Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thương hiệu làm nên giá trị

Duy Biên| 10/03/2018 06:52

(HNM) - Từ nhiều năm nay, ngành sản xuất và xuất khẩu lúa gạo luôn có chỗ đứng vững chắc là một trong 10 ngành mang lại giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên của Việt Nam. Cả nước hiện cũng có hàng chục triệu người gắn bó với nghề trồng lúa.

Sự tăng, giảm trong xuất khẩu của ngành hàng này mang ý nghĩa không chỉ về giá trị kinh tế mà còn liên quan mật thiết đến công tác an sinh xã hội tại khu vực nông thôn rộng lớn. Chính vì vậy, trong 2 tháng đầu năm nay, việc các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 861.000 tấn gạo, thu về gần 419 triệu USD; tăng 17% về khối lượng và 34% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái - là tin vui với nhiều người.

Đáng lưu ý, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đã vượt Thái Lan, chứng minh hiệu quả bước đầu của quá trình tái cơ cấu trong sản xuất lúa gạo, trong đó chú trọng về chất hơn là về lượng. Thành công này ngoài sự định hướng của cơ quan quản lý phải đặc biệt ghi nhận những nỗ lực của chính các doanh nghiệp trong ngành. Không chỉ tập trung cải tiến công nghệ, xây dựng thương hiệu, chất lượng luôn là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp. Cùng với đó, liên kết với nông dân, có vùng trồng riêng, thu mua giá cao là cách được nhiều doanh nghiệp áp dụng...

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, để giữ vững và củng cố vị thế gạo "Made in Vietnam" trên thị trường quốc tế, ngành lúa gạo vẫn còn nhiều việc phải làm.

Trên thực tế, một trong những “điểm nghẽn” hiện nay là gạo Việt Nam thiếu thương hiệu, chất lượng chưa cao, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã còn lỏng lẻo, sản xuất manh mún. Trong khi đó, yêu cầu từ thị trường ngày càng khắt khe, đòi hỏi sản phẩm phải an toàn, có đầu mối giao nhận, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Trước đây, Việt Nam từng có các thương hiệu gạo xuất khẩu sang một số nước, nhưng khi đối tác phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép thì bị ngừng nhập khẩu. Trong khi đó, hiện nay, nếu biết sản phẩm lúa của nông dân sản xuất đạt chất lượng cao, an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn quốc tế, doanh nghiệp sẵn sàng thu mua giá cao hơn giá thị trường. Do đó, Nhà nước cần sớm thành lập cơ quan kiểm định chất lượng lúa gạo theo tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao giá trị.

Cùng với đó, chúng ta phải xây dựng các vùng nguyên liệu lúa quy mô lớn, canh tác theo hướng cơ giới hóa để cho năng suất cao, chất lượng tốt. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp phải có quy hoạch sản xuất cho từng loại lúa hàng hóa phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng, miền; nâng cao chất lượng lúa gạo theo quy trình sản xuất sạch, hữu cơ.

Đặc biệt, muốn bán được giá cao, sản phẩm gạo phải có thương hiệu. Lâu nay, thị trường đầu ra của gạo nước ta chưa ổn định, doanh nghiệp hay bị ép giá bởi thương hiệu còn mờ nhạt và hầu như không tiếp cận được những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ... Hiện người tiêu dùng của nhiều nước chưa biết đến thương hiệu gạo Việt Nam. Trong khi đó, năng suất lúa của Việt Nam khoảng 5,3 tấn/ha, Thái Lan chỉ khoảng 2,8 tấn/ha nhưng giá trị xuất khẩu gạo Thái Lan thường cao hơn so với nước ta bởi thương hiệu gạo của họ tạo được chỗ đứng trên thị trường.

Điều này cho thấy, thời gian tới các ngành chức năng cần chú trọng nhiều hơn tới việc xây dựng thương hiệu. Để làm được điều đó, ngay trong chiến lược xuất khẩu gạo cần xác định rõ đâu là thị trường trọng tâm và tiềm năng, thị trường đó cần những chủng loại gì, chất lượng ra sao để có kế hoạch phù hợp, bắt đầu từ việc chọn giống lúa. Chính vì thiếu nhiều giống lúa tốt nên dù Việt Nam đứng nhất, nhì về lượng gạo xuất khẩu hàng năm, nhưng giá trị thường rất thấp.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, chỉ khi chúng ta xây dựng được thương hiệu gạo có chất lượng, an toàn, sẽ tạo uy tín để thị trường xuất khẩu gạo phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thương hiệu làm nên giá trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.