Nam đang thực hiện tốt các chỉ số vốn nhân lực nhưng cũng phải đối mặt với hai thách thức chính trong việc bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao, đó là thu hẹp khoảng cách cho các nhóm dân tộc thiểu số và tăng cường phát triển lực lượng lao động. 

Phát triển bền vững là xu thế tất yếu

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách, xu thế tất yếu của sự phát triển của xã hội, nên chủ trương này được đưa ra luôn nhất quán với các chương trình nghị sự của Chính phủ và Quốc hội.

30 năm đổi mới, Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững và đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Kinh tế vĩ mô tăng trưởng, GDP đạt gần 2.600 USD/người.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra 5 yêu cầu:

Một là, thống nhất nhận thức và hành động giữa các cấp, ngành và toàn xã hội trong việc thực hiện phát triển bền vững, vì đây là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Tập trung mọi ý chí, nguồn lực vào việc thực hiện phát triển bền vững, trong đó con người là trung tâm. Thủ tướng cho rằng, đã có quá nhiều chiến lược phát triển với nhiều mục tiêu khác nhau trong cùng một thời kỳ nên kết quả thực hiện còn kém, dàn trải nguồn lực. "Đề nghị các bộ, ngành địa phương nghiên cứu và đưa ra Chương trình nghị sự giai đoạn 2021-2030 với các nhiệm vụ cụ thể", Thủ tướng nhấn mạnh.

Hai là, cần tăng tốc quá trình tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, giảm ô nhiễm, giảm đói nghèo và hành động cùng toàn cầu đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, Thủ tướng biểu dương Hà Nội trồng một triệu cây xanh và một số tỉnh, thành phố đạt kết quả tốt và có sáng kiến trong xây dựng, bảo vệ môi trường sống như: Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam… 

Ba là, cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cải thiện nguồn nhân lực cho vùng sâu, vùng xa, cả về trí lực, nhân lực, phát triển con người. 

Bốn là, tăng cường hiệu suất, hiệu quả làm việc, hoàn thiện khung pháp lý.

Năm là, xây dựng cơ chế chính sách cho các mô hình kinh tế tuần hoàn, tiến tới việc giảm phát thải; cần các chính sách mạnh để khuyến khích, tái sản xuất, tái sử dụng, có lợi ích và hiệu quả cao. 

Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho một số bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nghiêm các kế hoạch của Chính phủ về phát triển bền vững.

Kết thúc hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đã trao cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Cúp năng suất và bản cam kết của các doanh nghiệp tiên phong trong xử lý rác thải... 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng nêu 5 yêu cầu để phát triển bền vững hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.