Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm quyền hiến định

Đỗ Quỳnh Chi| 25/05/2018 06:30

(HNM) - Tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp và được cụ thể hóa trong nhiều văn bản luật như Luật Tố cáo; Luật Phòng, chống tham nhũng; Bộ luật Tố tụng hình sự…


Tại hội nghị về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, được tổ chức ngày 19-5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ rõ, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện đông người diễn biến phức tạp là một số địa phương không thực hiện nghiêm túc việc đối thoại với dân. Một vài cán bộ còn nặng tư tưởng “đối đầu” với dân mà chưa thấy trách nhiệm của mình. Ngoại trừ một số trường hợp bị xúi giục và kích động, nhìn chung người dân đều ở vào hoàn cảnh cực chẳng đã mới đi khiếu nại, khiếu kiện vì cho rằng, quyết định hành chính đã ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.

Để xảy ra hiện tượng khiếu nại, tố cáo có chiều hướng tăng bắt nguồn từ việc người đứng đầu UBND các cấp ở nhiều nơi không thực hiện quy định về việc tiếp công dân định kỳ nhưng chưa được thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Việc xử lý các cán bộ sai phạm được phát hiện qua khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn còn ít, có dấu hiệu ngại va chạm, nể nang, né tránh; tình trạng rút kinh nghiệm, xử lý nội bộ còn chiếm tỷ lệ lớn… Đặc biệt, trở ngại chính khiến người dân ngại tố cáo là vì sợ bị trù dập, bị trả thù.

Rõ ràng, những hạn chế nêu trên cần được giải quyết triệt để trong Luật Tố cáo (sửa đổi) đang được Quốc hội bàn thảo. Trong đó, cần quy định rõ cơ quan nào chủ trì chính trong tiếp nhận tố cáo; cơ quan nào chịu trách nhiệm bảo vệ người tố cáo; hình thức bảo vệ như thế nào để người dân đọc, hiểu luật và đến đúng địa chỉ để thực hiện quyền của mình. Điều này nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giải quyết tố cáo; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật của cán bộ, nhân dân; tăng cường vận động, thuyết phục công dân chấp hành pháp luật và các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với các trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối thì phải làm rõ, xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Để hạn chế các vụ việc phức tạp, điểm nóng nảy sinh cần chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, tài chính, ngân sách, chính sách xã hội; tăng cường tính công khai, minh bạch trong xây dựng, thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để công dân tham gia vào hoạt động quản lý nhà nước và thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công dân; đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng nhằm tạo ra môi trường pháp lý lành mạnh, hài hòa, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội và hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Ngoài ra, đã đến lúc cần xác định và xử lý trách nhiệm của từng địa phương, từng cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Điều cần hơn là phải tăng cường đối thoại với dân, cùng nhau tháo gỡ từ những vướng mắc, bất cập trong chính sách pháp luật đến việc thực thi trong thực tế, để luôn tạo được tiếng nói đồng thuận giữa người dân và chính quyền. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm quyền hiến định

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.