Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mấu chốt vẫn là chuỗi sản xuất - tiêu thụ

Tuấn Kiệt| 11/06/2018 06:54

(HNM) - Chỉ trong vòng 1 năm, giá thịt lợn trên thị trường diễn biến khó lường, từ chạm đáy lịch sử rồi đến cao chót vót sau vài tháng.


Nói là “lạ”, nhưng thực ra diễn biến của thị trường thịt lợn dường như đã được dự báo trước. Giữa năm 2017, trong lúc cả xã hội đang chung tay “giải cứu” chăn nuôi lợn thì đã xuất hiện những dự đoán: Vài tháng nữa, giá lợn hơi sẽ lại tăng mạnh. Bởi sau đợt giá lợn hơi "lao dốc không phanh" sẽ dẫn đến tình trạng giảm đàn, giá sẽ tăng. Giờ đây, những dự báo ấy đã thành hiện thực…

Đáng nói nữa, mặc dù giá lợn tăng cao nhưng thực tế người chăn nuôi lại không được hưởng lợi nhiều vì thực tế nguồn cung ra thị trường lúc này không phải từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, mà chủ yếu từ các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn. Điều này được chứng minh bằng số liệu thức ăn gia súc và nguyên liệu chăn nuôi nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2018 trị giá tới 1,61 tỷ USD, tăng tới 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chưa kể, khoảng cách giữa giá thịt lợn xuất chuồng với mức giá đến tay người tiêu dùng chênh lệch quá lớn, và phần lớn lợi nhuận rơi vào các khâu trung gian. Những cuộc giải cứu một cách thụ động cũng tạo cơ hội cho “gian thương” ép giá, găm hàng chờ thời cơ hưởng lợi. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã “trúng đậm” khi ghìm được giá lợn hơi ở mức thấp kỷ lục.

“Khủng hoảng thừa”, “rớt giá” và “giải cứu”… Câu chuyện lặp lại không chỉ với riêng lĩnh vực chăn nuôi mà còn rộng hơn với cả ngành Nông nghiệp. Đã có quá nhiều những cuộc “giải cứu”, từ rau, dưa, hoa quả đến thực phẩm… và sau mỗi cuộc “nghĩa hiệp” của cộng đồng, càng lộ ra một điểm chung là việc phát triển nuôi trồng ở nước ta quá bấp bênh, là nguồn cơn tạo nên sự mất cân đối cung - cầu.

Khủng hoảng giá thịt lợn đặt ra câu hỏi trách nhiệm của các cơ quan chức năng đến đâu trong việc dự báo, điều hành sản xuất, tiêu thụ? Từ bao giờ chúng ta cứ trông chờ vào giải pháp tình thế, chấp nhận chuyện "giải cứu" như một việc đương nhiên? Đã đến lúc cần phải giải quyết các nghịch lý tồn tại của thị trường một cách nghiêm túc và bài bản.

Thực tế, để giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi, việc cần làm là phải tổ chức lại chuỗi sản xuất tiêu thụ, trong đó bảo đảm sự phân bổ hợp lý lợi nhuận giữa các khâu. Thế nhưng, tạo chuỗi và tham gia vào chuỗi giá trị liệu có đơn giản khi mà các cơ quan quản lý với nhiệm vụ định hướng, dự báo, điều tiết thị trường dường như chỉ đưa ra những khuyến cáo “chạy theo” sự đã rồi?

Những cuộc “khủng hoảng” nông sản trên quy mô lớn trong thời gian vừa qua đã cho thấy nhiều bài học không chỉ với người chăn nuôi, người tiêu dùng, mà còn với cả những nhà quản lý. Đặc biệt là bài học về điều tiết thị trường. Có thể nói, sự vận động của nền kinh tế thị trường luôn tuân theo những quy luật khách quan nhất định.

Cơ quan quản lý phải nắm được quy luật vận động của kinh tế thị trường để có những điều chỉnh phù hợp, tổ chức sản xuất nông sản gắn với thông tin thị trường; lấy lợi ích của đa số người chăn nuôi làm động lực nhằm kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung - cầu thị trường. Bằng không thì mãi mãi người nông dân sẽ chỉ đứng “bên lề cuộc chơi”.

Nếu không khắc phục những nghịch lý trên, không xây dựng được chuỗi sản xuất - tiêu thụ ổn định, cùng có lợi, vòng luẩn quẩn sẽ lặp lại. Và khi “khủng hoảng” xảy ra thì nông dân luôn là người chịu thiệt thòi nhiều nhất…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mấu chốt vẫn là chuỗi sản xuất - tiêu thụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.