Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp thêm động lực

Đỗ Quỳnh Chi| 05/06/2018 06:47

(HNM) - Có nhiều lý do khiến thời gian qua có ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đó là chế độ tích tụ ruộng đất chưa bảo đảm, khó tiếp cận vốn ưu đãi dài hạn, bảo hiểm nông nghiệp chưa phổ thông trong khi sản xuất bị tác động lớn bởi các yếu tố thời tiết…


Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018, Chính phủ đã đưa ra các chính sách ưu đãi mới. Theo đó, doanh nghiệp có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư thuê, thuê lại đất, mặt nước của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư thì được Nhà nước hỗ trợ kinh phí tương đương với 20% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho 5 năm đầu tiên kể từ khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động. Trong chu kỳ thuê đất, Nhà nước không điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm ảnh hưởng đến dự án…

Với nhiều điểm mới, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ gỡ những khó khăn, bất cập trong tập trung đất đai như hiện nay để phát triển sản xuất nông nghiệp ở quy mô lớn. Các quy định của Nghị định sẽ tạo cơ chế để nông dân và doanh nghiệp cùng có lợi, cùng hợp tác để tạo ra quỹ đất lớn hơn cho sản xuất nông nghiệp và ứng dụng công nghệ mới thay cho việc Nhà nước hỗ trợ tiền để doanh nghiệp đi thuê gom đất của nông dân. Ngoài ra, Nghị định cũng đã giảm tối đa các hỗ trợ trực tiếp (bằng tiền), điều chỉnh các mức hỗ trợ đủ sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp nhưng phù hợp khả năng cân đối ngân sách nhà nước và cơ chế thị trường, chỉ hỗ trợ một phần trong tổng mức đầu tư nhằm tạo trách nhiệm bảo đảm hiệu quả của đồng vốn, ngăn ngừa trục lợi chính sách. Các hỗ trợ trực tiếp chỉ còn tập trung vào một số sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cần khuyến khích phát triển.

Tuy nhiên, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP cũng chỉ là cơ chế khung, hiệu lực, hiệu quả còn phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của các cấp, nguồn lực cân đối để thực hiện. Cụ thể là cần tiếp tục nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh trong nông nghiệp thông qua khắc phục các vấn đề cố hữu như sản xuất manh mún; quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp còn hạn chế, thủ tục hành chính chuyên ngành chồng chéo, rườm rà; cơ chế liên kết giữa doanh nghiệp và người dân còn lỏng lẻo và thiếu hài hòa lợi ích; chưa có cơ chế bảo hiểm nông nghiệp để giảm rủi ro trong đầu tư…

Tiếp đến là phải có cơ chế chính sách riêng cho từng nhóm đối tượng doanh nghiệp nông nghiệp. Bởi đa số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này có quy mô nhỏ nên chính sách hỗ trợ phải khác, thông tin cần đầy đủ hơn, thủ tục hành chính phải thân thiện, hoàn thiện hơn vì doanh nghiệp nhỏ rất nhạy cảm với thủ tục hành chính. Làm được những điều này chính là tiếp thêm động lực cho việc ra đời nhiều hơn các doanh nghiệp nông nghiệp, vốn đang được manh nha từ các tổ, nhóm, dự án sản xuất nông nghiệp.

“Đường đi” của nông nghiệp Việt Nam thời gian tới là phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có giá trị gia tăng cao và bền vững, dựa trên nền tảng hộ nông dân chuyên nghiệp, kinh tế hợp tác và doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong phát triển chuỗi giá trị, gắn nông dân và hợp tác xã với thị trường, xây dựng các vùng chuyên canh quy mô lớn, nâng cao khả năng cạnh tranh, áp dụng công nghệ phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp thêm động lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.